Nếu chẳng may chúng ta trượt Đại học…

Dù muốn dù không, cuộc chơi nào cũng có kẻ thắng người thua, và kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học danh tiếng trên cả nước cũng không nằm ngoài quy luật tất yếu đó.

Giả sử nếu chẳng may một ngày nào đó, chúng ta nhận được thông báo, rằng mình không đủ điểm số để trúng tuyển vào một trường Đại học như mong muốn thì cảm giác của các bạn lúc đó sẽ như thế nào? Chắc có lẽ sẽ là những ngày tháng “tăm tối” bao trùm lấy cuộc sống của bạn phải không nhỉ!

Thế nhưng chúng ta cũng đừng vội buồn nhé, bởi lẽ rất nhiều người vẫn thường truyền tai bảo nhau rằng, Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công…

Nếu trượt Đại học đồng nghĩa với thất bại, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được Warren Buffett, Đoàn Nguyên Đức hay Jack Ma…

Tất nhiên, chẳng một sách vở hay một chuyên gia nào có thể tự tin khẳng định rằng, trượt Đại học đồng nghĩa với việc sẽ đón nhận những thất bại trong tương lai. Không! Sẽ không một ai có thể dám chắc với bạn điều đó.

Nếu mọi thứ đã được ông trời sắp đặt như thế thì sẽ chẳng bao giờ chúng ta nghe đến cái tên Warren Buffett, nhà tỷ phú lừng danh của thế giới, sở hữu một khối lượng tài sản đồ sộ có thể đủ nuôi sống cả một quốc gia.

Chẳng bao giờ bóng đá Việt Nam có thể sản sinh ra được những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân trường nếu như không có bàn tay nhào nặn của “gã điên” Đoàn Nguyên Đức, một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất nhì của làng bóng đá Việt Nam và cũng là người lỡ hẹn đến tận 4 lần với “chuyến đò” mang tên Đại học.

Chúng ta cũng không thể nào ngồi tại nhà và đặt hàng chục những sản phẩm mà mình mong muốn trên website thương mại điện tử nổi tiếng thế giới Alibaba nếu như không có sự nhạy bén trong tư duy kinh doanh của tỷ phú Jack Ma, một người đã từng 2 lần thi trượt Đại học.

Nếu bảo trượt trượt đại học là thất bại, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được những Warren Buffett, Đoàn Nguyên Đức hay Jack Ma

Nếu bảo trượt trượt đại học là thất bại, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được những Warren Buffett, Đoàn Nguyên Đức hay Jack Ma

Hơn ai hết, những thành công trong cuộc sống không bao giờ có thể đánh giá được bằng việc có được tấm bằng đại học hay không. Điểm chung của những nhân vật như Buffett, “bầu” Đức hay Jack Ma đều nằm ở chỗ không có được một xuất phát điểm vững chắc, đó chính là giảng đường Đại học. Những bài học chuyên sâu về cách làm giàu, những kiến thức cơ bản mà một nhà kinh doanh cần có, bí quyết để tăng doanh thu, nắm bắt cơ chế thị trường,… tất cả đều xa lạ đối với những nhân vật trên ngay từ khi họ bắt đầu khởi nghiệp.

Tuy nhiên hơn ai hết, tất cả họ đều biết vượt qua sự thất bại trong chính những bước đi đầu tiên của cuộc sống để chọn cho mình một hướng đi khác, lắm chông gai, đầy thách thức nhưng cũng ẩn chứa trong đó không ít những trải nghiệm thú vị – Đó chính là “đường đời”.

“Đường đời” dạy cho chúng ta nhiều điều, ngay cả việc “làm người”

“Đường đời”, thoạt nghe qua có vẻ như đây là một cụm từ hướng chúng ta nghĩ ngay đến những việc làm phi pháp, trái lương tâm, đạo lý làm người. Thế nhưng đằng sau những cạm bẫy ấy chính là cả một “biển trời tri thức” mà ngay cả sinh viên của những trường Đại học hàng đầu thế giới không phải lúc nào cũng được học.

Đằng sau những câu chuyện của cuộc đời luôn ẩn chứa một “biển trời tri thức”

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người thành công đều có xuất phát điểm từ những ngày lăn lộn, bươn trải với cuộc sống mưu sinh. Đó chính là bài học từ những ngày tháng khó khăn, gian khổ nhất trong cuộc sống. Bài học ấy có thể là làm sao để bỏ ra một đồng và thu về hai đồng, biến hai đồng thành 10 đồng hay cũng có thể từ 10 đồng trở thành 100 đồng,…

Những bài học theo từng cấp bậc ấy sẽ mang đến cho chúng ta rất nhiều trải nghiệm thú vị, từ việc kiểm soát được đồng tiền, sinh lời, quản lý ngân sách hay tồi tệ hơn cũng có thể là những lần thất bại, tay trắng,… Tất cả, tất cả những điều đó không bao giờ tồn tại trong khái niệm “Đại học” mà duy chỉ có “Đường đời” chúng ta mới có thể bắt gặp chúng.

Ngoài ra, cuộc sống bên ngoài cánh cổng đại học ấy cũng dạy cho chúng ta biết thế nào là cách làm người, thế nào là xây dựng một công ty, doanh nghiệp theo hướng bền vững.

Quay trở lại với “bầu” Đức, chủ nhân của học viện bóng đá đầu tiên tại Việt Nam – Hoàng Anh Gia Lai. Chính những ngày tháng vật lộn với thương trường, chiến trường đã khiến ông có không ít những lần chơi “ngông” khiến nhiều người phải “mắt tròn mắt dẹt” ngạc nhiên.

Từ việc mời câu lạc bộ giàu truyền thống bậc nhất của giải Ngoại hạng Anh là Arsenal sang Việt Nam du đấu, hay xa xưa hơn là mua đứt huyền thoại bóng đá Đông Nam Á là Kiatisak về thi đấu cho đội bóng của mình – vốn dĩ chỉ là một câu lạc bộ nhỏ, lúc bấy giờ đang chơi ở giải nghiệp dư.

Tất cả những “trải nghiệm triệu đô” ấy đã khiến ông có thêm cơ sở để khẳng định duy nhất một điều, bóng đá trẻ là nền tảng cho sự phát triển của cả một nền bóng đá. Điều đó đã khiến ông “bầu” này chặt hết cả trăm hecta cây cao su và bắt tay ngay vào việc xây dựng học viện, đào tạo ra những Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Thanh và hiện nay đã trở thành những người hùng của đất nước, những “ngôi sao vàng” kiêu hãnh của cả dân tộc Việt Nam.

Nếu không có những bài học mà bầu Đức đã từng trải, sẽ chẳng bao giờ chúng ta được thấy những Xuân Trường, Công Phượng,…thi đấu cống hiến trong màu áo của đội tuyển quốc gia

Thử đặt câu hỏi, nếu không có những bài học đắt giá hàng triệu đô la của bầu Đức, bóng đá Việt Nam bao giờ mới phát triển? Nếu không có những bài học từ chính cuộc sống “khắc nghiệt”, từ những lần chơi “ngông” của bản thân, cho đến tầm nhìn về thực trạng của bóng đá Việt Nam những năm 2000 cũng như định hướng về tương lai, làm sao “bầu” Đức có thể sản sinh ra một thế hệ cầu thủ vàng trong lịch sử bóng đá Việt Nam, vừa giỏi về tài năng lẫn tốt về nhân cách?

Thật không “ngoa” khi nói rằng, bóng đá Việt Nam sẽ chẳng bao giờ có được những thành công như hiện tại nếu như bầu Đức trúng tuyển vào trường Đại học mà ông đã theo đuổi cách đây hơn 30 năm.

Hãy cảm ơn vì đã… trượt Đại học

Nếu chẳng may chúng ta trượt đại học, đừng vội có những suy nghĩ bi quan, hãy ngẩng cao đầu và cảm ơn vì thất bại vô cùng quý giá ấy. Cảm ơn vì đã cho chúng tâ một lần thất bại để biết bản thân đang ở đâu trong cuộc sống này, cảm ơn vì đã cho chúng ta những trải nghiệm quý giá trong suốt quá trình ôn luyện cũng như tham gia kỳ thi… Và cũng cảm ơn vì đã chỉ cho chúng ta biết rằng, lối đi dẫn đến thành công của cuộc đời mỗi người không phải chỉ duy nhất là giảng đường Đại học.

Một cánh cửa đóng lại đồng nghĩa với việc một cánh cửa khác sẽ được mở ra, ai đó vẫn thường hay nói “Thượng đế không bao giờ đối xử bất công với loài người” và sự thật hiển nhiên là như vậy.

Hãy gửi một lời cảm ơn đến cuộc đời thì vì đã cho chúng ta được một lần thất bại

Hãy dừng ngay những suy nghĩ bi quan nếu như bạn đón nhận những kết quả không tốt trong kỳ thi vừa qua. Một chuyến du lịch nghỉ dưỡng cùng bạn bè, người thân sẽ là liệu pháp tốt nhất nếu như điều chẳng may đó xảy ra. Bạn có thể thả lỏng cơ thể, thư giãn, tâm sự cùng mọi người… và biết đâu được bạn cũng có thể cho ra đời những ý tưởng vô cùng tuyệt vời cho tương lai của mình sau này.

Tất cả những việc làm trên sẽ giảm đi rất nhiều áp lực cho bạn nếu như phải đối diện với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Hãy tự thưởng cho bản thân một thứ gì đó trước khi rẽ sang một hướng đi khác trong tương lai

Và một điều cuối cùng mà bất kỳ bạn trẻ nào cũng phải nên nhớ, dù cho kết quả có như thế nào đi chăng nữa, hãy gửi gắm những lời chân thành nhất đến bố mẹ của mình….

Cảm ơn bố mẹ vì đã nuôi dưỡng con suốt gần 20 năm qua, cảm ơn bố mẹ vì đã cho con tất cả những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống, và bây giờ là lúc hãy để cho con tự quyết định cho tương lai của mình, bố mẹ nhé!

Nhật Minh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sinh-vien-tv/neu-chang-may-chung-ta-truot-dai-hoc-5565653.html