Nếu chỉ được chọn một yếu tố trong chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam, các chuyên gia sẽ chọn gì?

Tại buổi tọa đàm trong phiên thảo luận 'Chuyển đổi số trong nông nghiệp' diễn ra vào chiều 15/12, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA đã đặt ra câu hỏi: 'Nếu chỉ chọn một yếu tố trong chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam, các chuyên gia sẽ chọn gì?'.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT, ông Hà Thái Bảo nêu rõ, nếu chỉ chọn một yếu tố trong chuyển đổi số nông nghiệp, ông sẽ chọn tập trung xây dựng chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước.

Lý giải về điều này, đại diện VNPT cho biết, mọi thay đổi đều phải bắt đầu từ người lãnh đạo, từ chính cơ quan quản lý. "Do vậy, tôi sẽ chọn chuyển đổi số cho cơ quan nhà nước trong các lĩnh vực nông nghiệp".

Đối với Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Phúc Sinh Group, ông Phan Minh Thông, nếu chỉ tập trung một yếu tố, đó sẽ là tư duy. "Tôi cho rằng đầu tư vào tư duy cho người dân là yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số nông nghiệp. Giả sử như chỉ 10.000 người áp dụng chuyển đổi số trong 1 triệu người, thì cũng sẽ tạo ra cả thay đổi lớn".

Theo ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam đó là thực hiện hóa được các chính sách của Nhà nước.

"Chúng ta có chủ trương của Đảng, Chính phủ và các bộ ngành cũng đều thực hiện kế hoạch hoạt động. Tuy nhiên, để thực hiện được và đi đến đích cuối cùng là người dân, người tiêu dùng, thị trường nông sản được phát triển thì tôi nghĩ rằng cơ chế chính sách phải thiết thực và thực sự đem lại hiệu quả. Tất nhiên, để tham gia vào thì phải có sự gắn kết của doanh nghiệp và người dân. Thế nhưng, tôi cho rằng những cơ chế chính sách này thời gian tới phải thiết thực hơn", ông Ninh cho hay.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam, ông Nadav Eshcar nhấn mạnh: "Đối với tôi, điều quan trọng nhất trong chuyển đổi số nông nghiệp nên bắt đầu từ nhận thức. Có hai cách để thay đổi nhận thức, quan điểm. Thứ nhất là thông qua tuyên truyền, giáo dục. Thứ hai là qua các cơ chế khuyến khích".

"Vì sao điều này lại quan trọng? Bởi tư duy là điều rất khó có thể thay đổi. Người nông dân thường làm theo những gì tổ tiên, ông bà của họ truyền lại. Họ sẽ tự hỏi, tại sao phải thay đổi. Do vậy, cần bắt đầu tư nhận thức, nếu không quá trinh thay đổi sẽ rất tốn kém mà lại không mang lại hiệu quả. Nhìn chung, chúng ta cần những cơ chế khuyến khích, đồng thời cũng cần nâng cao năng lực về giáo dục. Tôi cho rằng Việt Nam đã thực hiện những điều này rồi và sẽ phát triển hơn nữa".

Đối với Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S, để đảm bảo vấn đề chuyển đổi số nông nghiệp thì cần đi ngay, đi nhanh và đi chính xác. "Điều tôi muốn nhất đó là các doanh nghiệp, các trang trại và các nông dân Việt Nam tiếp cận chuyển đổi số càng nhanh càng tốt".

"Bởi vì sản xuất nông nghiệp hiện nay cần đạt được hai mục tiêu. Mục tiêu thứ nhất là sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu. Thứ hai là phải đạt được mục tiêu: hội nhập quốc tế, không chỉ sản xuất trong nước mà tập trung chuyển đổi số để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu".

Giám đốc tư vấn chuyển đổi số tập đoàn FPT Nguyễn Trường Hiệp lựa chọn "sự hợp tác". Cụ thể, ông Hùng nhận định: "Chuyển đổi số trong nông nghiệp đối với doanh nghiệp nói riêng là một việc lớn. Việc lớn thì không nên làm một mình. Đối với cả một ngành nông nghiệp, cần sự hợp tác của nhà nông, của công nghệ, của nhà nước. Chỉ có chung tay thì chúng ta mới có thể làm nhanh, làm đúng, chuyển đổi số thành công".

Cuối cùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, ông Thân Văn Hùng kết luận: "Tôi mong muốn Chính phủ tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp số để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Bởi vì nhu cầu ứng dụng số hóa trong nông nghiệp rất là quan trọng, cấp bách. Hiện nay, qua ứng dụng số hóa đó, doanh nghiệp được hưởng lợi, từ đó nông dân được hưởng lợi, đó là nhu cầu tất nhiên mà doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư tiền bạc, công sức vào thực hiện chuyển đổi số".

Hà Trần

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/neu-chi-duoc-chon-mot-yeu-to-trong-chuyen-doi-so-nong-nghiep-viet-nam-cac-chuyen-gia-se-chon-gi-42020151217593972.htm