Nêu cao tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật

Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 37, với sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, ngày 11-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Báo cáo sơ kết thi hành Hiến pháp năm 2013; các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019, đồng thời xem xét, quyết định việc thành lập, điều chỉnh một số đơn vị hành chính.

Nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật

Nửa đầu buổi sáng 11-9, với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo sơ kết thi hành Hiến pháp năm 2013.

Phát biểu tại cuộc họp, đa số đại biểu đánh giá cao Chính phủ và các cơ quan đã rất nghiêm túc, trách nhiệm, trong khoảng thời gian ngắn đã nỗ lực, khẩn trương thực hiện yêu cầu của UBTVQH, chuẩn bị báo cáo có chất lượng, đúng tiến độ. Báo cáo đã phản ánh cơ bản đầy đủ tình hình triển khai thi hành Hiến pháp trong 5 năm qua của các cơ quan, tổ chức.

Các đại biểu cho rằng, Đảng, Nhà nước quan tâm rất sát sao, quyết liệt tới công tác chỉ đạo, lãnh đạo triển khai thi hành Hiến pháp. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 64/2013/QH13; UBTVQH đã có Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13, Nghị quyết số 719/NQ-UBTVQH13; Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 251/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch của Chính phủ tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp… Toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Việc tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp năm 2013 cũng được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.

Từ sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành đến nay, các cơ quan hữu quan đã tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, đề xuất danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để phù hợp với quy định của Hiến pháp. Quốc hội và UBTVQH đã ban hành 111 bộ luật, luật, pháp lệnh, trong đó có 69 văn bản thuộc danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13, các văn bản còn lại được ban hành theo yêu cầu của thực tiễn; còn 21 văn bản thuộc danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 vẫn chưa được ban hành.

Một số đại biểu đề nghị cần có đợt tổng rà soát việc thi hành Hiến pháp năm 2013, rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục tình trạng chồng chéo, quy định thiếu tính khả thi hoặc thiếu văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức bộ máy; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực mới; tiếp tục giải thích Hiến pháp bên cạnh việc áp dụng trực tiếp các quy định của Hiến pháp; cần có đánh giá khái quát về việc thực hiện Hiến pháp năm 2013 trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, bảo đảm quốc phòng-an ninh và hội nhập quốc tế…

Quyết định thành lập, điều chỉnh một số đơn vị hành chính

Cũng trong sáng 11-9, UBTVQH đã thông qua việc thành lập 4 phường (Hoàng Quế, Hồng Phong, Tràng An, Yên Thọ) thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn (Hải Dương); thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Thượng tôn pháp luật để giảm khiếu nại, tố cáo

Chiều 11-9, với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, UBTVQH cho ý kiến vào các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019.

Theo đánh giá của các đại biểu, các báo cáo nhìn chung đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, phản ánh khách quan tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm 2019. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019 có chuyển biến tích cực, đạt kết quả khả quan hơn. Số lượng đơn, thư giảm so với năm 2018. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp; một số lĩnh vực, địa phương có số vụ việc khiếu nại, tố cáo tăng so với năm 2018.

Các đại biểu cho rằng, đạt được kết quả tích cực như vậy là nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được tăng cường. Thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp đều có nhiều cách làm mới, sáng tạo. Ví dụ: Thủ tướng Chính phủ đã thành lập các tổ chuyên trách của Thủ tướng trực tiếp đi giải quyết các vụ việc nổi cộm, những "điểm nóng" ở địa phương.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng dự báo, cuối năm 2019 và năm 2020 có tiềm ẩn nguy cơ gia tăng khiếu nại, tố cáo. Điều này được rút ra từ thực tế nhiều nhiệm kỳ qua, số lượng khiếu nại, tố cáo luôn tăng lên ở trước mỗi kỳ đại hội, bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu HĐND các cấp.

Đưa ra giải pháp, đa số đại biểu đều nhất trí rằng, nếu tất cả cơ quan, đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nghiêm chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nếu người dân nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật thì sẽ giảm được khiếu nại, tố cáo. Các đại biểu cũng nhấn mạnh đến việc cần bố trí, sắp xếp cán bộ có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm cho công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quốc hội, Chính phủ cần sớm có chỉ đạo để tăng đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất, nhất là xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin kết nối giữa các cơ quan, để tạo sự đột phá trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Ngày 12-9, UBTVQH tiếp tục làm việc.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/neu-cao-tinh-than-thuong-ton-hien-phap-phap-luat-590880