Netflix xuyên tạc lịch sử Việt Nam và truyền bá nội dung khiêu dâm

Sáng 10/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn Chính phủ, các Bộ, ngành việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ sẽ đăng đàn để giải trình.

 Phiên họp của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14.

Phiên họp của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề cập đến câu chuyện khá bức xúc mà nhiều người nói là “bảo hộ ngược”.

Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, luật pháp trong nước. Trong khi đó, một số nền tảng xuyên biên giới không nộp thuế và không tuân thủ luật pháp Việt Nam, cạnh tranh không cân bằng, đặc biệt là về truyền hình trả tiền.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với 14 triệu thuê bao và doanh thu hàng năm khoảng 9.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Netflix có nhiều nội dung vi phạm quy định pháp luật của Việt Nam về báo chí, điện ảnh, bảo vệ trẻ em.

Tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua internet xuyên biên giới gồm Netflix, Apple TV Plus, và WeTV có doanh thu tiến gần con số ước khoảng 1.000 tỷ đồng.

Quý I/2020, các nền tảng dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước giảm gần 1 triệu thuê bao truyền thống. Trong khi doanh nghiệp nước ngoài thì chưa phải thực hiện quy định pháp luật của Việt Nam và thuê bao của Netflix riêng quý I/2020 tại Việt Nam tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ứng dụng này có nhiều nội dung vi phạm quy định pháp luật của Việt Nam về báo chí, điện ảnh, bảo vệ trẻ em.

Cụ thể là phản ánh sai trái lịch sử (thí dụ như loạt phim về chiến tranh Việt Nam), xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, có nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm.

“Cần phải nhanh chóng sửa đổi Nghị định số 06 năm 2016 về quản lý cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trên internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng xong và đang trình Chính phủ xem xét.

Thứ hai, cần sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến tài chính, thuế để gắn trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp qua nền tảng xuyên biên giới”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Từ 2021-2025: Phân bổ hơn 4.300 tỷ đồng đầu tư hạ tầng ngành thủy sản

Liên quan câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) về đầu tư cho hạ tầng thủy sản, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão có ý nghĩa rất lớn và quan trọng đối với ngư dân.

Các công trình này có thể nâng cao được chất lượng và giá trị cho thủy sản sau khi đánh bắt, ngoài ra, còn có thể hỗ trợ kịp thời cho ngư dân các nhu yếu phẩm như xăng dầu, nước ngọt… bảo vệ ngư dân khi có bão và khẳng định chủ quyền biển đảo.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận việc bố trí hạ tầng cho ngành thủy sản trong thời gian vừa qua vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Phân bổ khoảng hơn 4.300 tỷ đồng đầu tư hạ tầng ngành thủy sản từ 2021-2025.

“Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có lẽ là trong giai đoạn này chúng ta đang phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, thanh toán nợ đọng, thực hiện các dự án… nên các cảng cá đã bố trí theo kế hoạch thì chưa có tiền để làm”, Bộ trưởng Dũng giải đáp.

Trong thời gian tới, giải pháp cho vấn đề này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là áp dụng theo nguyên tắc phân bổ vốn cho khoảng 170 dự án với tổng với khoảng hơn 4.300 tỷ đồng từ 2021-2025.

Đối với các cảng cá, ông Dũng cho rằng các địa phương cũng cần phân bổ vốn ngân sách để làm, trong khi đó, các công trình tránh trú bão mang tính liên vùng thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT để thực hiện.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết thêm, 2 vấn đề lớn sẽ được ưu tiên trong thời gian tới của lĩnh vực nông nghiệp đó là an ninh hồ đập, liên kết hồ và các khu tránh trú bão cho ngư dân.

'Đến năm 2025, ĐBSCL có thể có 400km đường cao tốc'

Đại biểu Trương Thị Yến Linh nói: “giao thông vận tải vùng ĐBSCL đang yếu kém, đứt gãy”.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: “Về đầu tư 300km đường cao tốc tại ĐBSCL từ nay đến năm 2025, chúng tôi cũng đã tính toán rất có cơ sở”.

Thứ nhất, hiện nay chúng ta đang có 40km đường cao tốc đoạn TP.HCM – Trung Lương, cuối năm nay chúng ta sẽ thông xe từ Trung Lương đến Mỹ Thuận (dài 54km).

Theo kế hoạch của nhà đầu tư, năm 2021 sẽ thảm nhựa toàn bộ để đưa toàn bộ 54km này vào sử dụng và có 7km đường kết nối vào cầu Mỹ Thuận 2.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai cả 4 gói thầu và theo kế hoạch đến năm 2023 chúng ta sẽ xong Cầu Mỹ Thuận 2.

23km từ cầu Mỹ Thuận đến Cần Thơ thì trong tháng 12 năm nay Thủ tướng Chính phủ sẽ phát lệnh khởi công cả 3 gói thầu và chúng ta đã bố trí đủ vốn.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể: Nếu hoàn thành đúng kế hoạch của Chính phủ thì đến năm 2025 chúng ta có thể có 400km đường cao tốc.

Dự kiến đến năm 2023, tuyến đường nối giữa TP.HCM đến Cần Thơ sẽ chính thức là đường cao tốc. Cũng trong cuối năm nay chúng ta sẽ Khánh thành đoạn Vàm Cống đến Rạch Sỏi dài 51km, hiện nay đã thông xe kỹ thuật và toàn bộ nguồn vốn chúng ta đã bố trí đủ.

Đoạn thứ ba là từ cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống dài 26km hiện nay đang hoàn chỉnh để công bố đường cao tốc trong giai đoạn sắp tới. Như vậy chúng ta đã có khoảng 210km sẽ được công bố đường cao tốc.

Phần còn lại, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu và Quốc hội cũng đã thảo luận, chúng ta sẽ thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào năm 2025. Như vậy đoạn từ TP Cần Thơ đến TP Cà Mau dài khoảng 170km sẽ được ưu tiên số 1 trong nhiệm kỳ 2021 – 2025.

Ngoài ra còn một đoạn nữa từ cầu Cao Lãnh ra An Hữu dài 30km, khi làm xong thì từ TP.HCM đi Kiên Giang sẽ có nhánh thứ 2 đi cao tốc.

“Nếu hoàn thành đúng kế hoạch của Chính phủ thì đến năm 2025 chúng ta có thể có 400km đường cao tốc. Tuy nhiên vẫn còn rủi ro, cho nên tôi báo cáo với Quốc hội là từ nay đến năm 2025 sẽ có ít nhất 300km đường cao tốc”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Giải đáp nghi vấn thất thu trong đấu giá đất

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) về vấn đề có hay không thất thu trong đấu giá đất.

Theo ông Dũng, trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai thuộc về Bộ Tài nguyên - Môi trường.

“Qua theo dõi, thời gian qua Bộ Tài chính thấy vấn đề thất thoát, thất thu ngân sách Nhà nước qua việc giao đất không qua đấu thầu, đấu giá đã xảy ra, chủ yếu là do định giá đất không sát với giá thị trường”, Bộ trưởng Tài chính cho biết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Vấn đề thất thoát, thất thu ngân sách Nhà nước qua việc giao đất không qua đấu thầu, đấu giá chủ yếu là do định giá đất không sát với giá thị trường.

Cũng theo ông Đinh Tiến Dũng, nguyên nhân nữa là do địa phương giao đất cho nhà đầu tư chưa sạch nên nhà đầu tư phải ứng tiền ra để đền bù và sau khi đền bù thì giá cả thay đổi rất lớn nhưng không được định giá lại.

Qua thanh kiểm tra, đến nay còn rất nhiều trường hợp như vậy đang phải xử lý, bao gồm các trường hợp sau khi cổ phần hóa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy hoạch các cơ sở do doanh nghiệp quản lý…

“Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường, cũng như báo cáo Chính phủ để hoàn thiện cơ chế quản lý đấu thầu, đấu giá”, ông Đinh Tiến Dũng kết thúc phần trả lời.

Có hiện tượng thẩm phán xin ý kiến lãnh đạo trong xét xử vụ án không?

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đặt câu hỏi: "Trong hoạt động xét xử, đặc biệt với các vụ án hành chính, còn có hiện tượng thẩm phán xin ý kiến lãnh đạo tòa án không? Lãnh đạo tòa án có chỉ đạo hành chính không phù hợp đến các quan hệ tố tụng không? Nếu có đồng chí Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ xử lý như thế nào?”

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) thẳng thắn nêu câu hỏi: Liệu có hiện tượng thẩm phán xin ý kiến lãnh đạo trong xét xử vụ án?

Theo Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình: “Trong án hành chính chúng tôi không có chỉ đạo về việc xét xử đối với tòa án cấp dưới, kể cả án hành chính và các loại án khác”.

Cũng theo ông Nguyễn Hòa Bình, tòa án tôn trọng việc xét xử độc lập của tòa án cấp dưới, không có sự can thiệp.

Còn việc địa phương lúng túng về việc áp dụng pháp luật, nếu họ hỏi tòa án cấp trên áp dụng luật nào, thì chúng tôi hướng dẫn họ khi có cách hiểu khác nhau về một nội dung luật.

Và trong phần hướng dẫn của tòa án cấp trên đối với cấp dưới luôn luôn khẳng định đây là tài liệu tham khảo phần quyết định của các bản án. Còn chỉ đạo án thì phải có hồ sơ, mang lên để cùng nhau nghiên cứu chứ bằng một văn bản nào đó không được xem là chỉ đạo án".

Vụ phân bón Thuận Phong: "Đảm bảo không oan sai, không bỏ lọt tội phạm"

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương liên quan đến quá trình xử lý vụ việc Phân bón Thuận Phong “nổi sóng” dư luận trong thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, đã có nhiều cuộc họp để chỉ đạo các cơ quan liên quan đảm bảo thực hiện việc đánh giá sản phẩm phân bón của Công ty Thuận Phong có phải là hàng giả hay không.

Này 3/4/2020, theo yêu cầu của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Nai, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định số 05 gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị trưng cầu giám định bổ sung.

Ngày 2/11/2020 Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành công văn số 3010 kèm theo kết quả giám định bổ sung gửi cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Đồng Nai.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.

Trước đó, ngày 15/4/2020 Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã nhận được kết luận giám định của Bộ Công Thương.

“Các Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có kết luận giám định theo yêu cầu của cơ quan tố tụng hình sự.

Trách nhiệm còn, Bộ Công an sẽ chỉ đạo các cơ quan cảnh sát điều tra phối hợp với liên ngành tư pháp để đánh giá tài liệu chứng cứ theo thẩm quyền của mình và chịu trách nhiệm giải quyết vụ việc đúng theo quy định của pháp luật đảm bảo không oan sai, không bỏ lọt tột phạm và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ về quyết định của mình”, Phó Thủ tướng nói.

Minh Phúc - Đinh Tùng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/thu-tuong-dang-dan-tra-loi-chat-van-quoc-hoi-d277445.html