Nếu bỏ Chí phèo, học sinh sẽ mất đi một góc nhìn…

Dư luận đang sục sôi chuyện đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo trong chương trình sách giáo khoa. Thiết nghĩ, việc hình thành nhân cách của trẻ đâu phải từ một tác phẩm?

Chúng tôi học tác phẩm này, yêu chất nghệ thuật trong từng câu, từng chữ của tác giả. Nói rằng, tác phẩm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các bạn trẻ là không công bằng, là phiến diện, chụp mũ.

Văn là con người, là cuộc sống, là đạo đức. Trước khi đưa đề xuất loại bỏ tác phẩm phải hiểu đó là tác phẩm văn học trong thời kỳ nào, giai đoạn xã hội nào? Hơn nữa, đây là tác phẩm văn học mang tính hiện thực đời sống nên văn học không phải được viết dưới một phông chuẩn mực hay bó khuôn theo chuẩn mực xã hội. Bởi thế, chúng ta không thể nhìn và đánh giá hình hài bên ngoài tác phẩm. Chúng ta hãy cảm nhận những giá trị nhân đạo sâu lắng hiếm thấy qua tác phẩm.

Ý kiến cá nhân là quyền của mỗi người nhưng đề nghị loại một tác phẩm để đời như “Chí Phèo” ra khỏi chương trình sách giáo khoa không phải chuyện nhỏ. Nếu nói tác phẩm này làm lệch lạc nhận thức của thế hệ trẻ là chưa thỏa đáng, là “vơ đũa cả nắm”, là thiển cận. Bởi lẽ, bao nhiêu người Việt Nam đã học và dĩ nhiên nhân cách của mỗi người ra sao không phải do tác phẩm Chí Phèo mà ra.

Hình ảnh Chí Phèo trong phim "Lãng Vũ Đại ngày ấy"

Chỉ người có tuổi thơ gắn với những buổi thả diều bắt bướm, với chăn trâu cắt cỏ mới cảm nhận được cái đẹp của Chí Phèo. Tôi yêu mái đình với mái ngói, với cây đa bến nước trong làng qua tác phẩm. Xin đừng xóa bỏ những gì thuộc về lịch sử, bởi lẽ những câu chuyện văn học ấy cũng chính là cội nguồn. Tác phẩm mang nhiều ý nghĩa giáo dục, quan trọng là chúng ta đọc và cảm nhận như thế nào? Chỉ khi đọc bằng cái tâm, bằng cả sự chân thành của trái tim sẽ hiểu được giá trị giáo dục nhân cách con người qua tác phẩm. Đó là những con người đau khổ trong xã hội ấy đã dũng cảm đứng lên giành quyền làm người lương thiện.

Bao thế hệ con em chúng ta đã học tác phẩm có bị hư hỏng không? Tôi không sinh ra ở thời điểm ấy nhưng đó là những giá trị của thế hệ cha ông ta từng trải qua. Thế hệ trẻ cần được học để lớn lên, để trưởng thành.

Có thể nói, Chí Phèo mang đầy đủ các giá trị như phản ánh lịch sử, xã hội, giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn, nhân đạo. Rõ ràng, đó là tác phẩm thể hiện sự cảm thông giữa người với người. Nếu như cho rằng, tác phẩm này ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trẻ thì tác phẩm “Những người khốn khổ” của Victo Hugo sẽ được cho là tác phẩm có nhiều nhân vật không mang tính giáo dục hay sao?

Hiện nay, cha mẹ bận rộn nên giao phó việc giáo dục con cho nhà trường, thầy cô. Trẻ không được quan tâm nhiều sẽ dễ nhiễm thói hư tật xấu qua các kênh như phim ảnh, mạng xã hội, học bạn bè. Chúng ta - những người ở thời hiện đại đừng vội đổ lỗi cho một tác phẩm.

Có thể nói, trẻ cần phải học nhiều, vấp ngã nhiều mới trưởng thành. Nhưng thực tế, cha mẹ đang định đoạt sự phát triển của con, không dám cho con được thử thách, được thua cuộc. Vì thế, con mãi non nớt, vẫn là đứa trẻ “vắt mũi chưa sạch”. Ai đó nói, cuộc đời không trong vắt, sạch sẽ như trường lớp. Nhưng nếu “nước trong sẽ không có cá”, việc hình thành nhân cách cho trẻ phải được xây dựng từ nhỏ, ngay trong gia đình.

Thực tế, nhiều bậc phụ huynh lại đang bịt mắt dắt trẻ đi như ngựa, như trâu những mong con sẽ ngoan, sẽ giỏi. Cháu tôi (đang học lớp 12) cũng phải thảng thốt nói: “Thật tiếc nếu bỏ tác phẩm Chí Phèo bởi học sinh sẽ thiếu, sẽ mất một góc nhìn về xã hội thời ấy”.

Đúng vậy, tại sao lại để mất, cắt cụt hết bài học của trẻ? Tôi nghĩ, trẻ cần được đọc nhiều hơn, được nhìn nhận và trăn trở nhiều hơn qua các tác phẩm. Trong cuộc sống, trẻ cũng cần được tôn trọng hơn chứ không phải cách ly trẻ với mọi thứ. Như một lẽ tự nhiên, trẻ càng biết càng dễ miễn dịch, còn không biết sẽ càng dễ mắc bệnh. Nói là trẻ con cần được cách lý với cái xấu, càng sống trong lồng ấp, trẻ càng mong manh và dễ bị tổn thương. Hãy để học sinh tự đánh giá, tự phản biện khi học tác phẩm Chí Phèo có giá trị ra sao?

Cao Văn Long

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/toi/neu-bo-chi-pheo-hoc-sinh-se-mat-di-mot-goc-nhin-c8a596934.html