Nét đẹp văn hóa trong thú chơi cây cảnh của người Việt

Cuộc sống con người luôn hòa đồng với thiên nhiên, cây xanh. Trong không gian gia đình vùng quê đất Việt xưa đã có quy chuẩn bất thành văn: 'Trước cau, sau chuối'. Thời hiện đại, con người càng cần đến cây xanh, gần đây có căn hộ ở thành phố Hồ Chí Minh và một khu đô thị mới ở Hưng Yên, đạt được nhiều giải cao của thế giới và châu lục về kiến trúc thân thiện với môi trường, bởi có tỷ lệ cây xanh vượt trội, được bài trí hài hòa, phục vụ thiết thực đời sống con người.

Tác phẩm cóc huyền của Nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ (Hà Nội)

Từ trong tâm thức người Việt, tạo tác và chơi cây cảnh như một lẽ tự nhiên, đã đưa thiên nhiên vào trong chậu để tạo tác, ngắm nhìn. Chơi cây cảnh làm cho đời sống tinh thần thêm phong phú, các cụ xưa thường nói: Yêu cây, yêu hoa, hóa ra yêu đời. Chơi cây cành đã trở thành một nếp văn hóa lâu đời của dân tộc Việt.

Cây trồng trong chậu người Nhật gọi là “ Bonsai” còn ở Việt Nam ta thường gọi là “Bồn cảnh”, “Chậu cảnh”. Xưa kia, thú chơi này chỉ ở những gia đình quyền quý, ngày nay, thú chơi cây cảnh đã phổ biến đến nhiều tầng lớp, đặc biệt ở lớp người lớn tuổi. Để có được những chậu cây cảnh như ý, người ta có thể ươm trồng, cũng có thể khai thác từ thiên nhiên.

Tác phẩm Thụ Lâm Bồng Thạch của nghệ nhân Hùng Xiếc

Nhiều người yêu cây và nghệ nhân sinh vật cảnh (SVC) phải dành hàng chục năm hoặc suốt cuộc đời để hoàn chỉnh một thế cây với những nguyên tắc tạo hình tỷ mỉ, nghiêm ngặt, qua đó muốn biểu đạt triết lý sống ở đời. Mỗi người có cách cảm nhận và thổi hồn vào cây khác nhau, vì thế cũng tạo ra các bồn cảnh có dáng vẻ và biểu đạt ý tưởng khác nhau. Người lớn tuổi thích mô phạm, thích kiểu dáng chịu ảnh hưởng của nho giáo thì tạo những thế cây: Phúc – Lộc – Thọ, ngũ phúc, phụ tử, mẫu tử, huynh đệ, long thăng, long giáng... Người trẻ tuổi thích phóng khoáng, lãng mạn thì tạo thế cây hoành (nằm ngang), thế huyền (đổ xuống như thác đổ), thế bạt phong (gió thổi bạt về một phía nhưng cây vẫn hiên ngang đứng vững)... và nhiều biến thể khác.

Tác phẩm sam của nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên

Chơi cây cảnh người xưa thường chú ý đến 4 yếu tố chính: Nhất hình, nhì thế, tam chi, tứ diệp. Vì vậy ta thường thấy cây cảnh uốn lượn thành 3 tầng tán, 4 đoạn thân, 5 chùm nhánh, tượng trưng cho tam cương (Quân thần, phụ tử, phu phụ), ngũ thường (Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín), tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) và tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh). Chơi cây cảnh đạt đến độ hoàn thiện khi các nghệ nhân xưa chọn ra 10 loại cây, hoa cảnh (Thập toàn), tạo thành 3 bộ chính làm cốt lõi cho nghệ thuật bon sai. Đó là tứ linh, tứ quý và tam đa:

Tác phẩm sanh quê của Nghệ nhân Quân Xốm

Tứ linh gồm 4 loại cây: Đa, Sung, Xanh, Si, ứng với tứ hình trong động vật: Long, Lân, Quy, Phượng. Đây là những cây thân gỗ lưu niên, trường thọ, chịu đựng nắng mưa mà bốn mùa vẫn xanh tươi.

Tứ quý gồm: Tùng, Cúc, Trúc, Mai, ứng với tứ bình, hợp với tứ thời (Xuân Tùng, hạ Trúc, thu Cúc, đông Mai) thể hiện ước vọng hạnh phúc vĩnh cửu của con người.

Tam đa gồm 3 loại cây: Sung, Lộc vừng, Vạn thọ, ứng với khát vọng đời người: Phúc – Lộc – Thọ.

Tác phẩm sanh cổ của Nghệ nhân Sơn Phủ Lý

Chơi cây cảnh được nâng tầm lên mức nghệ thuật khi người xưa đặt ra các tiêu trí: Cổ, kỳ, mỹ.

Cổ: Tức là cổ thụ, thường là cây lâu năm đạt đến độ cổ lão, có hai trường hợp: Cổ lão nhân tạo và cổ lão tự nhiên. Người chơi thường thích cổ lão tự nhiên hơn.

Kỳ: là yêu cầu chung trong cây cảnh nghệ thuật. Có kỳ mới làm cho một cây cảnh nghệ thuật thoát ra khỏi sự chân phương, lành và đơn điệu, mới tạo nên một “Kỳ mộc”. Đó là đường nét kỳ lạ, độc đáo cho rễ, thân, cảnh và tạo hình tổng thể đặc sắc làm nên vẻ đẹp kỳ thú.

Mỹ: Là vẻ đẹp tổng thể của cây cảnh nghệ thuật, chính là cái hình hài của cây. Hình phải bắt mắt, nhìn qua đã có cảm tình, gây được ấn tượng, tạo được cảm xúc mạnh cho người thưởng ngoạn. Hình phải tôn được cái cổ và các kỳ của cây.

Tác phẩm bông trang của doanh nhân Sơn Đặng

Cổ, kỳ, mỹ là ba tiêu chí cơ bản của một cây cảnh nghệ thuật. Một số nghệ nhân phía bắc xưa còn đặt tiêu chí làm kim chỉ nam khi tạo tác bonsai, đó là “Da mốc, thân quái, rễ kiểng, gốc bồ, ngọn chỉ, sẹo liền, cành ngoan”, một số nghệ nhân, nhà nghiên cứu SVC còn đặt ra bốn tiêu chí cho cây cảnh nghệ thuật là: Cổ, kỳ, mỹ, văn. Ở mỗi vùng miền lại có quan niệm và chủng loại khác nhau, tạo lên phong trào chơi, tạo tác cây cảnh nghệ thuật đa dạng, phong phú.

Doanh nhân Sơn Đặng và Nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên bên tác phẩm duối cổ "Thế Võ Bình Định"

Cây cảnh bonsai nghệ thuật cũng được chia thành ba loại: Cây cỡ đại, cây tầm trung (khoảng 2 đến 4 người khiêng), cây mini (một người bê), để phù hợp với không gian trưng bày khác nhau.

Đầu xuân ngắm những chậu cây cảnh, những chậu bonsai nghệ thuật, tâm hồn ta như hòa quyện với thiên nhiên, thấm đẫm thêm những triết lý sống ở đời mà các tác phẩm cây cảnh mang lại, giúp ta thư thái để háo hức bước vào một mùa xuân mới đầy hoài bão, ước mơ!

Nghệ nhân Trần Văn Quý |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/net-dep-van-hoa-trong-thu-choi-cay-canh-cua-nguoi-viet-60693