Nét đẹp văn hóa 'thỉnh lộc' đầu năm

Xin lộc hay gọi một cách trang trọng là 'thỉnh lộc' đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Việt vào dịp năm mới. 'Thỉnh lộc' có rất nhiều cách thức được truyền lại từ xưa theo quan niệm của ông bà để lấy chút may mắn, niềm tin cho cả năm được hanh thông, thuận lợi, phổ biến là 'xin' những chồi non, hoa, trái ở chùa, miếu, đình… Theo dòng chảy phát triển, việc 'thỉnh lộc' ngày nay được chuyển dần sang nhiều cách văn minh hơn, phù hợp hơn mà vẫn đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt ở nơi thờ tự.

Lộc là chồi non của cây, biểu tượng của sự thay mới, sức sống sinh sôi theo ý nghĩa tích cực, hiểu đồng âm với tài lộc, thịnh vượng, bổng lộc, giàu có, những gì tốt đẹp… trong cuộc sống mà ai cũng mong ước có được. Ngoài chồi non, lộc có thể là trái cây, cành hoa, nhang hay vật dụng nhỏ ở chùa mà người dân đến viếng và xin về. Phong tục tập quán đầu năm đi hái lộc, xin lộc là truyền thống văn hóa, không quyết định thành bại nhưng tăng thêm niềm tin cho mọi người trong suốt một năm. Việc xin lộc bắt đầu từ sau giao thừa và mùng một Tết, kéo dài đến các ngày sau tùy theo thời điểm người đi chùa. Ai cũng mang theo tâm nguyện cầu an, chúc phúc cho gia đình và người thân, mong công việc, sự nghiệp được thuận lợi như ý.

Chị Phạm Thị Mộng Tuyền (xã Phú An, Phú Tân, An Giang) chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã quen với việc sau giờ cúng giao thừa thì theo mẹ lên chùa cúng bái. Người đi chùa ra về đều hái một nhánh cây nhỏ trong khuôn viên, lá sen, bông hoa hoặc chồi non của các nhánh cây ven đường. Nhà nào gần chùa thì thắp nén nhang rồi đem về cắm trên bàn thờ gia tiên, gọi là hương lộc. Tôi được ông bà giải thích rằng, những chồi non nhú lên thể hiện sức sống mạnh mẽ, do đó xin cành lộc để có được sức khỏe, vui tươi, đặc biệt lộc xin từ đình, chùa, miếu được cho là linh thiêng hơn bởi có phật trời gia hộ, rước phước lộc về cho gia đình”.

Người dân đến viếng chùa và “thỉnh lộc” đầu năm

Về ý nghĩa, việc xin lộc đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, nhưng cách xin của người đi chùa đã không còn phù hợp, thậm chí có nhiều biến tướng, phản văn hóa. Nơi thờ tự có hạn, mà người đi cúng bái và xin lộc rất nhiều, có người đi đến đâu cũng xin lộc theo “truyền thống” bẻ cành, hái lá, ngắt hoa… khiến sau vài ngày Tết khung cảnh chùa chiền trở nên xơ xác. Một số chùa phải dựng bảng cấm, nhắc nhở, hướng dẫn người dân không tự ý làm các hành động phá hoại cây xanh, chậu hoa chỉ vì mục đích xin làm lộc cầu lợi cá nhân. Cùng với đó, ngày đầu năm mới, đa số chùa đã có thêm tính năng phát lộc dưới dạng bao lì xì, kẹo, bánh, tràng chuỗi, lịch…

Để tăng ý thức cho phật tử nói chung, các chùa đều chuẩn bị rất kỹ, sau những lời chúc tốt lành cho người đi chùa, các tăng, ni thuyết giảng không quên giải thích cho phật tử hiểu hơn về ý nghĩa chữ “lộc” và những hành động tương ứng để tự tạo “lộc” cho cuộc sống của chính mình. Lộc chính là những việc tốt lành, như: viếng chùa, cúng dường, hỏi thăm sức khỏe...

Ngoài nhận hiện vật được phát tặng từ nhà chùa, phật tử có thể tự tạo ra lộc bằng các việc thiện, như: phóng sinh, đóng góp xây cầu, giúp đỡ người nghèo, các phật sự… góp phần tạo hình ảnh tôn nghiêm hơn mà vẫn đáp ứng nhu cầu quần chúng vào dịp đầu xuân.

Chị Liêu Ngọc Bảo (TP. Châu Đốc) bày tỏ: “Tôi thấy các chùa, miếu, tịnh xá, tịnh thất bây giờ có nhiều cách hay để phật tử xin lộc. Phố biến nhất là chuẩn bị bao lì xì, bên trong là tiền lẻ mệnh giá nhỏ kèm theo mảnh giấy có lời chúc tốt lành. Có nơi phát lộc cho người đi chùa là tờ lịch, sợi dây đỏ và đặt ở nơi thuận tiện cho người dân tự thỉnh theo nhu cầu. Còn có nơi chuẩn bị thật nhiều hoa, khuyến khích mỗi người chỉ thỉnh đúng 1 cành để làm lộc mang về. Những cách này đã dần thay đổi thói quen của người đi chùa, không còn chen lấn bát nháo tranh giành lộc như xưa. Tết ngày càng hiện đại, văn hóa xin lộc, thỉnh lộc cũng tiến bộ hơn, không nhất thiết phải hái lộc bằng các hành động gây ảnh hưởng đến môi trường”.

Theo lời giảng dạy chung từ các vị tăng, ni, “thỉnh lộc” chính là thỉnh niềm tin để mỗi cá nhân thêm vững tâm cho những mục tiêu hướng đến trong năm mới. Tài lộc là kết quả từ sự cố gắng, hành động tốt đẹp, kiên trì trong lao động, học tập, rèn luyện, chứ không phải do mong cầu mà được.

Trong hành động xin lộc cần kèm theo ý thức của người đi chùa, có trật tự, trang nghiêm để ai cũng đón lộc với tâm thanh nhàn, an lạc, thư thái, tạo ra năng lượng tốt đẹp - là nhân tố đầu tiên quyết định nên lộc. Con người cứ sống tốt, ban tặng, nhường nhịn, chia sẻ chính là tạo lộc cho chính mình. Vì vậy, không nên quá quan trọng ở hình thức, việc phát huy đạo đức, lương thiện chính là làm cho lộc trở thành hiện thực.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/net-dep-van-hoa-thinh-loc-dau-nam-a296851.html