Nét đẹp văn hóa bị biến tướng

Hái lộc ngày đầu xuân là phong tục có từ lâu đời của dân tộc ta. Vào thời khắc Giao thừa, người đi lễ thường hái một nhành lộc hoặc vài ba chiếc lá (bất cứ cây gì gặp mà không có chọn lọc) để cầu mong may mắn, lộc tài cho bản thân và gia đình.

Việc hái lộc như nêu trên là rất văn hóa, nên duy trì. Tuy nhiên, những năm gần đây, nét đẹp văn hóa này đã bị biến tướng. Người ta không còn đi hái lộc nữa mà thực chất là đi chặt cây, bẻ cành. Một số người không còn coi việc hái lộc chỉ là quy ước lấy lệ khi ngắt một cành lộc nhỏ gọi là lấy may của thời khắc thiêng liêng đầu năm mới mà xem việc ai bẻ, chặt được cành lộc to, dài thì mới nhiều lộc, gia đình bản thân mới sung túc. Đây quả là một suy nghĩ, một quan niệm không hề có cơ sở và đầy ấu trĩ. Chính vì vậy, cứ mỗi Giao thừa qua đi là cây xanh ở mọi nơi (nhất là các cây đa, si… có nhiều lộc to) bị chặt, bẻ một cách không thương tiếc. Nhiều người không chỉ đứng dưới gốc để bẻ cành mà họ còn mang dao, rựa theo rồi trèo lên cây chặt cả cành to gục xuống cho mọi người cùng… thụ hưởng. Tình trạng này khiến cho cây xanh bị phá hoại, thậm chí bị bức tử. Cứ sáng Mồng Một đầu năm, những cây đa, cây si, cây sung như vừa hứng chịu cơn bão.

Mong rằng, ngành công viên, cây xanh cử người tuần tra, trông coi, ngăn chặn tình trạng bẻ, chặt lộc tàn phá cây xanh.

NGUYỄN THỊ HẢI

(Trường Đại học Văn hóa Hà Nội)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/net-dep-van-hoa-bi-bien-tuong-608735