Nét đẹp văn hóa ăn trầu của người Hà Nội

Hà Nội là nơi chắt lọc tinh hoa, nét đẹp của mọi miền để tạo nên nét đẹp cho riêng mình. Tục ăn trầu - một phong tục mà theo truyền thuyết có từ thời Hùng Vương dựng nước là một trong những nét đẹp văn hóa của người Hà Nội.

Trong những lần khai quật Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ đã tìm được nhiều đồ gốm sứ bao gồm những đĩa dầu lạc nhỏ men trắng; các loại bình vôi còn khá nguyên vẹn với tiêu bản đẹp, phần quai tạo hình tua cau; những chiếc bình đựng bã trầu (người ta gọi là ống nhổ) bằng gốm men và một số dao bổ cau làm bằng nanh, vuốt thú hay bằng gỗ quý. Xung quanh một số chuôi dao còn được bọc kim loại mầu vàng và bên trên chạm khắc hoa văn rất đẹp.

Nhóm di vật này có niên đại vào khoảng thời Trần và thời Lê là những bằng chứng cho thấy trong Hoàng cung xưa, tục ăn trầu cũng rất phổ biến.

Sách xưa có ghi “ăn trầu làm thơm miệng, hạ khí, tiêu cơm". Ăn trầu chỉ là một thứ nhai chơi, không để no, nhưng người Hà Nội lại rất cầu kỳ từ việc lựa chọn chỗ mua trầu, cau, đến cách ăn.

Đĩa trầu cau trong đám cưới tại xã Phù Lưu Tế - huyện Mỹ Đức

Đĩa trầu cau trong đám cưới tại xã Phù Lưu Tế - huyện Mỹ Đức

Chợ Quán, chợ Cầu là các chợ lẻ bên đường các phố cổ xưa ở Thăng Long-Hà Nội. Nam phố là tên cũ của phố Hàng Bè bây giờ, nơi xưa bán rất nhiều cau tươi, cau khô. Chợ Dinh gần dinh quan phủ Phụng Thiên (quãng phố Phủ Doãn và Ngõ Huyện bây giờ).

Cau ngon phải là cau bánh tẻ, không già, không non, vừa tới hạt. Người sành ăn thường kén mua cau Đông ở tỉnh Hải Hưng (cũ). Mua trầu phải chọn lá hơi ánh vàng, nhỏ, dày, tươi. Ngày trước có trầu không Làng Chả ngon nổi tiếng vì lá nhỏ, vừa thơm, vừa cay. Vôi tôi thì phải chọn vôi xứ Đoài, Sơn Tây.

Bộ đồ ăn trầu của người Hà Nội gồm có cơi đựng trầu bằng đồng hoặc quả trầu khảm xà cừ, ống vôi chạm bạc, ống nhổ bằng đồng thau đựng bã trầu.

Người Hà Nội xưa biết ăn trầu từ khi 13 tuổi và ăn trầu cũng rất duyên. Họ ăn trầu không những làm đỏ môi, bóng răng mà còn tạo nét môi cắn chỉ rất đẹp. Người ta không bỏ cả cau, trầu và vỏ vào cùng một lúc mà ăn từng thứ một.

Ăn trầu đúng cách phải đủ bốn vị ngọt-đắng-cay-nồng, hòa quyện của bốn thứ cau, trầu, vôi, vỏ. Cau được bổ thành từng miếng nhỏ đều tăm tắp, nhai dập cau rồi mới cho trầu, sau cùng là vỏ cau được quết chút vôi trắng ngà vị nồng mà thanh…

Tại huyện Mỹ Đức, người dân vẫn lưu giữ hình ảnh ăn trầu tại các đám hiếu, đám hỷ, tại các lễ hội và tại các cuộc vui hỷ sự của gia đình, dòng họ và gắn liền với một nét giao tiếp đặc sắc của người Việt. Khi các sự kiện này diễn ra, trên bàn uống nước thường có một đĩa trầu để mời khách khi khách đến chia sẻ niềm vui cũng như nỗi buồn.

Ngoài ra, trầu và cau còn là một lễ vật mà người Việt dâng lên trong các dịp lễ tuần rằm, mông một và các dịp lễ Thần, lễ Phật. Quả cau và lá trầu đã mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Người dân lễ cau trầu là để dâng lên các ông công, thổ thần, ông bà tổ tiên cầu phúc, cầu may cho gia đình luôn thuận hòa đoàn kết, gắn bó yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Chính vì vậy mà dù ngày nay người ăn cau ít hơn nhưng cây cau và giàn trầu vẫn có giá trị lớn đối với người Việt Nam.

H.D

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/net-dep-van-hoa-an-trau-cua-nguoi-ha-noi-83317.html