Nét mới của một cuộc thi truyện ngắn giàu ý nghĩa

Cuộc thi truyện ngắn 2018-2020 do Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm tổ chức cũng đã đi đến hồi kết với 18 truyện ngắn đoạt giải của 12 tác giả và một giải thưởng đặc biệt dành cho nhà văn Y Ban.

Nhìn vào cơ cấu và chất lượng giải thưởng lần này, chúng ta có thể thấy được sự tận tâm, nỗ lực và công sức của ban tổ chức giải trong việc lựa chọn, chấm và trao giải trong lúc dịch Covid-19. Cuộc thi khép lại nhưng dư âm vẫn còn. Theo tôi, đây là một cuộc thi thành công trên nhiều phương diện.

Về phương diện tác giả, cuộc thi đã thu hút được một số lượng lớn tác giả tham dự. Theo nhà văn Văn Chinh, thành viên ban tổ chức giải, trong hai năm qua đã có hàng nghìn bản thảo của hàng trăm tác giả gửi đến “ứng thí”. Từ những bản thảo đó, ban tổ chức đã chọn ra được các tác phẩm, tác giả xứng đáng nhất. Tôi rất tâm đắc với phương thức chấm, trao giải của ban tổ chức lần này. Mỗi giải đều có một cặp tác giả một già-một trẻ với hàm ý vừa khẳng định tài năng của những cây bút gạo cội trên văn đàn Việt, vừa có tính phát hiện, giới thiệu, “trình làng” những khuôn mặt văn chương mới, có tính chất kế cận đầy tiềm năng trong tương lai như: Phạm Lưu Vũ-Nguyễn Hải Yến (đồng giải nhất), Lê Hoài Lương-Phan Đức Lộc (đồng giải nhì), Nguyễn Hiệp-Bảo Thương (đồng giải ba), Phan Đình Minh-Tống Ngọc Hân (đồng giải tư). Nhờ đó, cuộc thi vừa có sự quen thuộc, vững chãi của các nhà văn trưởng thành, vừa có sự tươi trẻ, mới mẻ của các cây bút trẻ.

Sự phong phú về đội ngũ tác giả tất yếu tạo nên sự đa dạng trong đề tài, bút pháp thể hiện ở cuộc thi này. 18 tác phẩm đoạt giải viết về nhiều đề tài khác nhau, đi vào những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước, xã hội và đời sống cá nhân trong kỷ nguyên “thế giới phẳng”. Truyện ngắn "Giọt lệ Nam Xương" của Phạm Lưu Vũ viết về một trong những vấn đề trọng đại bậc nhất của dân tộc: Chống ngoại xâm. Truyện ngắn "Mùa đã đi qua" của Bảo Thương nêu lên vấn đề hòa giải dân tộc, hóa giải thù hằn giữa những người lính từng đứng ở hai đầu chiến tuyến, một vấn đề luôn là nỗi băn khoăn, trăn trở của các nhà văn từ sau chiến thắng 1975 đến nay. Trong khi đó, với "Hoa gạo đáy hồ", "Cửa sông thiên đường", Nguyễn Hải Yến lại hướng đến những câu chuyện muôn thuở của gia đình như tình yêu, tình cảm anh em, cha con. Nguyễn Hiệp, Lê Hoài Lương đau đáu về những phận người cơ cực trong xã hội, về sự biến đổi của làng quê với các truyện: "Một trang sử làng", "Dự án chôn dọc", "Người bọ chét", "Nghề vớt xác". Phan Đức Lộc đi vào một chủ đề khá được quan tâm hiện nay là việc tìm lại bản ngã của những con người không may chịu đựng nỗi đau sinh nhầm giới tính trong "Giấc mơ con gái". Tống Ngọc Hân vẫn viết về mảng đề tài quen thuộc của mình là cuộc sống của đồng bào dân tộc miền núi với "Kiều mạch trắng". Những đề tài trên về cơ bản đều là đề tài quen thuộc của văn học Việt Nam đương đại, tuy nhiên các tác giả đã biết cách làm mới, tạo nên bản sắc riêng bằng những dấu ấn nghệ thuật độc đáo, chiều sâu tư tưởng, tính nhân văn và những phát hiện tinh tế về đời sống xã hội, tâm lý, tình cảm của con người.

Dấu ấn đầu tiên, dễ nhận thấy nhất là những chi tiết ấn tượng, sắc bén “tựa mũi dao” được các tác giả dụng công tạo dựng cho những "đứa con tinh thần" của mình. Độc giả theo dõi cuộc thi không khỏi choáng váng, “rùng mình” với chi tiết chiếc giường bên dưới cắm đầy chông nhọn nhằm “đề phòng” vợ ngoại tình của người chồng xa nhà lâu ngày trong "Cửa sông thiên đường" của Nguyễn Hải Yến; chi tiết Hà bị bố trói ngược và lóc từng mảng quần áo cho đến lúc rách bươm, cấn vào da thịt bằng con dao chọc tiết lợn trong "Giấc mơ con gái" của Phan Đức Lộc; ngậm ngùi buông tiếng thở dài với chi tiết mùi xác người chết bốc lên khăn khẳn từ những bộ đồ hàng hiệu, những món phụ kiện thời trang cao cấp của các “đại gia” trong "Nghề vớt xác" của Lê Hoài Lương; đắng đót với chi tiết 3 anh em ruột vừa uống rượu, ăn cơm vừa liếc mắt canh chừng chị dâu ở ngoài bếp trong "Kiều mạch trắng" của Tống Ngọc Hân; thương cảm với chi tiết bóng người em đổ trên tường bất động từ đêm cho đến tận sáng hôm sau trong "Mùa đã đi qua" của Bảo Thương; bất ngờ và sảng khoái với chi tiết tiên ông bị trói “gô cổ” vì thoái thác nghĩa vụ công dân khi quốc gia lâm vào họa xâm lăng trong "Giọt lệ Nam Xương" của Phạm Lưu Vũ...

Những chi tiết như trên đã nâng tầm từng truyện ngắn nói riêng và có thể nói không quá rằng cũng nâng tầm cả cuộc thi lần này. Những biến hóa trong bút pháp của các tác giả là một điểm nhấn đáng ghi nhận. Cũng là cái ảo nhưng nếu cái ảo trong chùm truyện ngắn của Nguyễn Hải Yến mang phong vị “liêu trai chí dị” đã được “tân biên” thì cái ảo trong truyện ngắn Phạm Lưu Vũ vừa đậm dấu ấn Phật giáo với triết lý luân hồi (trong "Chiếc khoen đồng") vừa mang nét hài hước và mùi trần tục (trong "Giọt lệ Nam Xương"). Cái ảo trong "Xác đá" của Phan Đức Lộc phảng phất hương vị của huyền thoại với không gian hang động huyền bí, u linh, với những tập tục thờ cúng liên quan đến sinh khí thực, với những lời nguyền, những quan niệm về cuộc sống gắn chặt với thần thánh. Cái ảo trong “Một trang sử làng” của Nguyễn Hiệp lại gợi nên một niềm kinh dị, nỗi sợ hãi, sự hỗn độn giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, giữa mục ruỗng, đổ vỡ và xây mới, kiến tạo thông qua hình ảnh người hóa gián... Các tác giả đã thật sự làm chủ được chất liệu mình sử dụng nên tạo được sự hài hòa, nhuần nhuyễn và tự nhiên cho tác phẩm.

Mong muốn lớn nhất ở mỗi cuộc thi truyện ngắn nói riêng, văn học nói chung mà các ban tổ chức hướng đến, sau cùng vẫn là làm sao lan tỏa, truyền cảm hứng của tình yêu văn chương, của nghệ thuật đến với mọi người trong xã hội càng nhiều càng tốt, càng nhanh càng tốt. Với đội ngũ tác giả tham dự và chất lượng các tác phẩm dự thi, tôi nghĩ cuộc thi truyện ngắn 2018-2020 của Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm đã hoàn thành mong muốn đó.

Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/net-moi-cua-mot-cuoc-thi-truyen-ngan-giau-y-nghia-636604