Nét đẹp văn hóa của chùa Tăng Phúc

Chùa Tăng Phúc (phường Đông Cương, TP Thanh Hóa) được biết đến bởi vị thế đẹp, kiến trúc độc đáo là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Được xây dựng vào thời nhà Trần trên đê sông Mã gần thành Thiệu Dương xưa, do tác động của điều kiện tự nhiên nên đê nhiều lần bị sụt lở, đến thời nhà Nguyễn, chùa Tăng Phúc được chuyển về làng Hạc Oa, huyện Đông Sơn, nay thuộc phường Đông Cương, TP Thanh Hóa.

Thầy, trò ni sư chùa Tăng Phúc dọn dẹp, trang hoàng lại chùa, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tâm linh của người dân.

Do chiến tranh tàn phá khốc liệt nên nhiều công trình của nhà chùa bị hư hỏng, gần như không còn. Năm 1998, Sư thầy Thích nữ Đàm Hương về trụ trì không quản khó khăn, gian khổ cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và nhân dân, đông đảo phật tử đã góp công xây dựng chùa ngày càng khang trang, bề thế. Từ khi xây dựng đến nay, chùa Tăng Phúc được trùng tu tôn tạo nhiều lần.

Đến thăm chùa Tăng Phúc vào đầu Xuân Canh Tý, nhiều du khách thập phương, phật tử đến dâng hương, vãn cảnh không khỏi trầm trồ trước cảnh đẹp và ứng xử thân thiện, văn hóa của nhà chùa. Từ lâu chùa Tăng Phúc được biết đến là địa chỉ hoạt động từ thiện trên địa bàn. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chùa Tăng Phúc vẫn dành một phần kinh phí và vận động các nhà hảo tâm góp sức làm từ thiện với kinh phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Riêng năm 2019, các hoạt động từ thiện nhân đạo của chùa Tăng Phúc đã đạt hơn 1,2 tỷ đồng. Nhà chùa duy trì nấu cháo tình thương tặng miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Ung Bướu và Bệnh viện Mắt Thanh Hóa vào thứ 7 hàng tuần; thăm hỏi, tặng quà cho đồng bào bị thiên tai lũ lụt; tặng quà cho các cháu thiếu nhi nghèo vượt khó, vươn lên trong học tập; mừng thọ các cụ phố 8 phường Đông Cương; hỗ trợ bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo các xã Đông Lĩnh (TP Thanh Hóa), Đông Tiến (Đông Sơn) và xã Thọ Hải (Thọ Xuân); xây nhà Đại đoàn kết...

Người nhà bệnh nhân Lê Trung Ngọc, xã Đông Lĩnh (TP Thanh Hóa) cho biết: “Anh Ngọc bị bệnh xơ gan cổ trướng, ốm đau nhiều năm, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, chùa Tăng Phúc đã đến động viên, thăm hỏi kịp thời giúp gia đình chúng tôi và anh Ngọc vơi đi nỗi buồn”.

Chị Lê Thị Hương, phường Đông Hải (TP Thanh Hóa) cho biết: “Nhiều lần đi chùa cầu bình an cho gia đình, tôi cảm nhận được tình cảm của thầy trò ni sư và các sư cô. Có những lần tôi nghe các thầy giảng dạy đạo đời, đạo phật mà thấm thía và càng tĩnh tâm, tu dưỡng, sống và làm việc hiệu quả, có ích hơn”.

Ni sư Thích nữ Đàm Hương, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Tăng Phúc cho biết: Bản thân đã luôn tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các phật tử nhà chùa cũng như với nhân dân trên địa bàn. Sau những giờ lên chùa tụng kinh lễ phật, thầy đều dành thời gian giáo hóa cho phật tử “ăn hiền ở lành”, cầu cho “Quốc thái dân an”.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, đời sống của nhân dân làng Hạc Oa ngày được khởi sắc, đổi mới. Hạ tầng cơ sở được đầu tư, đường sá mở rộng khang trang, sạch đẹp. Nếp sống văn minh hơn, đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong cộng đồng dân cư. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của thầy trò ni sư và các sư cô. Chùa Tăng Phúc thực sự là điểm sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng của người dân xứ Thanh bởi những ai đến chùa cũng được thấm nhuần giáo lý của Đức Phật, xả bỏ tham, sân, si, thân tâm được an lạc, hạnh phúc. Chùa Tăng Phúc không chỉ là nơi thờ Phật mà còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của những người tín tâm với Phật giáo, nơi gieo trồng tâm Bồ Đề, gạt bỏ những phiền não, nhiễm ô, giúp cho mỗi người được hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Đó chính là cội nguồn nhưng cũng là giá trị thật sự của cuộc sống mà con người luôn hướng tới.

Bài và ảnh: Lê Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/net-dep-van-hoa-cua-chua-tang-phuc/114237.htm