Nét đặc biệt trong chiếc bánh của tình yêu đôi lứa người Mông

Khi những chùm hoa mận, hoa mơ nở trắng những triền đồi báo hiệu một mùa xuân mới đang về cũng là lúc đồng bào Mông bắt đầu đón Tết cổ truyền của họ. Không chỉ thi nhau mổ lợn, bắt gà mà bà con người Mông còn có tục quây quần bên nhau cùng giã gạo làm nên những chiếc bánh dày xinh xắn, tròn trịa.Nguồn gốc tục giã bánh dày Công phu và tỉ mỉ Thanh Bình

Nguồn gốc tục giã bánh dày

Tết của người Mông ở Mộc Châu, Sơn La không giống như những nơi khác, người Mông nơi đây đón Tết sớm hơn Tết Nguyên đán một tháng. Trong ngày Tết, ngoài rượu, thịt, thì bánh dày là thứ bánh không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của mọi gia đình. Người Mông giã bánh dày ăn trong dịp Tết hay lễ hội bởi đây là loại bánh mang nghi thức cúng lễ, tâm linh không gì có thể thay thế được.

Theo tiếng Mông, bánh dày có tên gọi là “Pé” hoặc “Dúa” tùy theo từng vùng khác nhau. Với người Kinh, bánh chưng bánh dày là biểu tượng cho Tết, cho Trái đất và bầu trời vuông tròn đầy đủ. Còn với người Mông, bánh dày là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai gái người Mông, ngoài ra bánh dày còn tượng trưng cho Mặt trăng, Mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài.

Bánh dày của người Mông

Bánh dày của người Mông

Theo những già làng người Mông kể lại, thủa xưa, có chàng trai người Mông tên là Nù Plai bị thần Hổ về bản bắt mất người yêu. Plai buồn lắm, chàng đau khổ đến quên ăn quên ngủ và quyết tìm gặp thần Hổ để đòi lại người yêu. Đường núi xa xôi hiểm trở, để đến nơi ở của thần Hổ, Plai phải lội qua bao thác ghềnh, vực sâu. Plai đã nghĩ ra cách nấu gạo nếp nặn thành bánh (nay gọi là bánh dày) làm lương thực để đi tìm lại người yêu. Qua bao gian nan khổ ải, Plai đã tìm được nơi ở của thần Hổ. Cảm động trước tình yêu của chàng trai người Mông, thần Hổ đã trả lại người yêu cho chàng. Từ đó, chiếc bánh dày đã trở thành biểu tượng của tình yêu thủy chung đôi lứa của trai gái người Mông. Sự tích về bánh dày biểu tượng cho tình yêu của trai gái Mông đã đi vào cuộc sống, trở thành nét đẹp văn hóa trong cuộc sống của đồng bào.

Già làng Nù Pli (Mộc Châu, Sơn La) chia sẻ, trong bản người Mông, nhà nhà làm bánh dày, cả bản cũng làm bánh dày. Thứ bánh làm từ nếp, giã nhuyễn, nặn hình tròn, sau đó đặt lên những chiếc lá dong xanh này cũng coi như thức ăn hằng ngày nên người Mông thường làm bánh để mang lên nương, lên rẫy dùng khi đói lòng. Nhưng cũng có khi làm bánh trong những ngày giỗ người đã khuất.

Già làng Nù Pli cho hay: “Tục lệ chính liên quan đến bánh dày là giã bánh dày để thờ cúng ông bà, cha mẹ. Người Mông làm bánh dày để mời ông bà, cha mẹ đã mất về chia vui ngày Tết cùng gia đình. Cũng có khi cả bản người Mông cùng giã bánh dày. Ấy là khi Tết đến. Cứ tối ngày 29 tháng cuối cùng của năm thì nhà nhà, người người trong bản người Mông ngâm gạo, đồ xôi. Đến sáng ngày 30 thì giã bánh, chiều 30 thì làm thủ tục ăn Tết gà (Tết của người Mông). Cho nên, trong ngày Tết, cả bản người Mông cứ thậm thịch tiếng chày giã bánh, nồng đậm hương thơm của nếp giã bánh dày”.

Công phu và tỉ mỉ

Tục giã bánh dày của người Mông rất công phu và mất thời gian. Nguyên liệu làm bánh dày hoàn toàn là quà tặng từ thiên nhiên: Thóc nếp nương được chọn phải là nếp gen gốc vùng cao, dẻo, thơm, không được pha tạp. Gạo đồ cơm làm bánh dày được giã thủ công, nên khi phơi sấy cũng phải đủ nhiệt độ, nghĩa là không quá nắng để hạt gạo không gẫy nát, thơm ngon, vẫn còn lớp màng mịn bám ngoài hạt gạo tăng hương thơm cho bánh.

Vừa đổ cơm nếp vào máng vừa giã bánh

Nếp được đồ chín, hơi cơm tỏa thơm khắp bản (mỗi mẻ giã bánh dày tùy theo người làm song thường là 10kg nên phải đồ cùng lúc 2 chõ xôi). Chõ xôi được đổ cả vào cối giã nhuyễn khi hơi cơm vẫn nghi ngút bốc, hương thơm cơm mới quyến rũ lan tỏa. Cối giã bánh dày được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột như thuyền độc mộc. Chày giã bánh dày có 2 đầu, cán ở giữa, quá trình giã được xoa mỡ chống dính.

Già làng Nù Pli nhấn mạnh: “Giã bánh dày là một công việc nặng nhọc và đòi hỏi nhiều sức lực. Bởi vậy những người tham gia giã bánh thường là những người đàn ông, thanh niên khỏe mạnh lực lưỡng. Họ tập hợp thành một nhóm khoảng chục người thay nhau giã, mỗi lần 2 người. Giã bánh dày phải nhanh và có kỹ thuật. Nếu giã không nhanh, không dứt khoát thì chày sẽ bị dính gạo, khó nhấc lên lại bị mất sức, gạo không mềm nhuyễn”.

Nói rồi già làng Nù Pli chỉ về phía những thanh niên to khỏe giải thích, khi giã những thanh niên người Mông khỏe mạnh dùng hai chiếc chầy gỗ có cán dài như chiếc rìu rồi luân phiên giã. Lúc đầu cần giã nhẹ cho xôi quyện và dính, sau đó phải dùng hết sức để giã liên tục cho đến khi gạo quyện vào nhau, giã càng kỹ thì bánh càng dẻo và để được lâu, giã đến khi dẻo và mịn thì mới hoàn thành. Giã xong ở nhà này thì nhóm thanh niên lại cùng sang giã bên nhà khác. Điều này cũng thể hiện tính đoàn kết, gắn bó, quan hệ họ hàng trong cộng đồng người Mông.

Về phía phụ nữ, họ chịu trách nhiệm chuẩn bị lá để gói bánh. Nguyên liệu để gói bánh là những tàu lá dong hoặc lá chuối rừng được rửa sạch, lau khô. Khi xôi đã nhuyễn và dẻo quánh thành một khối là lúc các bà, các chị khéo léo nặn thành những chiếc bánh tròn hoàn chỉnh.

“Để không dính tay và tăng độ thơm ngon cho chiếc bánh dày khi nặn bánh, người Mông thường lấy trứng gà luộc lên sau đó bỏ lòng trắng chỉ dùng lòng đỏ để xoa đều lên tay và các dụng cụ làm bánh. Điểm khác biệt nữa của chiếc bánh dày người Mông so với các loại bánh khác đó là bánh dày không hề có nhân bên trong, không dùng các loại gia vị. Người ta có thể ăn nóng, cũng có thể để nguội rồi đem rán với mỡ lợn cho phồng lên hoặc nướng trên bếp lửa và chấm với mật ong rừng khi ăn”, già làng Nù Pli giải thích.

Bánh dày không chỉ là một món ăn truyền thống mà còn là vật cúng lễ. Vì thế năm nào cũng vậy, những chiếc bánh dày ngon nhất luôn được bày lên ban thờ dịp Tết, thể hiện tấm lòng, sự nhớ thương của con cháu dành cho tổ tiên ông bà – những người quá cố. Chính vì lẽ đó, sau khi mọi nghi thức đã chuẩn bị xong, chiếc bánh dày thành phẩm sẽ được gia chủ đem lên mời tổ tiên ông bà. Theo đó, gia chủ mời một thầy mo trong làng đến để tiến hành nghi lễ. Giữa nhà, thầy mo sẽ véo nhỏ từng miếng bánh dày và rắc xuống nền nhà. Người Mông tin rằng, thông qua những nghi lễ đó, những người bề trên có thể cùng con cháu thưởng thức thứ bánh trái truyền thống của dân tộc mình.

Không chỉ thể hiện nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực ngày lễ Tết của đồng bào người Mông, tục làm bánh dày còn thể hiện một cách sinh động tính cố kết trong những hoạt động mang tính cộng đồng của bà con. Già làng Nù Pli tiết lộ: “Làm bánh dày không những là phong tục truyền thống của người Mông mà còn là cơ sở để cộng đồng đánh giá về sự khéo léo của những chàng trai, cô gái Mông chúng tôi trong mỗi dịp tết đến, xuân về”.

Không chỉ là món bánh để cúng tổ tiên vào ngày tết, bánh dày còn là món ăn được các gia đình người Mông dùng để chào đón khách quý. Bên mâm cỗ ngày tết, cùng nâng chén rượu ngô thơm nức, bánh dày luôn là một món ăn hấp dẫn với những ai có mặt trong những ngày tết đến xuân về trên bản người Mông. Những năm gần đây, vào dịp đầu xuân, một số bản ở các xã vùng cao của Mai Châu còn tổ chức thi làm bánh dày giữa các dòng họ. Đây là một cách bảo tồn, gìn giữ và giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

Thanh Bình

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 13

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/net-dac-biet-trong-chiec-banh-cua-tinh-yeu-doi-lua-nguoi-mong-a260460.html