Nét đẹp ở làng cổ Đường Lâm

Làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội hơn 50km. Điểm nhấn đặc sắc ở Đường Lâm là cho đến nay nơi đây vẫn còn giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một làng Việt cổ với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình…

Đường Lâm xưa thuộc đất Kẻ Mía, là một trong những khu vực bán sơn địa, lưng dựa vào núi Tản, mặt hướng về phía sông Hồng. Đây cũng là địa phương thuộc “top” lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa bậc nhất với hơn 50 di tích có giá trị, nhiều di tích được Nhà nước xếp hạng.

Một điểm ít người biết quanh di tích Đình Mông Phụ là, từ đình làng có 6 con đường tỏa đi 6 hướng để đến 9 làng khác nhau, trong đó 5 làng là: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau, còn hai làng tách biệt là Phụ Khang và Văn Miếu. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất.

Đường Lâm cho đến nay vẫn còn giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một làng Việt cổ với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình… Ảnh: Đinh Luyện

Đường Lâm cho đến nay vẫn còn giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một làng Việt cổ với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình… Ảnh: Đinh Luyện

Đến thăm Đường Lâm, Chùa Mía là địa điểm du khách không thể bỏ qua. Chùa còn có tên là Sùng Nghiêm Tự, nằm trên khu đất cao của thôn Đông Sàng. Trong chùa còn bảo lưu hệ thống tượng Phật rất phong phú, đa dạng và vô cùng quý giá, bao gồm 287 pho và nhiều di vật quý. Chùa Mía cùng với đền Phủ, chùa Viễn, bến phà Hà Tân, chợ Mía, cổng làng Đông Sàng, rạch Phủ, là những công trình gắn liền với công lao to lớn của bà Nguyễn Thị Ngọc Dong - một người con của quê hương và là cung phi của Thanh Đô Vương Trịnh Tráng.

Với những nét đặc trưng về kiến trúc, nghệ thuật của một làng Việt cổ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, nhiều người cho rằng làng cổ Đường Lâm chính là một "cổ trấn bị lãng quên", chỉ đứng sau phố cổ Hội An và phố cổ Hà Nội về quy mô cũng như giá trị nghệ thuật. Đặc biệt, đây còn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi duy nhất “một ấp hai vua” - nơi sinh của vua Phùng Hưng và vua Ngô Quyền, gắn liền với những di tích lịch sử, văn hóa Nho học.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/net-dep-o-lang-co-duong-lam-99314.html