Nét đẹp từ chiếc khăn người Chăm

Là một phụ kiện không thể thiếu, chiếc khăn đội đầu không chỉ là trang phục truyền thống, không thể thiếu mỗi khi ra khỏi nhà trong ngày thường, nhất là những sự kiện trọng đại… mà nó còn là thứ trang sức làm tôn vinh vẻ đẹp quý phái, đầy chất huyền bí của người phụ nữ Chăm.

Chiếc khăn trùm đầu

Khăn đội đầu (khănh mờ ôm) được thiết kế theo hình chữ nhật. Trước đây, khăn được làm chủ yếu bằng vải mỏng, màu trắng, vài năm gần đây được cách điệu với nhiều vật liệu, như tơ lụa, sợi tổng hợp… Nhưng dù làm bằng chất liệu nào thì nhất thiết khănh mờ ôm cũng đều được chăm chút từ màu sắc, đường kim, mũi chỉ, cho đến hoa văn, họa tiết…

Thông thường, khănh mờ ôm được thêu viền quanh bằng họa tiết “hoa dây leo” với bố cục hợp lý, hài hòa giữa màu sắc và đường nét, nhưng theo đà tiến bộ của khoa học và nhu cầu làm đẹp ngày một cao, khănh mờ ôm cũng biến tấu dưới nhiều hình thức và nội dung mới và trở thành tác phẩm nghệ thuật trọn vẹn.

Vì thế, đối với phụ nữ Chăm Nam bộ, khănh mờ ôm không chỉ là trang phục truyền thống, không thể thiếu mỗi khi ra khỏi nhà trong ngày thường, nhất là những sự kiện trọng đại… mà nó còn là thứ trang sức làm tôn vinh vẻ đẹp quý phái, đầy chất huyền bí của người phụ nữ Chăm. Hơn thế nữa, nó còn mang ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng.

Theo Kinh Koran, người phụ nữ Muslim (tên gọi chung những người theo đạo Islam), thì đây là trang sức của danh dự, của phẩm giá, của sự trinh bạch, của lòng thanh khiết và tính nguyên vẹn. Bởi điều này không chỉ hạn chế ở việc phơi bày một phần của duyên dáng, quan trọng trong cơ thể (cái răng, cái tóc là góc con người) mà còn nhằm tự chế những hành vi, cử chỉ có thể khêu gợi sự đam mê, hấp dẫn người lạ, còn giúp người phụ nữ Chăm đứng vững khỏi nguy cơ sa ngã…

Nói cách khác, đây là trang sức bảo vệ toàn vẹn đạo hạnh và cá tính của người phụ nữ Chăm Islam. Thực tế cho thấy, đa số phụ nữ Chăm Islam đều đẹp, cái đẹp hài hòa giữa nước da bánh mật mịn màng với các bộ phận khác, nhất là đôi mắt long lanh, đen lay láy và mái tóc dài óng mượt như kho tàng vô cùng, vô tận sẵn sàng làm lay động mọi ánh nhìn bên ngoài khám phá… nhất là khi chiếc khănh mờ ôm luôn lững lờ buông phủ.

Tuy có hình thức trông giống nhau, nhưng cách thức choàng khănh mờ ôm giữa người Chăm ở khu vực Nam Bộ và Chăm ở khu vực Trung Bộ…. có sự khác biệt. Người Chăm ở khu vực Trung Bộ choàng khăn từ sau ra trước rồi vắt chéo hai đầu khăn. Một đầu vấn vào thái dương bên trái, đầu kia thả múi khăn xuống thái dương bên phải.

Hoặc quàng khăn từ trước đầu ra sau, hai đầu khăn hất lên đỉnh đầu và hai múi khăn được vắt ngược ra phía sau… Trong khi đó, phụ nữ Chăm Islam ở khu vực Nam Bộ chỉ nhẹ nhàng choàng chiếc khăn lên đầu…

Sự khác biệt này cũng là câu chuyện thú vị, xin hẹn lại dịp khác. Xuân này có dịp về An Giang, xin hãy đến làng Chăm bên sông Hậu hiền hòa, thưởng thức những món ăn đặc sản, viếng Thánh đường với mái vòm cong cong hình trăng khuyết, mỗi ngày vang vọng 5 khúc kinh cầu… rồi ngắm cô gái Chăm e ấp, thẹn thùng với chiếc khănh mờ ôm ngồi dệt lụa bên nhà sàn truyền thống.

Tin rằng khi trở về, hình ảnh những gương mặt rạng ngời, mái tóc bồng bềnh như lượn sóng dưới lớp khănh mờ ôm lững lờ, thổn thức mãi trong hồn xuân với tất cả vẻ đẹp của sự chân-thiện-mỹ…

Người phụ nữ Chăm với chiếc khăn đội đầu truyền thống. (Ảnh tư liệu)

Gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc

Đến làng Chăm Đa Phước ở xã Đa Phước (An Phú, An Giang) vào buổi sáng sớm hay chiều mát bắt gặp nhiều người ở ven hai bên đường buôn bán, sinh hoạt… đặc biệt là phụ nữ Chăm, mỗi người mỗi vẻ với trang phục đầy màu sắc và chiếc khăn che kín phần tóc, cổ, chỉ để lộ những khuôn mặt trắng ngần, đôi mắt to tròn, nụ cười e ấp luôn nở trên môi.

Chị Sa Ly hah ở xã làng Chăm Đa Phước, quấn khăn che kín đầu đẩy xe bánh mì đi bán quanh xóm. Chị cho biết, đó là phong tục, không chỉ phụ nữ mà ngay cả có chồng vẫn phải đội mũ che tóc, quàng khăn vì nếu để người đàn ông khác nhìn thấy, coi như mang tội với chồng.

Còn chị Ây Sah cho biết thêm, chiếc khăn choàng không cảm thấy khó chịu mà ngược lại mang vẻ đẹp riêng của dân tộc mình, hơn nữa còn giúp tránh được nắng nóng. TS Phú Văn Hẳn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, người Chăm theo chế độ mẫu hệ nên phụ nữ Chăm là trung tâm lưu giữ nét văn hóa đặc sắc, trong đó có áo dài Chăm truyền thống với chiếc khăn choàng.

Với phụ nữ Chăm, chiếc khăn giúp che trọn mái tóc dài đen óng, tạo nên vẻ kín đáo cho phụ nữ Chăm mộc mạc, duyên dáng. “Phụ nữ Chăm khi đi ra đường càng kín đáo thì càng được người khác quý trọng. Hơn nữa, danh dự người phụ nữ phụ thuộc vào phẩm giá, tiết hạnh của mình. Vì thế, phụ nữ phải ăn mặc hết sức kín đáo nơi công cộng. Còn nếu người phụ nữ không có khăn che mặt, tóc bị coi là có tội”, TS Hẳn nói.

Danh dự người phụ nữ Chăm An Giang phụ thuộc vào phẩm giá, tiết hạnh của mình, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của gia đình và dòng họ. Do vậy, để được đàn ông coi trọng và bảo vệ thì người phụ nữ không được để mọi người thấy mặt nơi công cộng. Bên cạnh đó, theo kinh Koran, phụ nữ phải ăn mặc hết sức kín đáo nơi công cộng.

Những người phụ nữ không có khăn che mặt, che tóc đều bị coi là có tội. Người phụ nữ càng kín đáo thì càng được tôn trọng. Hàng chục năm theo nghề truyền thống dệt thổ cẩm và bán các sản phẩm thổ cẩm Châu Giang, chị Mariyah ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang chia sẻ: Trước đây, theo truyền thống phụ nữ Chăm mỗi khi ra đường phải che phủ kín cả mặt. Phụ nữ có gia đình, phụ nữ lớn tuổi hay sử dụng những chiếc khăn có gam màu tối, còn những cô gái trẻ thì dùng những gam màu sáng, sặc sỡ. Hơn chục năm nay, phụ nữ phải đi học, làm việc, cần sự gọn gàng, trong di chuyển, giao thương nên tiến bộ hơn, chỉ cần đội nón, choàng khăn... che đi mái tóc của mình là được, không nhất thiết phải trùm kín hết. Màu sắc có thể tùy chọn, quan trọng gọn gàng, kín đáo là được.

Ông Đoàn Bình Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú cho biết, người Chăm sống hòa thuận với cộng đồng người Kinh, Hoa, Khmer. Họ sinh hoạt, học tập để phát triển kinh tế nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Hiện nay, phụ nữ còn phải lo kinh tế, cần sự gọn gàng trong giao tiếp nên tiến bộ hơn, chỉ cần đội nón, choàng khăn… che đi mái tóc của mình là được, không nhất thiết phải trùm kín hết. Nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL ông Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, văn hóa dân tộc Chăm là bộ phận không thể tách rời của nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Chăm luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm bảo tồn và phát huy. Các lễ hội đặc sắc gắn liền với đời sống tâm linh, tín ngưỡng, lao động sản xuất được duy trì và phát huy trong cộng đồng, trở thành nét đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc Chăm.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/net-dep-tu-chiec-khan-nguoi-cham-130078.html