Nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sự phát triển chung của tỉnh, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân

Sáng 4-8, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về một số nội dung trọng tâm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa.

Dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh. Tại điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố do Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chủ trì.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) tỉnh Thanh Hóa năm 2021; bàn các giải pháp duy trì, cải thiện và nâng cao thứ hạng các chỉ số trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, năm 2021 dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, cùng với sự quyết tâm của các cơ quan hành chính Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh, kết quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến rõ nét.

Các chỉ số đánh giá của tỉnh do Trung ương công bố có bước nhảy vọt. Chỉ số PAPI đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước tới nay (tăng 21 bậc so với năm 2020). Chỉ số PAR INDEX đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước tới nay (tăng 15 bậc so với năm 2020). Chỉ số SIPAS có sự ổn định về giá trị và nằm ở nhóm các tỉnh có tỷ lệ hài lòng cao hơn trung bình cả nước, tuy nhiên thứ hạng không được duy trì, đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố (giảm 10 bậc so với năm 2020). Chỉ số PCI có 6/10 chỉ số thành phần tăng thứ hạng và 5/10 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2020, tuy nhiên giảm 15 bậc so với năm 2020, đứng thứ 43/63 tỉnh, thành phố.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Quốc Huy báo các kết quả đánh giá các chỉ số.

Báo cáo cũng nêu rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc tụt thứ hạng, mất điểm ở một số chỉ số. Đơn cử như nguyên nhân mất 12,17 điểm ở Chỉ số PAR INDEX là do một số đơn vị cấp huyện chưa thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; còn tình trạng thu thừa các thành phần hồ sơ trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); chưa kịp thời công khai TTHC theo quy định; còn tỷ lệ giải quyết hồ sơ quá hạn. Một số đơn vị chưa kiểm tra định kỳ đối với các nhiệm vụ đã phân cấp; còn tình trạng cán bộ, công chức bị kỷ luật; có đơn vị sai phạm trong việc tuyển dụng viên chức; sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước…

Đối với việc giảm điểm, giảm thứ hạng ở Chỉ số PCI, nguyên nhân được xác định là doanh nghiệp chưa đánh giá cao chất lượng dạy nghề của tỉnh, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, doanh nghiệp còn mất nhiều chi phí cho đào tạo lại lao động; các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa được thực hiện đồng đều, thường xuyên; vẫn còn tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn; chất lượng hồ sơ của doanh nghiệp kém, chưa đạt yêu cầu, phải hoàn chỉnh lại hồ sơ nhiều lần, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính…

Đại diện lãnh đạo huyện Đông Sơn phát biểu tại hội nghị.

Trên cơ sở kết quả đánh giá, tại hội nghị các đại biểu đã thảo luận, phân tích làm rõ thêm nguyên nhân Chỉ số SIPAS, Chỉ số PCI giảm; việc mất điểm trong Chỉ số PAR INDEX… Đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm cải thiện và nâng cao thứ hạng các chỉ số như việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính nói chung, cải thiện, nâng cao các chỉ số nói riêng; tăng cường tính minh bạch, công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch, đô thị, đất đai; quan tâm nâng cao thái độ phục vụ người dân, hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính…

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lưu Trọng Quang báo cáo Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa bàn hành kèm theo Quyết định số 3161/2014/QĐ-UBND, ngày 26-9-2014 của UBND tỉnh

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa bàn hành kèm theo Quyết định số 3161/2014/QĐ-UBND, ngày 26-9-2014 của UBND tỉnh; Dự thảo Quyết định ban hành Bảng giá xây dựng mới đối với nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất và quy định việc xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thay thế Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND, ngày 6-8-2019 của UBND tỉnh.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Trong giải quyết, xử lý khó khăn, vướng mắc, quan điểm của tỉnh là khó khăn, vướng mắc ở đâu xử lý đến đó; giao trách nhiệm xử lý theo phân cấp, phân quyền. Quá trình giải quyết khó khăn, vướng mắc phải thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm quy định của pháp luật; các sở, ngành, địa phương phải nêu cao vai trò, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của mình. Trong thực tế đã và đang xuất hiện tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm ở một bộ phận cán bộ, nên trong xử lý công việc có lúc, có nơi còn né tránh, nể nang, chưa làm hết trách nhiệm, chậm trễ trong xử lý công việc…

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục tập trung nghiên cứu, đóng góp thêm những ý kiến thiết thực, hiệu quả, sát với yêu cầu thực tiễn để sớm hoàn thiện nội dung các quy định sửa đổi, bổ sung đã được đưa ra thảo luận tại hội nghị.

Liên quan đến kết quả thực hiện Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PCI, Chỉ số PAPI, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đề nghị các ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm giữ vững, nâng cao các chỉ số đã, đang thực hiện tốt, xếp thứ hạng cao; thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khuyến điểm, tập trung đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm cải thiện các chỉ số có điểm số thấp, giảm thứ hạng. Cùng với đó tập trung nêu cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở hướng tới mục tiêu tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn đầu mối, điểm đến xử lý văn bản, TTHC phù hợp với từng đối tượng, từng cấp. Đồng thời lưu ý các đơn vị tiếp nhận giải quyết TTHC thực hiện tốt việc hướng dẫn hồ sơ, giải quyết đúng hạn; xử lý trách nhiệm đối với những cán bộ có biểu hiện sách nhiễu; nêu cao tinh thần, thái độ của bộ phận cán bộ trực tiếp tham gia giải quyết các yêu cầu của người dân.

Yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả việc nâng cao thứ hạng các Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PCI, Chỉ số PAPI trên tinh thần vì sự phát triển chung của tỉnh, bảo đảm hài hòa lợi tích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/neu-cao-tinh-than-trach-nhiem-vi-su-phat-trien-chung-cua-tinh-bao-dam-hai-hoa-loi-ich-giua-nha-nuoc-doanh-nghiep-va-nguoi-dan/164684.htm