Nét đẹp của cán bộ công chức Hà Nội: Kỳ 2: Đúng mực, linh hoạt trong ứng xử với từng hộ dân

Ứng xử linh hoạt, vận dụng ngôn từ phong phú phù hợp với mọi hoàn cảnh, công việc là việc mà hầu hết các đồng chí cảnh sát khu vực đang thực hiện hàng ngày, hàng giờ...

Đúng mực trong cư xử, linh hoạt trong ngôn ngữ với từng hộ dân

Bao nhiêu năm đi làm, là bấy nhiêu năm Đại úy Nguyễn Tiến Mạnh, CA phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm gắn bó với địa bàn trên cương vị là cảnh sát khu vực. Bản thân những người đang ở vai trò như anh, không chỉ khi bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được triển khai rộng rãi mới tiếp thu và đưa mình vào quy chuẩn, mà với nhiệm vụ được giao, mà ngay từ những ngày đầu bước chân xuống địa bàn, các anh đã tự rèn luyện và ứng dụng linh hoạt lối hành xử cũng như ngôn ngữ đa dạng rồi.

Khác với những cán bộ công chức hàng ngày chỉ tiếp xúc với dân khi dân tìm đến nhiệm sở, những người cảnh sát khu vực như anh Mạnh hàng ngày, hàng giờ công việc của các anh là cuộc sống, suy nghĩ, là nguyện vọng của dân. Có bám sát, có gần dân, có thấu hiểu dân thì công việc của các các cán bộ như anh mới thực sự trôi chảy, hiệu quả.

Gần dân, cũng có khi cùng ăn, cùng ở với dân, câu chuyện tưởng như dễ mà lại vô cùng khó. Anh Mạnh cho biết, trên địa bàn phường Hàng Bài, các hộ dân cư CA phường quản lý đa phần thuộc tầng lớp có tri thức. Để giao tiếp, để gần gũi và hiểu phần đông dân này, cán bộ CA phải hết sức chú ý đến tác phong chuẩn mực, đến giao tiếp tinh tế, nhã nhặn, không quan cách mà gần gũi, tin cậy.

Dễ ở chỗ với lớp tri thức, rất dễ để họ hiểu, họ thông cảm với công việc của mình, nhưng lại khó ở chỗ với những người dân này, họ lại rất nhạy cảm. Đôi khi, chỉ một vài lời nói, hành động không để ý là mang lại những hiệu ứng khó ngờ.

Bên cạnh đó, phường Hàng Bài cũng có không ít những gia đình thuộc tầng lớp lao động chân tay, hoặc những thành phần phức tạp. Với những gia đình, quần chúng ở những lớp này, mỗi người chiến sĩ lại phải có cách tiếp cận, tìm hiểu và thân cận một cách khác. Lúc này, sự tinh tế nhã nhặn chưa hẳn đã là giải pháp, mà theo anh, câu chuyện cởi mở và thân tình lại rất được việc khi tiếp xúc và làm việc với người dân lúc này.

Anh Mạnh ví dụ: “Để người ta cởi mở với mình, chúng tôi phải biết, phải hiểu tâm tính của từng người. Ví dụ với một cô có tính hơi “đồng bóng” thì câu chuyện mở đầu bao giờ cũng phải đánh đúng điều mà cô ấy đang quan tâm. Hoặc với một hộ có ông, bà cao tuổi, câu chuyện bao giờ cũng phải là câu thăm hỏi thân tình về sức khỏe, về những ưu tư các cụ đang vướng mắc…”. Còn với những đối tượng cần đấu tranh, đại từ nhân xưng tôi lại được chúng tôi vận dụng.

Công an phường Hàng Bài trao đổi biện pháp giữ gìn trật tự khu phố. Ảnh tư liệu

Công an phường Hàng Bài trao đổi biện pháp giữ gìn trật tự khu phố. Ảnh tư liệu

Dân hiểu, dân thương là những món quà vô giá

Khác với những cơ quan khác, CQCA là đơn vị hành pháp. Khi đã có thước đo luật pháp, nhiệm vụ đôi khi có bị dân ghét, dân không yêu cũng là chuyện khó tránh khỏi. Nhưng làm thế nào để giảm thiểu những điều đáng tiếc ấy xảy ra lại phụ thuộc rất nhiều vào câu chuyện ứng xử, biết sử dụng ngôn từ phù hợp từng hoàn cảnh, thậm chí cả sự thấu hiểu và nhân văn để xử lý công việc.

Anh Mạnh chia sẻ, vốn địa bàn thuộc một trong những con phố cổ, gần trung tâm, thế nên công việc cũng có những đặc thù riêng. Ai cũng biết, Hà Nội vốn là đất kẻ chợ xưa kia và đến nay, những phố cổ với những danh xưng phố Hàng… đã đại diện cho công việc của người Hà Nội cũ. Họ sống chủ yếu là buôn bán, không xa đây lắm, cái vỉa hè là kế sinh nhai của các hộ gia đình trên phố. Và đến nay, câu chuyện vỉa hè lại là một câu chuyện “nóng”.

Anh Mạnh chia sẻ, ở tại địa bàn phường anh quản lý, có không ít những hộ dân cư sinh nhai bằng những mẹt, những gánh hàng trên hè phố. Những mẹt, những gánh hàng đó nuôi sống cả gia đình họ. Thế nhưng cho dù có truyền thống, cho dù có sinh nhai thì vẫn không thể đi ngược lại sự phát triển, cái quy định của TP. Có khi vừa tối qua thôi, còn vui vẻ nâng chén trà với nhau, nhưng sáng hôm sau, chính anh lại là người có nhiệm vụ dẹp gọn gàng cái gánh hàng sinh nhai của họ.

Vậy để làm sao hài hòa, để người dân thấu hiểu, thông cảm và thực hiện nghiêm túc quy định lại là cả một câu chuyện rất dài. Từ vận động, giải thích, tuyên truyền đến nghiêm khắc răn đe đều phải vận dụng cả. Với anh Mạnh, việc mình thực thi nhiệm vụ là lẽ đương nhiên, việc người dân buộc phải tuân thủ cũng là điều không phải chối cãi, nhưng sử dụng lời lẽ thế nào cho họ dễ chấp nhận, có không vui vẻ cũng không chống đối là điều phải thực sự để ý trong trường hợp này.

Với anh Mạnh, làm cảnh sát khu vực, cái được với anh, đó là sau tất cả những gì anh cố gắng, đó là sự ghi nhận, sự gần gũi của quần chúng nhân dân nơi tổ anh phụ trách. Anh vui vẻ kể câu chuyện : « Sau khi đã thấu hiểu nhau, có những cái người dân cho mình là vô giá. Ví dụ như biết vợ tôi sắp sinh, chưa cần nhờ, các cô bác tổ dân phố đã sẵn sàng giới thiệu con, em mình công tác trong ngành y để hỗ trợ. Đó với nhiều người có thể là việc nhỏ, nhưng với chúng tôi nó là vô giá, bởi đó chính là niềm tin tưởng của quần chúng nhân dân dành cho những người hành pháp như chúng tôi ».

Và sau tất cả những gì đã làm được, đã diễn ra, bộ Quy tắc ứng xử sau khi được áp dụng khiến công việc, những giờ lăn lộn bên trong lòng dân của các anh được hoàn hảo hơn.

(Còn nữa)

Ngọc Dung

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/net-dep-cua-can-bo-cong-chuc-ha-noi-ky-2-dung-muc-linh-hoat-trong-ung-xu-voi-tung-ho-dan-159196.html