Nét Nam bộ, đậm nhân văn trong 'Tơ hồng vương vấn'

Tôi thực sự đam mê và phấn khích với những tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh và thật cảm ơn Hãng phim TFS đã đặt niềm tin cho tôi - người tiên phong thực hiện dòng phim' xưa' này. Đây cũng chính là một trong những dự án dài hơi của Hãng… Đạo diễn NSƯT Hồ Ngọc Xum chia sẻ tại buổi ra mắt bộ phim Tơ hồng vương vấn, dài 30 tập được phát sóng lúc 22h00 từ thứ hai đến thứ tư hàng tuần trên kênh HTV9, từ ngày 5/12/2017.

Tơ hồng vương vấn nằm trong dự án đề tài dài hơi của TFS sau các bộ phim đã thực hiện như: Chúa tàu Kim Qui, Con nhà nghèo, Ngọn cỏ gió đùa… chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn đặc sắc Nam bộ Hồ Biểu Chánh. Lấy bối cảnh Nam bộ những năm đầu thế kỷ XX, Tơ hồng vương vấn là câu chuyện đầy éo le, cảm động, thấm đẫm tính nhân văn, mang đậm phong cách của Hồ Biểu Chánh: ít đao to búa lớn, ít mâu thuẫn căng thẳng, không bạo lực, mà chỉ là cách cư xử ở đời nhẹ nhàng, tinh tế giữa người với người. Truyện phim mang tính nhân văn cao, góp phần tích cực giáo dục nhân cách làm người.

Vĩnh Xuân là con của ông bà Hương Văn (một chức sắc coi về chữ nghĩa ở làng). 13 tuổi, Vĩnh Xuân được cha cho học chữ Nho chỗ thầy giáo Huân. Năm Vĩnh Xuân 17 tuổi cha mất, hai mẹ con rơi vào cảnh nghèo khó. Bà Hương Văn phải buôn bán vặt để nuôi con. Bấy giờ chữ Nho cũng đã hết thời nên Ba Cao (cậu ruột Vĩnh Xuân) bắt Vĩnh Xuân lên Gò Công về ở nhà mình và cho học chữ Quốc ngữ.

Một dịp bãi trường Vĩnh Xuân về thăm thầy giáo cũ. Lúc nghỉ học chữ Nho, Vĩnh Xuân đang học dang dở bộ Tứ thơ. Gặp lại thầy, ông giáo Huân cho biết đang dạy nốt phần Mạnh tử trong bộ Tứ thơ cho Cúc Hương (16 tuổi), nếu Vĩnh Xuân muốn học thì ông dạy luôn cho trọn bộ. Vĩnh Xuân vào học, gặp lại Cúc Hương… Trai tài, gái sắc, vì vậy chẳng bao lâu hai người yêu nhau và thề nguyện chuyện trăm năm. Vì Cúc Hương con nhà giàu, nên muốn đến được với nhau chỉ có cách duy nhất là Vĩnh Xuân phải học thật cao để đổi đời làm quan.

Tựu trường, Vĩnh Xuân trở lại học chữ Quốc ngữ. Cúc Hương cũng nghỉ học chữ Nho, cùng với chị Hai Tỷ mở tiệm may. Không may, vì cờ bạc mà vợ chồng Ba Cao (cậu ruột Vĩnh Xuân) vỡ nợ, phải bán hết nhà cửa ruộng vườn khiến Vĩnh Xuân bơ vơ. Biết hoàn cảnh, Cúc Hương lén lút giúp đỡ tiền học phí cho Vĩnh Xuân học hết 4 năm (để có thể ra làm quan).

Khi Vĩnh Xuân đang học năm thứ nhất thì cha mẹ Cúc Hương ép gả cô cho Út Tiền, con ông bà Thôn Khoa giàu có. Út Tiền là con cưng, chỉ mê ngựa, chẳng lo học hành. Vì đã thề nguyện với Vĩnh Xuân nên ngay đêm nhóm họ, Cúc Hương tự tử chết. Đang học ở Mỹ Tho, cũng ngay đêm đó, Vĩnh Xuân chiêm bao thấy Cúc Hương về báo mộng cho biết là cô đã chết rồi, bảo Vĩnh Xuân cứ cố gắng học, hẹn tái hợp ở kiếp sau. Vĩnh Xuân đau buồn, không còn thiết học hành gì nữa, sau nhờ mọi người khuyên giải, nhất là ông giáo Huân, Vĩnh Xuân chấp nhận học tiếp.

Học xong, Vĩnh Xuân ra làm “quan” (thông ngôn cho phó chủ tỉnh rồi chủ tỉnh Mỹ Tho). Vĩnh Xuân thuê nhà, đem mẹ lên ở với mình. Trong suốt quá trình làm quan, Vĩnh Xuân nổi tiếng là ông quan thanh liêm, ngay thẳng… Ở Mỹ Tho, Vĩnh Xuân kết bạn tâm giao với ông Kinh Lương. Hai người không màng chuyện đời, ngoài giờ làm việc chỉ biết đàn ca, thi phú. Nhưng rồi để trả hiếu cho mẹ, Vĩnh Xuân đành chấp nhận cưới vợ. Vợ của Vĩnh Xuân là Cẩm Nhung, con bà Chủ Thiệu, một đại điền chủ ở Mỹ Tho (qua mai mối của vợ chồng ông Kinh Lương). Vì tình yêu đã giành hết cho Cúc Hương nên dù cưới vợ giàu và đẹp, nhưng Vĩnh Xuân không yêu vợ. Đặc biệt, khi vợ sanh cho mình được đứa con trai (kể như đã trả hiếu cho mẹ xong) thì Vĩnh Xuân càng dễ dãi với vợ, cô đi đâu, đi bao lâu, làm gì… Vĩnh Xuân không màng tới. Và chuyện gì đến đã đến… Trong khoảng thời gian đưa mẹ lên Sài Gòn trị bệnh, Cẩm Nhung cặp kè với anh bạn cũ trong lúc anh này đã có vợ con. Trong một lần Cẩm Nhung bị vợ của người tình đánh ghen ở một tửu quán, rất tình cờ, Cẩm Nhung được Út Tiền ra tay giúp đỡ.

Về phần Út Tiền, sau cái chết của Cúc Hương, Út Tiền thay đổi hẳn. Hắn không còn mê ngựa nữa mà trở thành kẻ hận đời, ăn chơi trác táng từ Mỹ Tho đến Sài Gòn, vì vậy mà cái gia tài đồ sộ của ông bà Thôn Khoa cũng đã lung lay. Út Tiền kể cho Cẩm Nhung nghe về mối tình của Vĩnh Xuân và Cúc Hương, bấy giờ cô mới vỡ lẽ ra vì sao chồng lạnh nhạt với mình. Từ đó, Cẩm Nhung bất đắc dĩ trở thành người tình của Út Tiền. Hắn luôn dọa dẫm, ép buộc nếu không nghe lời, sẽ tố cáo với gia đình về những bê bối của Cẩm Nhung. Út Tiền làm vậy cốt để trả thù chuyện ân oán ngày xưa với Vĩnh Xuân. Bị dồn vào đường cùng, uất ức, Cẩm Nhung công khai ra sự thật. Chuyện cuối cùng cũng bại lộ. Út Tiền bị Ba Cao (cậu của Vĩnh Xuân, đã thôi bài bạc, làm ăn chân chính và trở nên giàu có) và Nghiệp (bạn thiếu thời của Vĩnh Xuân, có nhiều ân oán với Út Tiền) trừng trị. Cẩm Nhung bị gia đình cấm cố (ở nhà sau, ăn với kẻ hầu người hạ, mặc quần áo xấu…). Vĩnh Xuân đành thôi vợ nhưng vẫn giữ mối thâm tình với bên vợ.

Khi con trai (Vĩnh Tân) được 10 tuổi thì Vĩnh Xuân được bổ làm quan Tri phủ ở Cần Thơ. Cả gia đình phải dời về đó. Một lần đi công cán tại nơi làm việc mới, Vĩnh Xuân gặp lại Cúc Hương (tên Hưởng, giống Cúc Hương 100%, cả gương mặt, giọng nói, tính tình). Hỏi ra mới biết cô sinh ra đúng vào cái ngày Cúc Hương tự vận. Nhưng đây chẳng phải là hiện tượng tái sinh, luân hồi gì… mà chỉ là một sự ngẫu nhiên của tạo hóa.

Cuối cùng Vĩnh Xuân cưới cô Hưởng. Tuần trăng mật, hai người trở về thăm quê cũ. Ai gặp cô Hưởng cũng bảo đó là Cúc Hương, ngay cả cha mẹ Cúc Hương cũng nghĩ rằng con mình còn sống. Người ta thắc mắc hiện tượng trên, mới đi hỏi ông giáo Huân. Ông giáo nói: Đó chính là Cúc Hương chớ ai, tại ngày xưa cha mẹ cô ta ham tiền ép gả cô cho Út Tiền nên bây giờ cô không thèm nhìn mặt cha mẹ. Vĩnh Xuân và cô Hưởng sống với nhau thật hạnh phúc…

Tơ hồng vấn vương có sự tham gia của dàn diễn viên: Đồng Thanh Phong, Lý Kim Dung, Kiều Trinh, Thân Thúy Hà, Hà Linh, Văn Thênh, Ngọc Hạnh, Minh Phương, Ngọc Quan, Kim Huyền, Xuân Hưng…

NSƯT - đạo diễn Hồ Ngọc Xum chia sẻ: Đây là đề tài lạ, ngoài tình thầy trò, vợ chồng, còn là câu chuyện đầu thai chuyển kiếp… Là dòng phim thực hiện khá tốn kém và nhiều thời gian, song trong dàn dựng tôi đã cố gắng giữ cái hồn của tác phẩm. Phim đã phải dựng rất nhiều bối cảnh cùng kèm theo rất nhiều đạo cụ xưa như: nhà 11 căn, chợ, tiệm may, bảng hiệu, xe cổ, xe kéo, xe ngựa. Đặc biệt dựng cả nhà lồng chợ có gần 100 người diễn (30 người bán và hơn 60 người mua). Tôi đã làm phim với tinh thần có văn hóa, một tình yêu Nam bộ và tình nhân văn của con người.

Có lẽ một trong những điểm thành công của bộ phim là ca khúc và nhạc phim. Và nhạc sĩ kiêm nhiếp ảnh gia Ngọc Sơn chính là người đã gánh trọng trách này. Ông đã phải nghiên cứu rất kỹ từng ca từ, giai điệu Nam bộ nhưng không hơi hướng cải lương, rút ra những tiếng đàn, giai điệu cần phải có của cái thương cảm, không bi thương và phải bật được nét duyên rất riêng của con người Nam bộ…

Vũ Liên

Nguồn TGĐA: http://thegioidienanh.vn/net-nam-bo-dam-nhan-van-trong-to-hong-vuong-van-19483-19483.html