Nêu cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh

Làm thế nào để phát hiện thực phẩm không an toàn, ngăn chặn thực phẩm 'bẩn', không rõ nguồn gốc, hạn chế sử dụng hóa chất độc hại trong nông nghiệp... luôn là trăn trở của cả cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Hà Nội Ngày nay ghi lại một số ý kiến đại diện cơ quan chức năng, cơ sở sản xuất, kinh doanh về vấn đề này.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội:
Xây dựng chuỗi liên kết an toàn thực phẩm là hướng đi bền vững

An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề bức thiết trong đời sống bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Xác định rõ tầm quan trọng của ATTP, nhiều năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành nhiều chương trình, hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về ATTP cũng như chỉ đạo, điều hành triển khai các chính sách để nâng cao chất lượng, bảo đảm ATTP cho người dân.

Công tác hỗ trợ kết nối sản xuất, tiêu thụ, xây dựng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn luôn được đánh giá cao và thời gian qua, Sở đã tiếp tục duy trì và phát triển 141 chuỗi liên kết ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Các chuỗi này đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia; trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... Đồng thời, Sở tiếp tục hỗ trợ để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm trong chuỗi và nhân rộng các mô hình chuỗi ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ.

Tuy việc triển khai mô hình liên kết sản xuất là hướng đi bền vững, nhưng quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn do tư duy sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế, tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn thấp. Sự liên kết, kết nối còn thiếu bền vững. Lực lượng làm công tác quản lý chất lượng, bảo đảm ATTP nông nghiệp tại tuyến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thường xuyên thay đổi, chuyên môn chưa phù hợp, dẫn đến công tác tham mưu cho chính quyền địa phương thiếu hiệu quả.

Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông sản, lâm sản, thủy sản (đặc biệt là cấp xã, phường), việc kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế, chưa nghiêm minh, chủ yếu là nhắc nhở nên việc chấp hành các quy định về ATTP ở cơ sở sản xuất còn chưa nghiêm túc...

Chính vì thế, thời gian tới, để phát huy hơn nữa hiệu quả của các chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm an toàn, các cơ quan chức năng cần tăng cường chỉ đạo, phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố triển khai, định hướng tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; trên cơ sở đó tổ chức người dân liên kết thành tổ hợp tác, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các vùng sản xuất tập trung, liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị để vừa kiểm soát tốt chất lượng, bảo đảm ATTP và cân đối cung cầu sản phẩm.

Các cơ quan liên quan cũng cần triển khai chương trình ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật mới, công nghệ cao, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm đủ nguồn cung sản phẩm ATTP đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô.

Ông Trịnh Văn Vĩnh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình:
Cần thay đổi thói quen của người nông dân

Nhu cầu về thực phẩm an toàn được người tiêu dùng quan tâm, nhưng để hiểu thế nào là thực phẩm an toàn thì không phải ai cũng rõ. Đa số đến cửa hàng, siêu thị có chứng nhận ATTP để mua thực phẩm mà không biết rằng trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ còn rất nhiều khâu cần phải tuân thủ vệ sinh ATTP.

Là người quản lý hợp tác xã sản xuất rau an toàn nhiều năm, tôi nhận thấy, nếu ở hợp tác xã nào mà cán bộ quản lý không am hiểu, sâu sát về ATTP thì không thể quản lý tốt các khâu sản xuất. Hiện vẫn còn một bộ phận người nông dân rất tùy tiện trong sản xuất, nhận thức hời hợt, không tuân thủ quy định, hiện tượng bón phân tươi, phân hóa học... vẫn diễn ra trong khi trách nhiệm quản lý ATTP ở cấp xã chưa chặt chẽ...

Trước thực trạng đó, từ năm 2011, Hợp tác xã Hòa Bình đã quy định: Người nông dân khi tham gia dự án sản xuất rau an toàn là phải cam kết bảo đảm ATTP. Hằng năm, hợp tác xã phối hợp với cơ quan chức năng đào tạo, tập huấn kiến thức về ATTP cho nông dân; cử cán bộ thường xuyên bám sát đồng ruộng để giám sát, hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình sản xuất để bảo vệ sức khỏe của chính họ, bảo vệ hệ sinh thái, hạn chế sâu bệnh, giảm chi phí cho việc bón phân, tăng năng suất cây trồng... Đặc biệt, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường, khiến người nông dân yên tâm sản xuất, sẵn sàng ký cam kết bảo đảm ATTP.

Ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (VOAA):
Bên cạnh thời cơ là thách thức

Những năm gần đây, sản phẩm hữu cơ được nhiều người quan tâm hơn. Tại Hà Nội, các cửa hàng bán thực phẩm sạch, các siêu thị cũng vào cuộc đua sản xuất và kinh doanh sản phẩm hữu cơ. Có thể nói, thực phẩm sạch đang là “cần câu” để các doanh nghiệp bán lẻ kéo khách hàng về phía mình.

Tuy nhiên, bên cạnh thời cơ còn có thách thức. Hiện tại, hoạt động sản xuất sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam phần lớn hướng tới thị trường xuất khẩu (chè, quế, gạo, tiêu...), sản phẩm tiêu dùng trong nước (rau, củ, quả...) còn hạn chế. Ngoài ra, khâu bảo quản, chế biến vẫn ở mức độ sơ khai. Phần lớn sản phẩm hữu cơ thế mạnh của Việt Nam (chè, điều, gạo, dừa, tôm, quế, hồi...) đều xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô để doanh nghiệp châu Âu chế biến và xây dựng thương hiệu.

Tại thị trường trong nước, các sản phẩm này chưa có đủ thời gian để xây dựng thương hiệu hoặc người tiêu dùng chưa thực sự hiểu giá trị của sản phẩm hữu cơ, nên số lượng tiêu thụ không nhiều... Bên cạnh đó, vật tư đầu vào cho sản xuất thực phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ vẫn còn rất hạn chế. Hiện các vật tư đầu vào cho sản xuất gồm phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học chưa có nhà sản xuất tập trung, chất lượng thấp và giá thành chưa hợp lý. Trên thị trường, người sản xuất vẫn còn nhầm lẫn các sản phẩm đạt tiêu chuẩn và không đạt tiêu chuẩn do chưa có tiêu chuẩn hữu cơ cho các loại vật tư đầu vào...

Ông Thái Anh Tuấn, quản lý chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Tâm Đạt hữu cơ:
Việc chứng minh nguồn gốc thực phẩm sạch gặp nhiều khó khăn

Thời gian gần đây, khi các cơ quan chức năng, báo đài vào cuộc, chung tay chống thực phẩm “bẩn”, mọi người đã quan tâm hơn về thực phẩm an toàn; ngày càng có nhiều người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm hữu cơ cho gia đình. Tuy nhiên, những cơ sở phân phối thực phẩm sạch như Tâm Đạt hữu cơ gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên, hầu hết các mô hình sản xuất thực phẩm sạch đều xuất phát từ những dự án dành cho nông dân nghèo, hoặc xuất hiện manh mún ở một số hộ. Việc xây dựng quy trình sản xuất, xây dựng các vùng sản xuất đòi hỏi thời gian và thực sự phải rất kiên trì, vừa làm vừa chỉnh sửa, tự mày mò tìm hiểu.

Tiếp đó, thị trường đang xuất hiện rất nhiều nhãn hiệu, thông tin về sản phẩm hữu cơ nhưng tìm hiểu kỹ thì thấy chỉ đạt tiêu chuẩn VietGAP, hoặc thậm chí không có tiêu chuẩn gì mà vẫn gắn mác hữu cơ, khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Bên cạnh đó, việc chứng minh nguồn gốc thực phẩm sạch cũng gặp nhiều khó khăn. Việc mời khách hàng đến thăm trực tiếp khu vực sản xuất như chúng tôi đang làm không thực hiện được liên tục vì phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và thời gian rảnh rỗi của mỗi người. Rất khó để khách hàng phân biệt một cách rõ ràng về sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ nếu chỉ nhìn vào bề ngoài và một vài thông tin về sản phẩm...

Ðoan Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/970169/neu-cao-trach-nhiem-cua-nguoi-san-xuat-kinh-doanh