Nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong bài thơ Thuyền Giấy của Trần Ngọc Hòa

Thuyền Giấy là tên gọi bao hàm nhiều ý nghĩa hàm ngôn nhằm lôi cuốn người đọc đọc tiếp tục nội dung bài thơ xem bài thơ nói về vấn đề gì? Truyền tải những thông điệp nhân văn nào? Vì thế, Thuyền Giấy không đơn giản chỉ là Thuyền Giấy, mà đó còn là tình yêu son sắt, thủy chung của người vợ đối với người chồng - chiến sĩ - liệt sĩ.

Nữ thi sĩ Trần Ngọc Hòa bên Hòn Phụ Tử

Chiến tranh đã lùi xa 43 năm và những di chứng của nó để lại là vô cùng to lớn đối với mỗi người dân Việt Nam. Những kí ức của cuộc chiến cứ âm ỉ cháy trong lòng họ chẳng thể nào quên khi mà những người thân yêu nhất của mình đã hy sinh vì dân, vì nước, đã dâng hiến thanh xuân, tuổi trẻ của mình vì độc lập tự do của dân tộc.

Chiến tranh là mất mát, là đau thương nhưng cũng rất vinh quang, tự hào và kiêu hãnh. Và người chịu nỗ đau thương, mất mát nhiều nhất là những người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Hình tượng người phụ nữ Việt Nam bất khuất, trung hậu, đảm đang, chịu thương chịu khó, chấp nhận hy sinh niềm hạnh phúc riêng tư của mình để người thân yêu của mình yên lòng ra mặt trận, dưới góc nhìn của mình, mỗi nhà văn đã phản ánh một cách trung thực hình tượng ấy trong tác phẩm của mình. Người phụ nữ trong “Thuyền Giấy” của tác giả Trần Ngọc Hòa đã nói lên điều đó.

Chị giấu buồn trên trăng

Ngày anh đi không về rằm giêng trăng khóc

Góc bếp, chái nhà, búi tóc

Chỗ nào chị cũng giúi buồn

Bất cứ người phụ nào, khi đã có người yêu, người chồng, họ luôn mong muốn người mà mình yêu thương luôn ở bên, gần gũi, yêu thương chăm sóc, không muốn phải sống trong cảnh “ Ngưu Lang – Chức Nữ”. Chiến tranh đã bắt buộc người yêu, người chồng của chị phải ra đi “vì nghĩa lớn”, hoàn thành trách nhiệm công dân của mình đối với tổ quốc thân yêu. Chị giấu “buồn” trên “trăng” khi “Ngày anh đi không về rằm giêng trăng khóc”. Tại sao chị lại buồn nhỉ? Anh phản bội chị à? Tại sao chị lại giấu nỗi buồn của mình trên trăng mà không phải là các đồ dùng khác, như áo, chiếc mũ, tấm chăn, chiếc gối, cái gường hạnh phúc… mà người yêu, người chồng hằng sử dụng? Chị không giấu “buồn” vào các đồ vật khác mà giấu vào trăng bởi trăng là người bạn thân thiết của chị. Trăng mảnh mai, thanh nhã, hiền dịu, gần gũi thân thiết với mọi người, nhất là đối với phụ nữ, chẳng hạn, trong truyện Kiều của Nguyễn Du “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”, hay “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường”…

Anh không về, chị buồn, đau xót lắm. Nỗi đau chảy ngược về tim. Trăng đau với nỗi đau của chị “rằm riêng trăng khóc”. Trăng khóc và chị cũng khóc theo trăng. Trăng và chị là một, cùng chung một cảm xúc xót xa đau đớn khi người thân yêu của minh đã ra đi mãi mãi không về. Trong một năm, trăng rằm tháng giêng là đẹp nhất, lung linh nhất, vui nhất, ấm áp nhất bởi đó là mùa xuân, mùa của sự sinh sôi nảy nở, mùa của bao ấm no, hạnh phúc và đoàn tụ gia đình. Nhưng chị đã không có được cái hạnh phúc đơn sơ và bình dị ấy. Trăng khóc – một hình ảnh nhân hóa độc đáo. Chị là trăng, trăng là chị, tuy hai là một, tuy một mà hai. Chị khóc xót thương cho phận mình.

Ở trong ngôi nhà hạnh phúc luôn ăm ắp hình ảnh của anh. Mỗi lần nhìn vào là chị lại như thấy anh ở đó, thật gần gũi, thân thương. Không chỉ giấu buồn trên trăng hay trăng không thể chứa hết nỗi buồn của chị? Vì thế, từng sự vật thân quen, gần gũi của ngôi nhà như góc bếp, chái nhà, búi tóc, chị đều giúi nỗi buồn vào đó, mỗi chỗ một ít, mỗi chỗ một chút sẻ chia nỗi nhớ, để cho khuây khỏa, dịu bớt nỗi nhớ mong. Từ “giúi” được sử dụng khá độc đáo. Thông thường, chúng ta thường hiểu “giúi” - một động từ chỉ hành động, theo nghĩa giấm giúi với nghĩa là lén cho người khác quà hoặc vật gì đó mà không muốn người thân biết, tránh so bì tị nạnh nhau. Thế nhưng “giúi” ở đây lại không mang ý nghĩa đó mà nó mang ý nghĩa “cất vào”, “để vào”, đưa vào”…các sự vật nỗi buồn của chị, hay phải chăng là cách viết chệch từ “giấu” thành “giúi” của tác giả (Chỗ nào chị cũng giấu buồn). Theo thiển nghĩ, có lẽ không phải vậy. Tác giả không nhầm lẫn đâu, bởi từ “giúi” mới khắc họa sâu sắc nỗi buồn đau đáu của nhân vật người chị.

Thông thường, người phụ nữ Việt Nam thường để tóc dài, hoặc tết bím sau lưng, ít khi búi tóc lắm, họ chỉ búi tóc khi làm việc cho đỡ bị vướng víu mà thôi, xong việc là lại thả tóc xuống. Và, tôi thật sự ấn tượng khi tác giả sử dụng từ “búi tóc”. Tại sao tác giả không sử dụng từ mái tóc, suối tóc, đuôi tóc, lọn tóc, bím tóc, suối mây, mái đầu… mà lại dùng từ “búi tóc” ? Tìm hiểu thì được biết, theo Phong tục cổ truyền các dân tộc Thái, Tày, Nùng, búi tóc cao trên đỉnh đầu hay còn gọi tằng cẩu, là một luật tục đặc trưng trong hôn nhân của người Thái đen. Búi tóc của phụ nữ Thái báo hiệu người đó đã và đang có chồng. Búi tóc chỉ được xõa xuống khi chồng mất hoặc người phụ nữ bỏ chồng, không làm vợ của ai nữa. Người nào đang có chồng mà tự ý xõa tóc sẽ bị cả cộng đồng lên án là hư hỏng. Tục búi tóc thể hiện sự thủy chung của người phụ nữ, mặt khác là cách tôn trọng chồng và gia đình nhà chồng. Trong ngày cưới, lễ búi tóc cho cô dâu được tổ chức rất trang trọng. Vậy đấy, mặc dù anh không còn nữa, chị không xõa tóc xuống mà vẫn búi cao đã thể hiện tình yêu chung thủy, sắt son của chị đối với anh mãi trường tồn với thời gian.

Chị không chỉ giấu nỗi buồn trên “trăng” mà chị còn giấu “nhớ” nữa. Chị giấu “nhớ” vào đâu? Chị giấu nỗi nhớ của mình “trong vạt chiều buông”, một nỗi nhớ da diết, thủy chung của người chinh phụ nhớ kẻ chinh phu. Thiếu bờ vai người trụ cột trong gia đình, một mình chị phải bươn trải mưu sinh sớm tối với xóm núi vắng vẻ quạnh hiu, thưa thớt nóc nhà, thưa thớt tiếng cười; tiếng lưới rơi lạc lõng, trống trải cô liêu nơi sông nước kiếm tìm con tôm, con tép; con đê cặm cụi, miệt mài vất vả một nắng hai sương cõng khổ đến lưng còng. Con đê cõng khổ đến lưng còng, một hình ảnh nhân hóa độc đáo gợi lên sự vất vả, chịu thương, chịu khó của người phụ nữ trong cuộc sống thường nhật. Từ “vạt” vốn dĩ có nghĩa là thân áo (vạt trước, áo tứ thân có bốn vạt), là đẽo xiên (vạt nhọn đoạn tre), vậy từ “vạt” trong “vạt chiều buông” ở đây có nghĩa là gì? Vạt chiều buông có thể hiểu là khoảnh ánh nắng nhỏ bé của một buổi chiều muộn. Buổi chiều là khoảng không gian cô quạnh, gợi niềm khắc khoải, cô liêu, trống vắng, nhỏ bé của người phụ nữ trước sự tĩnh mịch của buổi chiều tà. Buổi chiều, là khoảng không gian của sự đoàn tụ gia đình với khói lam chiều bên bếp lửa nồng đượm, tiếng trẻ rộn rã nói cười trước sân đợi giờ ăn cơm, là nơi góc sân chồng gội tóc cho vợ…Những kỉ niệm ấy đối với chị bây giờ chỉ còn là nỗi nhớ, là kỉ niệm thiêng liêng khó có thể phai mờ trong kí ức và nỗi nhớ ấy càng nặng “nỗi đau tím lòng hoa muống biển” trong lòng chị.

Chị đâu chỉ có giấu “buồn”, giấu “nhớ” mà chị còn giấu “nước mắt” vào mưa.

Chị giấu nước mắt vào mưa, sụt sùi bong bóng

phập phồng

Mà trời giêng….đâu mưa nhiều cho chị giấu

Gió mồ côi khứ hồi đeo bờ giậu

Để nhớ nhung nườm nượp cõng nhau về

Phải chăng chị muốn giấu nước mắt vào mưa để mong mưa chia sẻ nỗi nhớ nhung, buồn tủi, cô đơn, để mưa cuốn trôi đi những những ưu phiền trong lòng chị. Nhưng mưa chỉ “sụt sùi bong bóng phập phồng” mỏng manh, dễ vỡ và “trời giêng đâu mưa nhiều cho chị giấu” bởi tháng giêng là tháng mùa xuân, tiết trời ấm áp, chỉ có mưa phùn ít ỏi bay bay trong làn sương khói mỏng tang, như thế làm sao chị có thể giấu được nước mắt, giấu được nỗi buồn, giấu được nỗi nhớ, để rồi “gió mồ côi khứ hồi” đưa “đưa nhớ nhung nườm nượp cõng nhau về” với chị. Bao nhiêu kỉ niệm đằm thắm của một thời có nhau giữa anh và chị cứ lũ lượt ùa về, từng thước phim kỉ niệm sống dậy trong kí ức tưởng chừng như đã ngủ quên của chị.

Có thể nói, ở ba khổ thơ đầu khắc họa tâm trạng của người phụ nữ với ba cung bậc cảm xúc đó là “buồn”, “nhớ”, “nước mắt” , trong đó, nước mắt là đỉnh điểm của cảm xúc nhớ nhung của chị về người chồng thân yêu. Chị đã kìm nén lắm, đã cố gắng để cảm xúc của mình không bật ra ngoài, nhưng cuối cùng, nỗi buồn, nỗi nhớ cứ hòa vào nước mắt tuôn rơi đưa chị trở về những nỗi nhớ nhung da diết. Ba cung bậc cảm xúc với ba khoảng không gian, thời gian khác nhau với đêm trăng, chiều buông và sụt sùi bong bóng phập phồng. Ba khoảng không gian, thời gian ấy chỉ mang tính phiếm chỉ, tượng trưng cho nỗi nhớ người chồng của chị là không có giới hạn về không gian, thời gian, ngược lại, nó luôn thường trực trường tồn và vĩnh cửu trong trái tim của chị.

Chính vì thế mà, trong đêm trăng rằm tháng giêng ở xứ xở Hồ Đông thơ mộng, khi mà:

Trăng rằm giêng đậu bến Lư Khê

Núi đòi thơ

Biển đòi thơ

Thuyền thơ gương buồm lướt sóng

Uyên ương thả hồn lên trăng mộng

Hoa đăng sóng sánh mắt Hồ Đông

Một đêm trăng đẹp, huyền ảo, thơ mộng thu hút tao nhân mặc khách đến thưởng ngoạn đề thơ ca ngợi cảnh đẹp nơi đây, chị cũng đến dự hòa cùng niềm vui chung của những đôi nguyên ương trên Hồ Đông thơ mộng. Ngoài niềm vui chung ấy, chị còn có nỗi niềm riêng muốn gửi gắm vào thiên nhiên, sông núi, đó là gửi gắm nỗi nhớ thương người chồng lên con Thuyền Giấy.

Thực ra, khổ thơ thứ tư này có thể lược bỏ cũng được mà không ảnh hưởng đến mạch thơ của ba khổ thơ đầu với khổ năm và khổ sáu. Nhưng tác giả vẫn viết khổ thơ thứ tư này, vì thế, ta xem như đó là khổ thơ chuyển tiếp, cầu nối giữa ba khổ thơ đầu với hai khổ thơ cuối, và cũng là để giới thiệu vài chấm phá về nét đẹp của xứ xở Hà Tiên thơ mộng, nhìn cảnh nhớ người, trong đêm Chiêu Anh ấy, chị nhớ anh.

Đêm Chiêu Anh góa phụ nhớ chồng

Chị viết bài thơ lên con thuyền giấy

Bài thơ có anh bộ đội sốt rét rừng run rẩy

Có chiếc võng – đại ngàn ru giấc ngàn thu.

Bốn khổ thơ đầu, ta không thấy bất cứ từ ngữ nào nói về thân phận góa chồng của chị, nhân vật trữ tình, vì thế, người đọc có thể nghĩ rằng, đơn giản chỉ là người yêu nhớ về người yêu, hoặc nếu cho rằng đó là người vợ nhớ chồng nhưng vẫn còn ngờ ngợ, băn khoăn chưa dám khẳng định suy nghĩ của mình là đúng, là chắc chắn. Trong thực tế, có nhiều người phụ nữ cả đời không lấy chồng, son sắt chung thủy với người mà mình yêu thương, dẫu rằng người ấy mãi mãi không trở về. Đọc đến “Đêm Chiêu Anh góa phụ nhớ chồng” bạn đọc vỡ òa cảm xúc khi thấy nhận định, suy nghĩ bước đầu của mình là đúng, đã gây bất ngờ lớn cho người đọc. Hay nói đúng hơn, câu thơ đã được tác giả tài tình chọn đúng “điểm rơi” đã tạo nên bước ngoặt đột phá, tạo tiếng ngân, tiếng rung của cảm xúc nhân vật, của người đọc dài thêm mãi. Người đọc nhận ra chị là người góa phụ nhớ về người chồng – người chiến sĩ giải phóng quân đã hy sinh ở một nơi nào đó trên quê hương, đất mẹ bao dung. Nhớ anh, chị viết về anh trên con thuyền giấy với niềm nhớ nhung sâu sắc, nhờ con thuyền giấy là cầu nối đưa về bên anh cho thỏa nỗi nhớ mong của chị.

Và có thể nói, Trần Ngọc Hòa rất tài tình khi đề cập đến chiến tranh, nhưng đọc thơ chị, ta thấy xuyên suốt bài thơ không thấy xuất hiện bất kì những từ ngữ tả cảnh bom rơi, đạn nổ, pháo bầy… Nhưng chỉ với hai câu thơ dung dị “Bài thơ có anh bộ đội sốt rét rừng run rẩy/ Có chiếc võng – đại ngàn ru giấc ngàn thu” đã lột tả sâu sắc sự khắc nghiệt của chiến tranh đối với mỗi người lính, đối với mỗi người ở hậu phương. Bất cứ người lính nào trên đường ra mặt trận cũng đã từng ít nhất một lần bị cơn sốt rét rừng quật ngã, và nhiều người đã ra đi mãi mãi vì cơn sốt rét rừng quái ác ấy. Hình ảnh ẩn dụ Chiếc võng – đại ngàn ru giấc ngàn thu, đã gieo thông điệp cho người đọc về sự ra đi của người lính không được định danh ở một địa điểm cố định, thân xác, linh hồn anh đã hòa với hồn thiêng sông núi.

Con đường làng ngửa mặt hoài niệm khúc ru

Góa phụ hỏi trăng “người xưa đâu?” trăng trốn

vào mây trăng khóc

Đêm Chiêu Anh có người giúi buồn lên tóc

Gọi thương!

Thủ pháp nhân hóa “Con đường làng ngửa mặt hoài niệm khúc ru” khiến cho người đọc nhiều cảm xúc đau đớn, xót xa về những thiệt thòi mà người phụ nữ phải gánh chịu. Hoài niệm khúc ru gợi về quá khứ khó có thể ngủ quên, phai mờ trong kí ức của mỗi người chị, người mẹ, người em về người thân yêu nhất của mình. Nhớ về người chồng thân yêu của mình, chị hỏi trăng, lần này, trăng trốn vào mây trăng khóc. Ở khổ thơ đầu, trăng cũng khóc, nhưng khóc một cách thoải mái, tự nhiên, lần này lại khác, trăng trốn vào mây để khóc. Cũng là một hành động “khóc” của trăng-một người bạn tri âm, tri kỉ của chị, nhưng ở khổ thơ đầu và khổ thơ cuối đã thể hiện cảm xúc, trạng thái tình cảm khác nhau. Nếu như “trăng khóc” ở khổ thơ đầu thể hiện trạng thái cảm xúc tự nhiên, bình thường, thì ở khổ thơ cuối với hành động “trốn vào mây trăng khóc” đã nâng mức độ trạng thái cảm xúc của trăng lên rất nhiều lần. Nghe chị hỏi, trăng không thể nào trả lời được câu hỏi của chị và nếu có trả lời được thì sẽ phải trả lời thế nào đây? Mọi câu trả lời đều là không thể. Vì thế, không dám đối diện trước sự đau đớn, mất mát của chị, và đồng thời để giấu đi nỗi đau đớn của mình, trăng trốn vào mây giấu niềm tâm sự. Trăng chẳng thể trả lời câu hỏi của chị. Đêm trăng Chiêu Anh ấy, chị lại giúi nỗi buồn của mình lên tóc, một hành động rất đỗi quen thuộc của chị hàng ngày.

Câu thơ vắt dòng, ngắt quãng “Gọi thương!” tạo thành câu thơ đặc biệt gợi sự nhớ nhung da diết đến cồn cào của chị về người chồng thân yêu của mình. Gọi thương gợi cho mỗi người nhiều cung bậc cảm xúc tình cảm lứa đôi, tình chồng nghĩa vợ đằm thắm, keo sơn, gắn bó yêu thương trọn đời trọn kiếp thủy chung, một truyền thống quý báu của dân tộc Việt.

Điều tôi cũng như bạn đọc băn khoăn không hiểu sao tác giả Trần Ngọc Hòa lại đặt tiêu đề cho tác phẩm của mình là Thuyền Giấy mà không phải là một cái tên khác, như: Trăng khóc, Góa phụ hoặc là Chị? Cái tiêu đề Thuyền Giấy thực sự đã khích thích sự tò mò, suy nghĩ của độc giả với những câu hỏi: Tại sao? Thực ra, Thuyền Giấy là tên gọi bao hàm nhiều ý nghĩa hàm ngôn nhằm lôi cuốn người đọc đọc tiếp tục nội dung bài thơ xem bài thơ nói về vấn đề gì? Truyền tải những thông điệp nhân văn nào? Vì thế, Thuyền Giấy không đơn giản chỉ là Thuyền Giấy, mà đó còn là tình yêu son sắt, thủy chung của người vợ đối với người chồng - chiến sĩ - liệt sĩ.

Với những vần thơ dung dị, mộc mạc, thủ pháp nhân hóa độc đáo gợi nhiều cung bậc cảm xúc, cách bố trí, sắp xếp thời gian và không gian nghệ thuật đã khắc họa đậm nét nét đẹp tâm hồn, nỗi đau đớn xót xa, sự mất mát nhưng không bi lụy, sự thủy chung của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh vệ quốc. Mỗi vần thơ với những “giấu buồn, “giấu nhớ”, “giấu nước mắt”…cứ nhẹ nhàng len vào tâm hồn người đọc để mọi người hiểu và cảm nét đẹp, tâm hồn của người phụ nữ qua hình tượng người chị, người góa phụ trong bài thơ, tạo nên sự độc đáo, tinh tế riêng trong ngôn ngữ thơ, hình tượng thơ của nữ thi sĩ Trần Ngọc Hòa.

Trương Anh Sáng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/net-dep-tam-hon-cua-nguoi-phu-nu-trong-bai-tho-thuyen-giay-cua-tran-ngoc-hoa-a3089.html