Nét khác biệt của cầu Trần Hưng Đạo

Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho biết, cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng được thiết kế với yêu cầu tiên quyết là phải khác biệt với các công trình cầu vượt sông Hồng hiện có, cả về hình thức kiến trúc lẫn phương án kết cấu.

Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho biết, cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng được thiết kế với yêu cầu tiên quyết là phải khác biệt với các công trình cầu vượt sông Hồng hiện có, cả về hình thức kiến trúc lẫn phương án kết cấu.

Theo TEDI - đơn vị nghiên cứu dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng, đơn vị tư vấn nghiên cứu phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo theo hai phương án: một là kết cấu phong cách hiện đại; hai là kết cấu phong cách cổ điển.

Ở nhóm thứ nhất, đơn vị tư vấn đưa ra phương án kết cấu cầu dây văng với tháp thấp bảo đảm các điều kiện khống chế yêu cầu (giao thông thủy trên sông và cao độ phễu bay sân bay Gia Lâm).

Ở nhóm thứ hai, đơn vị tư vấn đưa ra phương án kết cấu cầu dầm có kết hợp dây để tăng hiệu ứng kiến trúc. Các tháp cầu và các chi tiết kết cấu trên cầu theo phong cách kiến trúc Đông Dương.

TEDI đánh giá, với mỗi phương án đều có các ưu điểm và các điểm hạn chế. Tuy nhiên, một yêu cầu tiên quyết khi nghiên cứu mà đơn vị tư vấn thực hiện đó là các phương án đều phải khác biệt với các công trình cầu vượt sông Hồng hiện có, cả về hình thức kiến trúc lẫn phương án kết cấu.

 Cầu Trần Hưng Đạo phương án 1. (Ảnh: TEDI)

Cầu Trần Hưng Đạo phương án 1. (Ảnh: TEDI)

Với phương án 1, đơn vị tư vấn nghiên cứu sử dụng loại hình cầu extradosed (cầu dầm – cáp hỗn hợp) hoặc cầu dây văng tháp thấp với ba trụ tháp. Hướng nghiên cứu phương án kiến trúc là tập trung khai thác từ hình tượng danh nhân Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn mà cây cầu được mang tên.

Kiến trúc sử dụng cho trụ tháp là phong cách hiện đại, với ý tưởng là sự kết hợp/lồng ghép đường nét của thanh gươm và cây bút để khắc họa hai khía cạnh văn-võ trong con người Trần Hưng Đạo.

Cụ thể là hình dáng bên ngoài của tháp tượng trưng cho thanh gươm, với phần đường nét chìm ở giữa tháp có tạo hình gợi đến cây bút. Số lượng ba tháp tượng trưng cho ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông, những sự kiện trải suốt cuộc đời binh nghiệp của Trần Hưng Đạo. Tổng thể, đơn vị tư vấn muốn sử dụng những đường nét cách điệu có tính hiện đại, thanh gọn nhưng cũng khỏe khoắn, năng động.

Cầu Trần Hưng Đạo phương án 1. (Ảnh: TEDI)

Hạn chế của phương án này là do điều kiện khống chế về độ cao (do cao độ phễu bay của sân bay Gia Lâm) nên chiều cao tháp bị hạn chế (cao độ đỉnh tháp tối đa chỉ được +55m), dẫn đến sự thể hiện hình khối chưa hoàn toàn được như ý.

Với phương án 2, đơn vị tư vấn đi theo hướng nghiên cứu khác hoàn toàn khi không khai thác từ hình tượng danh nhân mà khai thác từ giá trị tuyến đường Trần Hưng Đạo mà cây cầu xuất phát.

Khởi điểm có tên gọi là đại lộ Gambetta do người Pháp xây dựng, trên con đường này có rất nhiều công trình kiến trúc có giá trị như: ga Hàng Cỏ, nhà Đấu Xảo… Trong những công trình của thời kỳ này mà nay còn giữ được, có thể kể đến: tòa nhà số 82 (nay của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), tòa nhà số 85-87 (nay là Trụ sở Công an TP Hà Nội) và nhiều biệt thự như số 68, số 47, số 101…

Do đó, việc tiếp nối phong cách kiến trúc của thời kỳ này đối với cây cầu có thể coi như việc nối dài trục cảnh quan – kiến trúc của tuyến đường. Khi nghiên cứu cụ thể những phong cách kiến trúc mà người Pháp khởi xướng ở Việt Nam, đơn vị tư vấn lựa chọn phong cách kiến trúc Đông Dương vì đây là phong cách có sự hài hòa giữa các yếu tố bản địa với phương tây, là phong cách có sự tôn vinh giá trị kiến trúc bản địa mà đã rất thành công ở nhiều công trình rất có giá trị mà ngày nay, đó là Bảo tàng Lịch sử, trụ sở Bộ Ngoại giao hay Đại học Tổng hợp Hà Nội,…

Cầu Trần Hưng Đạo phương án 2. (Ảnh: TEDI)

Để thể hiện phong cách này, vừa bảo đảm các điều kiện khống chế ban đầu, đơn vị tư vấn lựa chọn loại hình cầu dầm đúc hẫng với hệ tháp kèm dây võng trang trí. Cầu sẽ bao gồm năm hệ tháp, mỗi hệ tháp có dạng cổng chào được áp dụng phong cách kiến trúc Đông Dương, trong đó hai hệ tháp ngoài cùng có kiến trúc lớn hơn ba hệ tháp giữa để tạo điểm nhấn.

Ngoài việc chịu sự khống chế về chiều cao như với phương án 1, phương án 2 cũng có mặt bị coi là hạn chế khi có tỷ lệ thành phần trang trí – không tham gia vào kết cấu chịu lực – lớn, ở đây là phần lớn các thành phần ở trên bề mặt cầu. Điều này khiến công trình có thể gây cảm giác nặng nề tại một số góc nhìn.

Công ty TEDI cho biết, hiện đơn vị tư vấn có quan điểm nghiêng về phương án kết cấu hiện đại, có điểm nhấn kiến trúc. Hiện tại, để hoàn thiện phương án kiến trúc cầu, đơn vị tư vấn vẫn tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh hai phương án trên cũng như đề xuất thêm các phương án khác.

BÔNG MAI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/net-khac-biet-cua-cau-tran-hung-dao--612564/