Nét mới trong Hội chợ các sản phẩm đặc trưng Lục Ngạn

Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn năm 2020 hứa hẹn sẽ thu hút du khách với nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển du lịch nhà vườn, phát triển thương hiệu, tiêu thụ các loại trái cây và đặc sản đặc trưng của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Đến thời điểm này, huyện Lục Ngạn đang tích cực triển khai các nhà vườn đạt tiêu chuẩn, chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap phục vụ du khách về dự và tham quan Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn năm 2020. Nét mới Hội chợ năm nay là phát triển du lịch nhà vườn, tại các điểm du lịch, khách tham quan có thể ăn, nghỉ qua đêm để có thời gian tìm hiểu, khám phá về vùng đất, văn hóa, con người Lục Ngạn.

Hội chợ sẽ diễn ra từ ngày 20 - 22/11/2020, tại Khu vực Quảng trường trung tâm huyện với quy mô 180 gian hàng của các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc nhiều thành phần kinh tế của 29 xã, thị trấn thuộc huyện Lục Ngạn tham gia. Ngoài ra còn có nhiều đơn vị tại các tỉnh, thành tham gia như Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Hải Phòng...

Hội chợ sẽ khai mạc vào 20h, ngày 20/11/2020 tại Quảng trường trung tâm huyện với các hoạt động: Trưng bày, bán các sản phẩm đặc trưng của huyện Lục Ngạn; khai trương sàn giao dịch điện tử thương mại; đấu giá các sản phẩm trái cây đạt giải (bưởi ngọt, bưởi da xanh, cam ngọt, cam lòng vàng); vườn, cây đẹp (cây bưởi ngọt, cây cam ngọt, cây cam lòng vàng), ủng hộ quỹ "Vì người nghèo" của huyện.

 UBND huyện Lục Ngạn thông tin về kế hoạch tổ chức Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn năm 2020.

UBND huyện Lục Ngạn thông tin về kế hoạch tổ chức Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn năm 2020.

Trong khuôn khổ sự kiện, còn có Chương trình “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, có quy mô 80 gian hàng - trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm đồ gia dụng, các sản phẩm công nghiệp, ngành nghề nông thôn trái cây, mỳ Chũ, rượu Kiên Thành, mật ong, phấn hoa, gạo, đỗ, lạc, măng khô, đặc sản vùng cao,...

Đặc biệt, UBND huyện xây dựng và triển khai chương trình “Du lịch trải nghiệm mùa cam, bưởi huyện Lục Ngạn năm 2020. Đến nay, đã lựa chọn được 25 nhà vườn, thành lập các tổ dịch vụ du lịch đưa đón các đoàn khách đến thăm quan trải nghiệm vùng cây ăn quả tại Lục Ngạn. Đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp du lịch lữ hành khảo sát, xây dựng 6 tour, tuyến du lịch:

Tour thứ nhất: Du khách thăm quan, trải nghiệm thực tế vườn cây ăn quả tại thôn Trại Ba, xã Quý Sơn và bơi thuyền trên hồ Làng Thum.

Tour thứ hai: Du khách sẽ thăm quan, trải nghiệm thực tế tại vườn cây ăn quả, thăm làng nghề truyền thống tại các xã Nam Dương, Tân Mộc và du lịch văn hóa tâm linh chùa Am Vãi.

Tour thứ ba: Du khách sẽ thăm quan, trải nghiệm thực tế vườn cây ăn quả tại xã Tân Quang và thăm quan di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đình Sàng Bến, xã Tân Quang.

Tour thứ tư: Du khách sẽ thăm quan, trải nghiệm thực tế vườn cây ăn quả tại xã Hồng Giang và thăm quan di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Hả, xã Hồng Giang – Nơi thờ Thượng tướng quân Vũ Thành (Phò mã nhà Lý Thân Cảnh Phúc) đồng thời phối thờ 6 vị Công chúa và Phò mã nhà Lý.

Tour thứ năm: Du khách sẽ thăm quan, trải nghiệm thực tế vườn cây ăn quả tại xã Kiên Lao, Thanh Hải và du lịch sinh thái hồ Khuôn Thần.

Tour thứ sáu: Du khách có thể tham quan, trải nghiệm tại các vườn cây; sau đó du thuyền trên hồ Cấm Sơn hoặc thăm bản Bắc Hoa, xã Tân Sơn – Nơi có những nếp nhà cổ, với những người dân thật thà, chất phác, thân thiện và hiếu khách. Hội chợ được tổ chức từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

Hiện nay, Lục Ngạn có gần 28.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó vải thiều 15.290 ha, sản lượng năm 2020 là 93.200 tấn; cây có múi 6.740 ha (trong đó cam 4.142 ha; bưởi 2.252 ha và cây có múi khác 346 ha), sản lượng năm 2020 ước đạt khoảng 63.000 tấn. Ngoài ra, Lục Ngạn còn có một số cây ăn quả khác có chất lượng, sản lượng và giá trị kinh tế cao như: Nhãn, ổi, táo... Bên cạnh việc phát triển các loại cây ăn quả, Lục Ngạn còn có các sản phẩm đặc trưng khác được người tiêu dùng ưa chuộng như: Mỳ gạo Chũ - sản phẩm làng nghề truyền thống có sản lượng bình quân hằng năm khoảng 20.000 tấn; giá trị sản xuất trên 400 tỷ đồng/năm; mật ong, sản lượng trên 20.000 tấn/năm; giấm Kim Ngân sản xuất từ vải thiều, sản lượng 150.000 lít/năm... Ngoài ra, Lục Ngạn còn rất nhiều sản phẩm đặc sản tiềm năng như: Gạo Bao thai Lục Ngạn, gạo nếp Phi Điền; các lâm, thổ sản và nhiều sản phẩm khác mang đặc trưng của từng dân tộc, làng, xã, thôn, bản.

Tin,ảnh: N.Dương

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/net-moi-trong-hoi-cho-cac-san-pham-dac-trung-luc-ngan-567013.html