Nét đẹp làng Chăm

'Nét đẹp làng Chăm chính là sự sắt son, chung thủy, một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ, cùng cả nước làm cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm An Giang. Ngày nay, đất nước hòa bình, độc lập, từng hộ gia đình người Chăm đã không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống; đẩy mạnh phát triển kinh tế, tương trợ cộng đồng để cùng nhau có cuộc sống ấm no, hạnh phúc…' - Trưởng ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang Haji Jacky chia sẻ.

Tương trợ cộng đồng

Về lại làng Chăm trong tháng Ramadan, điều dễ nhận ra là tinh thần “Tương thân, tương ái”, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau; cùng nhau vượt khó, vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Làng Chăm hôm nay đường sá rộng rãi, nhà cửa khang trang, phương tiện đi lại đa phần là xe gắn máy, có rất nhiều gia đình ở 9 xóm Chăm trong tỉnh đã sắm được xe ôtô, xây nhà bằng bê-tông, cốt thép. Cuộc sống của bà con làng Chăm hôm nay đã được nâng lên đáng kể.

Trong tháng Ramadan hình ảnh tương trợ cộng đồng đã diễn ra hầu hết các xóm Chăm trong tỉnh. Để có nguồn kinh phí thực hiện nghĩa cử này, hàng năm những người làm ăn giàu có trong xóm đã tự nguyện trích 2,5% tổng thu nhập của gia đình để làm công tác xã hội - từ thiện, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong cộng đồng.

“Giáo luật gọi bố thí là Zakat, là điều thứ 4 của Luật Islam (Rukun Islam). Bố thí là 1 trong 5 điều mà giáo luật quy định, việc này vừa mang tinh thần tự nguyện, vừa mang tính bắt buộc đối với tín đồ Islam. Quy định này thể hiện tình yêu thương đồng loại, giúp đỡ lẫn nhau, tinh thần "tương thân, tương ái" - ông Haji Jacky chia sẻ.

Công an tỉnh đến thăm Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang nhân tháng Ramadan

Ông Jacky cho biết thêm, chỉ tính riêng trong tháng Ramadan này, Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang đã vận động được hơn 1,2 tỷ đồng để tặng quà cho hộ nghèo, cận nghèo. Mỗi phần quà bao gồm: tiền mặt, gạo, dầu ăn, nước tương, nước mắm, bột ngọt, trà, cà-phê… Sau thời gian thực hiện tháng Ramadan, các thánh đường, tiểu thánh đường trong tỉnh còn được các nhà tài trợ tặng bò hơi để mổ thịt, làm món ăn ăn mừng tín đồ thực hiện xong nghĩa vụ trong tháng Ramadan.

“Trong những ngày cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tinh thần “Nhường cơm, xẻ áo” đã được thể hiện rất rõ nét ở các xóm Chăm trong tỉnh. Đã có nhiều gia đình tự nguyện không nhận quà hay trợ cấp của nhà nước, mà nhường phần mình lại cho người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn. Đây là cử chỉ đẹp trong đời sống người Chăm hôm nay”- ông Haji Jacky chia sẻ thêm.

Một lòng theo Đảng

“Đại dịch Covid-19 xảy ra, tất cả các xóm Chăm trong tỉnh đều thực hiện nghiêm chỉ đạo cách ly xã hội của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chủ trương này, ngày thứ sáu hàng tuần, tín đồ không tập trung lại thánh đường làm lễ mà tự ở nhà cúng, chúng tôi thực hiện điều này rất nghiêm túc nhằm góp phần cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh Covid-19” - ông Mách Sa Lế (Giáo cả Thánh đường xã Nhơn Hội, An Phú) chia sẻ.

Ông Mách Sa Lế nhớ lại, những năm đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, người Chăm An Giang một lòng đi theo Đảng và Bác Hồ để đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều thế hệ cha anh đã tự nguyện lên đường, đi theo tiếng gọi của Đảng, nhiều người thoát ly gia đình, đi vào vùng giải phóng để cùng các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer làm cuộc cách mạng như ông Sô Lây Mal, nguyên là Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang và nhiều người khác nữa.

Tặng quà cho người nghèo trong mùa dịch bệnh Covid-19

“Trong cuộc sống thường nhật, vào mỗi trưa thứ sáu hàng tuần, người Chăm tập họp đến thánh đường, tiểu thánh đường làm lễ. Khi nghi thức lễ đã xong, chúng tôi thường dành thời gian để nói chuyện, trao đổi với bà con trong xóm về những chủ trương mà nhà nước yêu cầu thực hiện như: không nghe lời xúi giục của kẻ xấu chống phá nhà nước; không mua bán ma túy; đá gà, cờ bạc; trong đại dịch Covid-19 không tập trung đông người, tuân thủ những quy định của Bộ Y tế” - ông Mách Sa Lế cho biết thêm.

Làng Chăm phát triển nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng, truyền thống văn hóa dân tộc, đây là nét đẹp mà đồng bào DTTS Chăm đã làm nên trong cuộc sống hôm nay. “Đồng bào DTTS Chăm An Giang đang ra sức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đẩy mạnh phát triển kinh tế, thi đua làm giàu, từ đó đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng lên, đường nông thôn ở các xóm Chăm đã được nhựa hóa 100%, nhiều cụm, tuyến dân cư được hình thành, giúp bà con có cuộc sống rất ổn định. Có được điều đó, người Chăm luôn biết ơn Đảng và nhà nước…” - ông Haji Jacky nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/net-dep-lang-cham-a272368.html