Nét đẹp làng quê Gia Lộc

Không chỉ là vùng đất có bề dày lịch sử, huyện Gia Lộc (Hải Dương) còn là địa phương tiêu biểu trong phát triển kinh tế gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Đội văn nghệ quần chúng của huyện Gia Lộc, Hải Dương.

Đội văn nghệ quần chúng của huyện Gia Lộc, Hải Dương.

Không chỉ là vùng đất có bề dày lịch sử, huyện Gia Lộc (Hải Dương) còn là địa phương tiêu biểu trong phát triển kinh tế gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Ở đây sớm hình thành các phong trào như văn nghệ quần chúng, xây dựng làng, khu dân cư, gia đình văn hóa… Sự quan tâm, đầu tư, chung tay của các cấp chính quyền và nhân dân đã tạo nên một môi trường phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đậm đà bản sắc.

Đồng thuận, chung tay vì văn hóa

Một nhà nghiên cứu văn hóa khi về Gia Lộc, nhận xét: “Nơi đây đặc trưng cho văn hóa vùng thôn quê đồng bằng Bắc Bộ nói chung và văn hóa xứ Đông nói riêng với hệ thống di tích, kiến trúc cổ qua các thời kỳ cùng những lễ hội và không ít các loại hình diễn xướng dân gian cổ mang đậm bản sắc dân tộc, từ chèo, tuồng cho đến múa rối nước”. Không những vậy, nếu về Gia Lộc hôm nay, có thể thấy bên cạnh giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ là những nét đẹp văn hóa được hình thành từ phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc Lê Văn Tuấn cho biết: “Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong huyện đều nhận thức rõ muốn xây dựng nông thôn mới thành công, phát triển bền vững, phải có được sự đồng thuận trong nhận thức cũng như hành động, từ ý thức cho đến sự tự giác của các tầng lớp nhân dân. Hay nói cách khác là tạo dựng được môi trường và nếp sống văn hóa lành mạnh trong cộng đồng”.

Cũng từ nhận thức nêu trên, các cấp ủy, chính quyền từ xã đến huyện Gia Lộc đều xác định việc xây dựng nông thôn mới chính là sự kế thừa, mở rộng và nâng cao về chất lượng các phong trào xây dựng nông thôn trước đây, trong đó có phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Huyện ủy và UBND huyện Gia Lộc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xây dựng văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Theo đồng chí Lê Văn Tuấn: “Câu chuyện ở đây không chỉ là tạo dựng cơ sở hạ tầng, nhân rộng các mô hình, nâng cao thu nhập mà còn phải biết lưu giữ, kiên trì bồi bổ, khơi dậy và phát huy bản sắc, nét đẹp văn hóa truyền thống ở mỗi người, mỗi gia đình, làng xóm trong công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp”.

Một tích trò biểu diễn của phường rối nước Bùi Thượng, xã Lê Lợi, Hải Dương

Tinh thần đoàn kết, gắn bó vốn là nét đẹp truyền thống của các làng, xã ở Gia Lộc, nay được phát huy lên tầm cao hơn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới khi mọi người, mọi nhà đều đồng lòng, góp sức, góp công cải tạo cơ sở hạ tầng, đường đi lối lại sạch sẽ, khang trang, tổ chức các hoạt động mang tính cộng đồng, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của quê hương.

Bí thư Đảng ủy xã Gia Tân Nguyễn Thị Hiền hồ hởi giới thiệu về việc xã đã hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới với sự chung tay, đóng góp của toàn dân với phương thức xã hội hóa, thực hiện Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đến nay, cơ sở hạ tầng giao thông và nhiều công trình phúc lợi đã được xây dựng, hệ thống điện công cộng thắp sáng khắp nơi, các thôn đều có nhà văn hóa, vườn hoa, sân vui chơi, tập luyện thể thao cho mọi lứa tuổi. Tình làng, nghĩa xóm chan hòa, không xảy ra các vụ việc mâu thuẫn, an ninh, trật tự được bảo đảm. Hiện tại, cả ba thôn của xã đều được công nhận là làng văn hóa.

Để có được không gian kiến trúc của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ với không gian yên bình của đình, đền, chùa và các hồ nước, bóng cây cổ thụ bên cạnh các công trình văn hóa mới là nhờ ở phần lớn ý thức trân trọng, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng. Việc bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa phi vật thể nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống, xây dựng lối sống cao đẹp cho các thế hệ. Trong đó nổi bật là nghệ thuật hát chèo với đội chèo từng đoạt nhiều giải thưởng cao ở các kỳ liên hoan, hội diễn của tỉnh, khu vực và toàn quốc.

Tại xã Gia Tân, những làn điệu xưa cũ vẫn lôi cuốn được khá đông thanh niên, thiếu niên đến với chiếu chèo đình làng. Nghệ thuật chèo vẫn tràn đầy sức sống chốn thôn quê, chỉ có điều cần biết vun đắp, khơi dậy tình yêu ấy trong giới trẻ và sự nhiệt huyết, say mê trao truyền của các nghệ nhân. Chị Vũ Thị Mai, một người dân ở thôn An Tân cho biết: “Những năm gần đây, đời sống kinh tế của các hộ gia đình trong xã đều khấm khá hơn, nhưng quan trọng là nếp sống mộc mạc, chân thành cùng những giá trị văn hóa tốt đẹp và nghệ thuật truyền thống của ông cha vẫn luôn được gìn giữ”.

Gia Tân chỉ là một trong nhiều làng quê của huyện Gia Lộc lưu giữ được các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian. Có thể kể ra ở đây những tên tuổi đã trở thành thương hiệu được nhiều người biết tới như làng tuồng Đồng Đội của xã Thống Kênh hay làng rối Bùi Thượng, xã Lê Lợi, làng hát đối ở xã Gia Xuyên, hát văn ở xã Thống Nhất... Để có thể bảo vệ, trao truyền được nghề, bên cạnh sự giúp đỡ, ủng hộ của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương, không thể thiếu niềm say mê và tình yêu tha thiết của những nghệ nhân và các nghệ sĩ “chân đất”.

Khi chúng tôi về làng Đồng Đội, nhắc tới câu lạc bộ tuồng cổ, từ người dân đến trẻ nhỏ đều thể hiện sự trân trọng với các nghệ sĩ, diễn viên làng. Rất nhiều thiếu niên, thanh niên làng Đồng Đội có thể đi vài động tác vũ đạo hoặc một vài câu hát của các nhân vật trong những tích tuồng cổ. Câu lạc bộ hát tuồng cổ của làng Đồng Đội hiện có hơn 20 thành viên từ 46 đến gần 90 tuổi, thường xuyên sinh hoạt, tập luyện hằng tuần ở đình làng. Vào các dịp lễ lớn, bên cạnh việc biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương, đội tuồng Đồng Đội thường xuyên được mời đi biểu diễn tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Ở một phường nghề nổi tiếng khác là rối nước làng Bùi Thượng, các nghệ nhân đều xuất thân là nông dân, gắn bó với nghề rối từ niềm đam mê. Rối nước trở thành một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc không thể thiếu của làng quê Gia Lộc trong các ngày lễ, Tết. Hiện tại, huyện Gia Lộc có tới 95 làng giữ được các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, trong đó có 22 đội nghệ thuật chèo, hai đội tuồng cấp xã và nhiều đội văn nghệ các loại hình truyền thống khác. Số lượng di sản văn hóa phi vật thể được lưu giữ trong cộng đồng dân cư khá nhiều, trong đó có 74 làng có lễ hội truyền thống; 42 làng có nghề thủ công truyền thống. Đó là kho tàng văn hóa nghệ thuật quý giá, góp phần hình thành nét tính cách của người Gia Lộc yêu lao động, đằm thắm, trữ tình song cũng tràn đầy lạc quan, yêu đời.

Dần hình thành những nét văn hóa mới

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lộc Lê Văn Sáu, huyện hiện có 238 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó đã có 18 di tích xếp hạng quốc gia, 11 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Hơn 20 năm qua, bằng nguồn vốn, ngân sách của Nhà nước và nhân dân đóng góp, tất cả các di tích quốc gia trên địa bàn huyện đã được chống xuống cấp. Nhiều khu di tích danh nhân như đền Quát, đình Phương Điếm, được quy hoạch và tu bổ tôn tạo. Các làng đều có quy ước xây dựng làng văn hóa được kế thừa từ những giá trị tốt đẹp, thuần phong mỹ tục của các hương ước xưa.

Các lễ hội làng ở Gia Lộc đều mang đậm yếu tố lịch sử, phong tục và tín ngưỡng tốt đẹp, cầu mong quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, tôn vinh các bậc tiền nhân, anh hùng dân tộc có công với dân, với nước và thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đây cũng là không gian để bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Tiêu biểu là lễ hội đền Quát tại xã Yết Kiêu có thi cỗ hộp, bơi chải, hát chèo; lễ hội đền Cuối ở thị trấn Gia Lộc có thi cỗ đường, cỗ tam sinh và các trò vui thi bắt vịt, đi cầu kiều, nhất là trò đánh võ gậy hay lễ hội đền Vàng ở xã Gia Xuyên có trò hát đúm, lễ hội đền Đươi ở xã Thống Nhất lôi cuốn với những màn hát văn say đắm...

Theo thời gian và sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền huyện Gia Lộc, nhiều thiết chế văn hóa mới được xây dựng và đi vào hoạt động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân, hình thành nền nếp văn hóa dân cư, lối sống văn minh, hiện đại, hạn chế các hủ tục, tập quán lạc hậu. Hiện nay, hầu hết các thôn ở các xã của Gia Lộc đều có nhà văn hóa - tủ sách - sân thể thao - khu vui thôn đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tạo môi trường, không gian cho các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể dục - thể thao, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Với phương châm xây dựng tiêu chí văn hóa làm trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, phần lớn các thôn, làng và khu dân cư của huyện đạt tiêu chuẩn văn hóa, 90% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Qua phong trào xây dựng đời sống văn hóa, ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cũng như sự gắn bó, tình làng nghĩa xóm, tương thân, tương ái ở từng làng xã, khu dân cư được khơi dậy và vun đắp. Sự nghiệp giáo dục, y tế, dân số gia đình và trẻ em được chăm lo. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Những hủ tục và hoạt động mê tín, dị đoan dần bị xóa bỏ. Nhân dân tích cực thực hiện nếp sống văn hóa mới, tiết kiệm, văn minh trong tổ chức tang ma, cưới hỏi...

Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc Lê Văn Tuấn khẳng định: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tiếp tục quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, tập trung xây dựng môi trường văn hóa làng quê lành mạnh; nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và sớm có giải pháp khắc phục những khó khăn do hạn chế về kinh phí đầu tư cho văn hóa để đưa Gia Lộc tới đích sớm, hoàn thành toàn bộ các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới”.

TRỌNG CHÀM, VĂN ĐỨC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/41791402-net-dep-lang-que-gia-loc.html