Nếu ai đó vẫn còn 'đổ lỗi cho nạn nhân' bị hiếp dâm thì bạn hãy gửi họ bài viết này

Chúng ta biết rằng trong những vụ cưỡng hiếp thì lỗi luôn là ở kẻ gây án. Nhưng có những người vẫn chưa rõ điều này.

Nghệ sĩ hài người New Zealand Alice Brine đã viết một tình huống tương đồng để cho thấy "đổ lỗi cho nạn nhân" là sự ngu ngốc nhường nào.

Những nạn nhân bị quấy rối tình dục hay cưỡng hiếp thường bị hỏi về cách họ ăn mặc và cách họ chống trả và bị đổ lỗi ngược rằng chính họ "âm thầm mong muốn nó" bằng cách "ăn mặc thiếu vải"

Chúng ta vẫn luôn được dạy rằng điều tốt đẹp thường xảy ra với người tốt còn xui xẻo và bất hạnh chỉ xảy ra với người xấu. Khi bất hạnh xảy ra với người tốt, nó nhấn mạnh một điều rằng không ai được an toàn tuyệt đối.

Hành vi đổ lỗi này xảy ra nhằm che giấu, giúp tránh được cảm giác yếu nhược và sợ hãi của những kẻ lớn tiếng chỉ trích, chê bai, chế giễu nạn nhân. Trong tư tưởng của những kẻ thực hiện hành vi đổ lỗi, "không có lửa làm sao có khói", nạn nhân mới là người sai và đáng phải hứng chịu những chỉ trích như vậy.

Khi vẫn còn vô vàn tranh cãi về đề tài này, thì lý luận thông minh và hài hước của Brine đã nhận được hơn 200 ngàn lượt yêu thích trên Facebook và 95 ngàn lượt chia sẻ.

Diễn viên hài Alice Brine (New Zealand) đã cảm thấy quá mệt mỏi với hành vi "đổ lỗi cho nạn nhân" khi xảy ra những vụ án cưỡng hiếp, quấy rối tình dục.

Vì vậy, Brine đã có một sự so sánh để minh chứng rằng không ai "âm thầm mong muốn nó" cả.

Gia Đình Mới lược dịch bài viết của Alice Brince:

"Tôi sẽ về nhà với những chàng trai say xỉn bất kỳ, rồi lấy trộm mọi thứ của họ. Tất cả những gì họ có. Đó sẽ không phải lỗi của tôi mặc dù... họ đang say. Đáng lẽ họ phải nhận thức tốt hơn.

Tôi sẽ cuỗm đi tất cả 90% những lần đi cùng họ, rồi đến một ngày khi một người đàn ông dũng cảm kiện tôi ra tòa, tôi sẽ tranh cãi lại rằng tôi đã không chắc anh ta có ý gì khi nói "Không, đừng trộm chiếc Audi của tôi". Đơn giản là tôi không chắc ý anh ta là gì mà thôi.

Tôi đã nói "Tôi có thể lấy trộm chiếc đồng hồ Gucci của anh không?" Anh ta nói "đừng", nhưng tôi vẫn không chắc liệu ý anh ta là gì. Anh ta đang say mà. Chính anh ta mang nó theo mà.

Bạn phải nhìn cái cách anh ta ăn mặc đi vào club, áo sơ mi đắt tiền và giày hàng hiệu. Với tất cả những thứ đó, anh ta đang ngầm ám chỉ điều gì đây? Tôi nghĩ rằng anh ta muốn tôi đến lấy trộm hết đồ của anh ta đi. Anh ta âm thầm mong muốn điều đó.

Khi anh ta nói với tôi là "đừng" lấy đồ của anh ta, tôi vẫn không chắc liệu anh ta có ý gì. "Đừng" không phải là một sự phản đối đủ thuyết phục, nó có thể được hiểu theo bất kỳ ý nghĩa nào."

Bạn có thể cảm thấy lý lẽ của cô gái "ăn trộm" trong bài viết thật ngu ngốc và lố bịch. Vậy thì việc "đổ lỗi cho nạn nhân" của những vụ hiếp dâm hay quấy rối tình dục cũng là một sự ngu ngốc và lố bịch tương tự.

Cách so sánh hai tình huống tương đồng cho thấy việc đổ lỗi cho nạn nhân (victim blaming) là hoàn toàn không thể chấp nhận được và không có ai "âm thầm mong muốn" trở thành nạn nhân của những vụ cưỡng hiếp.

Sự so sánh thông minh của cô đã nhận được nhiều hưởng ứng tích cực.

"Một trong những thứ tuyệt vời nhất tôi từng đọc."

"Một cảnh sát từng nói với người bạn bị hành hung của tôi rằng "nếu cô uống một giọt cồn thì cô sẽ không thể thắng trong vụ này". Cô bạn tôi không hề uống rượu bia đêm đó, nhưng phán xét ấy thật là tồi tệ: nếu bạn uống gì đó trong 24 tiếng đồng hồ vừa qua thì bạn có thể chẳng có quyền gì hết."

(Theo Bored Panda)

Trang Đặng

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/neu-ai-do-van-con-do-loi-cho-nan-nhan-bi-hiep-dam-thi-ban-hay-gui-ho-bai-viet-nay-d13167.html