Nét văn hóa trên vùng mỏ

Những người công nhân đất mỏ Quảng Ninh hào sảng, lạc quan, yêu đời, yêu công việc, nhưng trên hết là truyền thống đoàn kết và tinh thần kỷ luật đã tạo thành nét văn hóa đặc trưng của họ. Việc gìn giữ bản sắc và những giá trị cốt lõi đó cùng sự quan tâm đầu tư, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân mỏ đã và đang giúp ngành than tiếp tục phát triển.

Văn hóa và phát triển

Tiết mục biểu diễn của công nhân Công ty than Dương Huy - TKV tại một hội diễn nghệ thuật quần chúng. Ảnh: HƯƠNG GIANG

Tiết mục biểu diễn của công nhân Công ty than Dương Huy - TKV tại một hội diễn nghệ thuật quần chúng. Ảnh: HƯƠNG GIANG

Kỷ luật và đồng tâm

Trong hầu hết các cuộc tiếp xúc của chúng tôi với những lãnh đạo công ty than, công nhân mỏ, cụm từ "kỷ luật và đồng tâm" được họ nhắc đến rất nhiều. Ông Tống Văn Hòa, thợ mỏ của Công ty cổ phần than Cao Sơn, TP Cẩm Phả đã có 33 năm, gần như trọn vẹn cuộc đời làm nghề gắn bó với công trường than. Ông và những đồng nghiệp của mình được chứng kiến sự thay da, đổi thịt từng ngày của vùng đất mỏ Quảng Ninh. Ông Hòa bảo: Mọi thứ có thể thay đổi, duy chỉ có sự "kỷ luật và đồng tâm" của người thợ mỏ là vững bền. Nghề này đòi hỏi tính kỷ luật cao bởi sự nặng nhọc, vất vả, lại nhiều rủi ro. Người công nhân phải có ý thức cao trong việc thực hiện nội quy lao động, quy trình kỹ thuật cũng như tác phong làm việc, vì chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân và đồng nghiệp. Ðồng thời, họ phải có sự đồng tâm thì công việc mới được thuận lợi. Theo ông Hòa, không chỉ còn là khẩu hiệu, câu nói "kỷ luật và đồng tâm" đã gắn bó gan ruột với những con người làm trong ngành than và có tính kế thừa. Ông luôn tự hào về lớp trẻ, bao gồm rất nhiều người là con, cháu của những thợ mỏ trước đây, có khi cả nhà làm thợ mỏ đến hai, ba thế hệ. Những người trẻ tuy mới bước vào nghề, nhưng đã thấu hiểu và phát huy tốt phẩm chất của những thế hệ đi trước. Công nhân Vũ Mạnh Tuấn cũng làm việc tại Công ty cổ phần than Cao Sơn đã có bảy năm gắn bó với nghề. Tuấn cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở vùng than. Tình yêu nghề của anh được truyền lại từ bố, cũng là một công nhân mỏ. "Bản thân tôi và các anh em khác luôn ý thức được tinh thần và truyền thống của người công nhân mỏ. Qua đó, chúng tôi cũng cảm thấy yêu môi trường làm việc và muốn gắn bó với nghề. Anh em hầu hết đều trẻ tuổi, có thể đến từ nhiều nơi nhưng khi đã về đây thì đều sống chung một mái nhà. Vì thế, công nhân chúng tôi luôn tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cả trong công việc lẫn cuộc sống và luôn nêu cao tinh thần đoàn kết", Tuấn chia sẻ.

"Kỷ luật và đồng tâm" trở thành khẩu hiệu truyền thống của người thợ mỏ và xuất phát từ một câu chuyện lịch sử. Vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp mở rộng khai thác thuộc địa, nhất là khai thác than ở vùng Quảng Ninh. Việc khai thác mỏ thời bấy giờ hoàn toàn thủ công. Thợ mỏ làm việc trong môi trường quá cực nhọc, trong khi đồng lương ít ỏi, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Những người công nhân lúc đó đã đồng tâm cùng nhau đứng lên đấu tranh đòi chủ mỏ tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Từ những cuộc bãi công manh mún đã dẫn đến cuộc tổng bãi công của hơn 30 nghìn thợ mỏ vào ngày 12-11-1936. Không lâu sau, chủ mỏ đã phải chấp nhận tất cả mọi yêu sách của công nhân. Sau này, ngày 12-11 đã trở thành Ngày Truyền thống công nhân vùng mỏ - Truyền thống ngành than. Cũng từ đó, khẩu hiệu "Kỷ luật và đồng tâm" xuyên suốt cuộc bãi công trở thành tài sản tinh thần vô giá, một bản sắc riêng khi nói về thợ mỏ Quảng Ninh và theo họ trong suốt chặng đường phát triển của ngành than sau này.

Truyền thống đó vẫn đang được các công ty than tiếp nối, vì thế, sự quy củ, kỷ luật, làm việc rất bài bản, nguyên tắc là điều dễ nhận thấy tại bất cứ công ty than nào. Tại các công ty than ở Quảng Ninh, chúng tôi được chứng kiến cảnh hàng trăm thợ mỏ trong sinh hoạt và khi làm việc đều tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy định đề ra. Họ xếp hàng ngay ngắn, trật tự kể cả khi ăn, cho tới khi lấy dụng cụ và vào lò. Các khẩu hiệu về an toàn lao động được treo khắp nơi, ở những vị trí dễ thấy nhất trong toàn bộ khuôn viên mỏ. Trước khi vào lò, công nhân luôn được nhắc nhở, hướng dẫn, quán triệt về tinh thần, kỷ luật lao động. Ngoài việc bảo đảm an toàn, sự đồng tâm của người thợ mỏ là yếu tố then chốt tạo nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Thợ mỏ đến từ những miền quê khác nhau, với những văn hóa đặc thù vùng miền, vì thế việc tạo tinh thần đoàn kết, tạo sự giao thoa giữa các nền văn hóa để trở thành bản sắc chung trong những người thợ mỏ là hết sức quan trọng. "Qua nhiều năm làm việc trong ngành than, tôi luôn cảm thấy tự hào về sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của anh em thợ mỏ. Họ luôn ý thức được tinh thần lao động, hiểu được rằng, mỗi hòn than được sản xuất là công sức của biết bao con người, bao nhiêu mắt xích quan trọng. Chỉ cần một mắt xích lơ là sẽ ảnh hưởng đến dây chuyền. Từ đó, anh em bảo ban nhau, hình thành nên tinh thần đoàn kết, cùng với siết chặt kỷ luật, tạo nên nét văn hóa đặc trưng của vùng mỏ, của công nhân mỏ", Phó Giám đốc Công ty than Dương Huy - TKV Ðào Trung Huy chia sẻ.

Quan tâm đầu tư cho văn hóa

Hầu hết những người thợ mỏ chúng tôi gặp, trò chuyện đều là những người hào sảng, yêu đời và yêu công việc. Không khó để tìm ra những thợ mỏ gắn cả cuộc đời mình với những vỉa than. Theo Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần than Cao Sơn Nguyễn Thị Thu Hương, để những người thợ mỏ yêu đời, yêu nghề, kỷ luật và đồng tâm thì công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của họ phải được đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, công ty đã xây dựng nhiều công trình phúc lợi phục vụ đời sống, sản xuất cho công nhân. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao luôn được quan tâm, chú trọng. Các hoạt động văn hóa được tổ chức thường xuyên, nhất là vào những dịp lễ lớn của đất nước hay ngày truyền thống của ngành than. Hiện, công ty đã xây dựng sân bóng đá, bóng chuyền, quần vợt… có câu lạc bộ thể thao hoạt động ngoài giờ với các bộ môn cầu lông, bóng chuyền, cờ vua, cờ tướng để anh em có năng khiếu, sở thích. Các ngày lễ lớn đều tổ chức các giải thi đấu thể thao. Ðều đặn hai năm một lần, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam lại tổ chức các giải đấu lớn, công ty đều tạo điều kiện để công nhân viên tham gia các hoạt động thể thao này. Công ty có phong trào khuyến học, hằng năm tổ chức để khen thưởng con cán bộ, công nhân viên đạt danh hiệu học sinh giỏi, các cháu sinh viên tốt nghiệp loại giỏi. Hằng năm, công nhân công ty đều có đóng góp bằng ngày công để hỗ trợ gia đình công nhân viên chức có hoàn cảnh khó khăn.

Chánh Văn phòng Công đoàn Công ty cổ phần than Cao Sơn Bùi Quang Huy cho biết, công ty có nhà truyền thống, nơi trưng bày những mô hình đời sống, sản xuất của công nhân mỏ, trở thành tua tham quan, được nhiều khách tham quan yêu thích. Ngoài ra, từ năm 2014, Công viên Cao Sơn lưu thủy được khánh thành, không chỉ là nơi để thợ mỏ tìm đến thư giãn sau những giờ lao động nặng nhọc mà còn là một điểm đến mang giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của công nhân. Nhiều tua du lịch lựa chọn nơi đây làm điểm đến của du khách. Công viên là một quần thể kiến trúc mang đậm nét văn hóa Phật giáo, với các mô hình mô phỏng tháp Bút, chùa Một Cột, Văn Miếu... Tại đây có những khu vực thờ các bậc thánh nhân và anh hùng dân tộc... Công trình có không gian xanh mát, thoáng đãng, với diện tích rộng khoảng gần một héc-ta, tựa lưng vào núi, hướng ra vịnh Bái Tử Long. Bà Vũ Thị Vòng, công nhân mỏ về hưu đã nhiều năm tình nguyện trông coi Công viên Cao Sơn lưu thủy cho biết, công viên có giá trị về tinh thần rất lớn đối với công nhân. Ðây còn là nơi để cán bộ, công nhân trong công ty và các gia đình có thể tổ chức các sự kiện thể thao và tập thể dục, tập dưỡng sinh. Ðiều khiến bà Vòng cảm thấy ý nghĩa nhất là hằng năm, Công ty than Cao Sơn tổ chức tuyên dương con em cán bộ, công nhân viên tại đây. Giữa chốn tâm linh, nơi có những công trình mô phỏng các biểu tượng văn hóa Việt Nam sẽ là nguồn động viên lớn để các cháu quyết tâm học hành.

Công ty than Dương Huy - TKV cũng là một trong các đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân. Chánh Văn phòng Công ty than Dương Huy - TKV Nguyễn Hải Phi cho biết, công ty đã xây dựng các công trình khang trang, hiện đại để phục vụ công nhân, trong đó có nhà thi đấu thể thao nội bộ với sức chứa 1.000 người, phục vụ nhu cầu rèn luyện vui chơi của cán bộ, công nhân viên và người dân trên địa bàn. Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, thể thao, giao lưu gặp mặt, tham quan du lịch, khám sức khỏe cho người lao động cũng được công ty thường xuyên tổ chức như Giải thể thao truyền thống hằng năm vào ngày 12-11; phong trào lao động, sản xuất; chương trình Tháng 7 tri ân - hành trình "về nguồn"; tổ chức gặp mặt toàn thể công nhân, tuyên dương những công nhân tiêu biểu đạt công suất, ngày công cao;…

Công việc của thợ mỏ vốn vất vả, nặng nhọc, vì vậy những hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức thường xuyên sẽ giúp giảm sự mệt mỏi, căng thẳng sau những giờ làm việc dưới hầm lò. Ðời sống văn hóa tinh thần được quan tâm chính là nguồn động lực giúp họ hoàn thành tốt hơn công việc, đồng thời nâng cao sự đoàn kết và tình đồng nghiệp, một nét đẹp truyền thống của công nhân vùng mỏ.

LAN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/37903102-net-van-hoa-tren-vung-mo.html