Nêu cao ý chí quyết tâm

Năm tháng đầu năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội trong trạng thái bình thường mới có nhiều dấu ấn nổi bật. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục tăng trưởng khá khi Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 5 tháng tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 293,13 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng giảm 0,5% so với bình quân cùng kỳ năm 2020 (CPI 5 tháng năm 2020 tăng 4%). Ngoài ra, thành phố đã chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Năm 2021, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 7,5% trở lên. Đây là mục tiêu cao trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây ra những tác động xấu, đòi hỏi công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy các cấp thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội phải quyết liệt và sát sao hơn nữa. Trong đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của trung ương và thành phố, nhất là các chỉ đạo mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội; tập trung làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, không để tồn tại khoảng trống lãnh đạo, chỉ đạo trong bất kỳ tình huống nào.

Đặc biệt, theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố, thời điểm hiện nay, cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không rời khỏi địa bàn, duy trì trực và liên lạc 24/24 giờ để tập trung phòng, chống dịch. Từng đồng chí phải xác định rõ, phòng, chống dịch Covid-19 lúc này là nhiệm vụ ưu tiên số 1; hiệu quả chống dịch tại địa bàn mà mình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành chính là “thước đo” năng lực, trình độ, trách nhiệm, uy tín.

Để duy trì sản xuất, kinh doanh, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; trong đó chú trọng đến khu công nghiệp, khu nhà ở công nhân... Từng khu, cụm công nghiệp, từng doanh nghiệp, nhà máy phải xây dựng phương án phòng, chống dịch tới từng phân xưởng, tổ, đội sản xuất; hình thành các “Tổ an toàn Covid-19” trong doanh nghiệp... Mỗi khu, cụm công nghiệp, mỗi nhà máy, phân xưởng phải trở thành một “pháo đài” chống dịch.

Cùng với đó, mỗi cơ quan, đơn vị, khu dân cư phải rà soát, nếu chưa có phải xây dựng ngay phương án để vừa phòng, chống dịch nghiêm ngặt, vừa duy trì hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Đáng lưu ý, các cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, các bệnh viện, cơ sở y tế phải trở thành những nơi vững chắc nhất, là điểm tựa để việc phòng, chống dịch sớm giành thắng lợi. Đối với những khu vực hoàn thành việc cách ly y tế, cần có kế hoạch cụ thể để tăng tốc sản xuất, kinh doanh, từ đó bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Riêng với cán bộ, đảng viên, cần gương mẫu nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch và lan tỏa tinh thần này đến gia đình, cộng đồng xung quanh.

Hơn lúc nào hết, trong giai đoạn có nhiều khó khăn, thử thách là lúc cán bộ, đảng viên, quân và dân Thủ đô cần đoàn kết trên dưới một lòng, nêu cao ý chí quyết tâm, trách nhiệm nêu gương, tạm gác lợi riêng để làm tất cả nhằm kiểm soát và đẩy lùi dịch Covid-19. Chỉ có đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này chúng ta mới bảo vệ được sức khỏe, an toàn của người dân và tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội.

Thế Đan

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1001625/neu-cao-y-chi-quyet-tam