Nepal 'tiến thoái lưỡng nan' vì căng thẳng Trung-Ấn

Nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Nepal sẽ đối mặt với tình trạng 'tiến thoái lưỡng nan' khi hai láng giềng đang có căng thẳng không phanh ở khu vực biên giới.

Hãng tin Sputnik ngày 8-8 cho biết cả Ấn Độ và Trung Quốc đều lên kế hoạch sẽ tổ chức các cuộc đối thoại song phương sâu rộng với lãnh đạo Nepal nhằm làm rõ lập trường của nước này về vấn đề căng thẳng ở cao nguyên Dokalam gần đây. Với thế cờ cả hai nước lớn đều muốn giành được sự ủng hộ về vấn đề này, Nepal sẽ đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Theo Sputnik, Thủ tướng Nepal Sher Bahadur Deuba sẽ có chuyến thăm Ấn Độ vào cuối tháng này. Trước chuyến thăm Ấn Độ của ông Deuba, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj đã tới thủ đô Kathmandu của Nepal để tham dự Hội nghị ngoại trưởng lần thứ 15 của tổ chức Sáng kiến vùng vịnh Bengal về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa khu vực (BIMSTEC) vào ngày 10-8.

Thủ tướng Nepal Sher Bahadur Deuba. Ảnh: SANKALPA POST

Thủ tướng Nepal Sher Bahadur Deuba. Ảnh: SANKALPA POST

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương dự kiến sẽ tới thăm Nepal vào ngày 14-8, tức trước chuyến thăm Ấn Độ của ông Deuba. Các quan chức Trung-Ấn được cho đều sẽ tổ chức các cuộc thảo luận với phía Nepal về vấn đề Dokalam.

Căng thẳng Trung-Ấn khiến Nepal cực kỳ lo ngại khi nước này đang hướng tới mục tiêu trở thành “cầu nối kinh tế” giữa New Delhi và Bắc Kinh thông qua khu vực đèo Lipulekh. Đây là ngã ba biên giới được Nepal, Ấn Độ và Tây Tạng (Trung Quốc) sử dụng kể từ thời xưa, theo Sputnik.

Cao nguyên Dokalam (hay Doklam, hoặc Donglang) nằm giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan. Đồ họa BBC

“Nepal có truyền thống giữ lập trường trung lập trong xung đột Ấn Độ-Pakistan. Do đó, không có lý gì để cho rằng họ sẽ không tiếp tục cách tiếp cận này trong căng thẳng Trung-Ấn” - TS Smruti Pattanaik, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng ở New Delhi, nhận định.

Trong khi đó, các chuyên gia khác cũng đánh giá mặc dù Ấn Độ và Nepal hiện có bất đồng về một số vấn đề nhưng New Delhi và Kathmandu có quan hệ chặt chẽ về nhiều mặt. Do đó khó có khả năng Nepal sẽ hành động đi ngược lại lợi ích Ấn Độ trong khu vực, tức sẽ đứng về phía Trung Quốc.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực Dokalam đột ngột tăng nhiệt không phanh kể từ tháng 6 năm nay, sau khi Bắc Kinh phá bỏ những lô cốt của Bhutan và xây một con đường chạy xuyên qua cao nguyên này. Cao nguyên Dokalam nằm giáp với bang Sikkim của Ấn Độ. Đây hiện là khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Bhutan.

BẢO ANH

Nguồn PLO: http://plo.vn/quoc-te/nepal-tien-thoai-luong-nan-vi-cang-thang-trungan-720316.html