NÉT ĐẸP CỦA THI ĐUA

Một trong những nét đẹp làm nên phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa là văn hóa thi đua. Trong thi đua có những tấm gương đáng ngưỡng mộ, họ phấn đấu thực tâm để tạo ra giá trị cho xã hội, để xây dựng đất nước.

Cô giáo Trần Thị Thúy (Hưng Yên) là hình mẫu trong đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao hiệu suất làm việc của giáo viên và cải thiện kết quả học tập của học sinh. Trên facebook cá nhân, nhiều người biết cô là đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X nên đã chúc mừng, bày tỏ niềm tự hào, ngưỡng mộ... Người dùng facebook có tên Thu Lưu nhắn nhủ: “Nhìn thấy em mặc áo dài do chị cắt và lại mặc vào dịp đặc biệt, chị thấy trong lòng rất sung sướng, tự hào, lại cảm thấy yêu công việc của mình hơn...”. Yêu và tự hào về công việc của mình, chị Thu Lưu có lẽ sẽ thi đua với chính mình tạo ra nhiều sản phẩm tốt hơn, đẹp hơn. Thi đua yêu nước có nhiều cách lan tỏa thật bất ngờ, tạo cảm hứng để mọi người cùng tự hào về đất nước, yêu công việc mình làm và cố gắng nhiều hơn.

 Ảnh minh họa / qdnd.vn

Ảnh minh họa / qdnd.vn

Năm 2020 này, chúng ta phải gánh chịu những thiệt hại to lớn về thiên tai, dịch bệnh cùng nhiều bất ổn của tình hình thế giới, nhưng cũng chính từ khó khăn lại lấp lánh tình người, những việc tốt, điều thiện, những nỗ lực vượt khó không mệt mỏi... Ở đó chúng ta thấy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, những truyền thống quý báu và văn hóa Việt đã được nhân lên, tạo ra sức mạnh đáng tự hào. Đó chính là cơ sở, nền tảng cho chân giá trị, khẳng định cái tốt vẫn luôn hiện hữu xung quanh chúng ta. Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, trong mỗi chặng đường phát triển của đất nước, Phong trào Thi đua yêu nước như những làn sóng trào dâng, kết tinh sức mạnh, mang theo khí thế lịch sử hào hùng của cha ông và dân tộc ta. Thi đua là động lực thúc đẩy mỗi cá nhân tự làm mới mình, luôn nỗ lực, ngày càng thêm tiến bộ, tự giác vươn lên giành lấy thành quả mới trong lao động, học tập, sản xuất, kinh doanh.

Qua những việc thi đua thực chất, chúng ta cũng thấy rõ hơn, thi đua khác với ganh đua. Đằng sau những thành tích của ganh đua là sự gian lận, thói háo danh. Không ít phong trào thi đua ở một số nơi, một số thời điểm còn mang nặng hình thức. Khi tổ chức thi đua thì phát động hoành tráng, “trống giong cờ mở” nhưng khi thực hiện nội dung lại né tránh khuyết điểm, “tô hồng” thành tích. Nhà báo lão thành Hữu Thọ từng phê phán gay gắt thói ganh đua qua câu chuyện kể về đàn lợn hợp tác xã nọ. Vì là lợn được ghép đàn để lấy thành tích nên chúng cắn nhau. Ông cho rằng, ganh đua không tạo ra giá trị, thậm chí còn làm tụt lùi sự phát triển của đất nước.

Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng đất nước, con người mới. Vì thế, thi đua cũng cần có văn hóa. Thi đua đúng nghĩa không phải là cố để hơn bằng mọi giá, bất chấp thủ đoạn. Điều quan trọng trong thi đua là phải tạo ra sự phát triển cho xã hội, cho đất nước.

Thi đua trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có nhiều lợi thế để cho mỗi cá nhân bứt phá, vượt lên chính mình, nhưng khi mọi người thi đua cùng hướng đến một mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đẹp giàu, đó là ý nghĩa lớn nhất, là nét đẹp văn hóa của thi đua.

TOÀN LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/net-dep-cua-thi-dua-646365