Nét hoang sơ trong cuộc sống của người Komi

Sinh sống tại nước Cộng hòa Komi (một chủ thể liên bang của Nga) với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, mãi đến giữa thế kỷ 20, bộ tộc Komi mới được tiếp xúc với thế giới văn minh. Do đó, lối sống và phong tục truyền thống của người Komi vẫn được gìn giữ vẹn nguyên.

Trẻ em người Komi trong trang phục truyền thống. Ảnh: Komi Republic

Trẻ em người Komi trong trang phục truyền thống. Ảnh: Komi Republic

Các nhà sử học ước tính, người Komi đã sống ở Cộng hòa Komi từ thời Trung Cổ và hoàn toàn cô lập với thế giới xung quanh. Trong thời kỳ Xô Viết (1922-1991), các ngôi làng của người Komi nằm sâu trong rừng hẻo lánh đã được khám phá. Cùng với sự hiện đại hóa nhanh chóng diễn ra trong cuộc sống, người Komi đã xây dựng nhiều chương trình và kế hoạch để bảo tồn văn hóa của mình. Hiện nay, ngôn ngữ Komi được đưa vào chương trình học dành cho con em của bộ tộc Komi nhằm bảo tồn và gìn giữ di sản bộ tộc.

Giống như bộ tộc Nenets, người Komi làm nghề chăn nuôi tuần lộc và khai thác gỗ. Việc chăn nuôi tuần lộc được bộ tộc Komi tổ chức thành các nhóm, mỗi nhóm có khoảng hơn 50 người và đàn tuần lộc khoảng 115.000 con. Các tuyến chăn thả tuần lộc của người Komi khá dài, lên tới 400km. Tuần lộc được nuôi để làm thực phẩm, phương tiện vận chuyển, quần áo và các đồ mỹ nghệ (từ gạc của tuần lộc). Khoảng 20% số tuần lộc tại Cộng hòa Komi là thuộc sở hữu tư nhân, còn lại là thuộc các hội đồng nông nghiệp. Những người chăn nuôi tuần lộc có ngày lễ riêng tên gọi “Teryb kor". “Teryb kor" trong ngôn ngữ của người Komi có nghĩa là “con tuần lộc nhanh nhẹn”. Lễ hội thường được tổ chức trong tiết Xuân phân, trong đó sẽ diễn ra cuộc đua xe trượt tuyết giữa những người chăn nuôi tuần lộc.

Trước đây, trong lịch sử có ghi nhận người Komi theo chế độ mẫu hệ, nhưng do ảnh hưởng của Cơ đốc giáo, thể chế hôn nhân của người Komi tương tự người Nga. Các giá trị và tín ngưỡng Komi được thể hiện rõ ràng trong các bài ca truyền miệng và văn hóa dân gian của họ. Những con vật linh thiêng luôn được tôn vinh trong văn hóa của người Komi, đặc biệt là cá răng nhọn và vịt. Do đó, xương của những con vật này thường được sử dụng để làm bùa hộ mệnh.

Người Komi cũng được biết đến với khả năng âm nhạc của họ. Các bài hát dân gian thường đề cập đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống từ khi sinh ra đến khi mất đi. Những câu chuyện truyền miệng của họ thường nhấn mạnh sự gắn bó với thiên nhiên, lý tưởng làm việc chăm chỉ và lòng hiếu khách, sự hào phóng. Người Komi sở hữu nhiều nhạc cụ dây truyền thống khác nhau, nổi tiếng nhất là đàn balalaika với thiết kế thân hình tam giác rỗng và dây giống đàn ghi-ta.

Nghề thêu dệt khá phổ biến trong cộng đồng người Komi. Phụ nữ Komi thường có một chiếc băng đô được thêu bằng các sợi chỉ nhiều màu sắc với những họa tiết hình học khác nhau. Một cô gái Komi sẽ bắt đầu thêu một chiếc băng đô trước khi kết hôn. Băng đô của các cô dâu thì được thêu đặc biệt hơn với những hạt cườm trang trí, còn băng đô của phụ nữ đã kết hôn được thêu bằng chỉ bạc và vàng. Đàn ông Komi rất thành thạo nghề chạm khắc gỗ. Tất cả các đồ gia dụng của người Komi đều làm bằng gỗ như bát, đĩa, tủ và các đồ trang trí. Ngoài nghề chạm khắc gỗ, người Komi còn có tay nghề cao trong chế tác trang sức, gia công, dập, khắc kim loại. Các nghề thủ công như đan lát cũng được người Komi phát triển với những sản phẩm cầu kỳ và đẹp mắt. Vật liệu phục vụ cho nghề đan lát gồm có rễ cây thông, vỏ cây bạch dương, rơm...

Hiện nay, ngành du lịch cũng đang rất phát triển và tạo thêm thu nhập cho người Komi. Nhiều điểm du lịch sinh thái hoang sơ luôn thu hút nhiều du khách tìm tới như dãy núi Pechora với rừng taiga, rừng cây lá kim, sông suối nước khoáng và các hang động lớn.n

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/net-hoang-so-trong-cuoc-song-cua-nguoi-komi-post440446.html