Nepal thêm khu vực đang tranh chấp với Ấn Độ vào bản đồ

Quốc hội Nepal vào hôm 13/6 đã bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp để thêm phần lãnh thổ đang tranh chấp với với Ấn Độ vào bản đồ Nepal.

Việc bỏ phiếu diễn ra sau khi chính phủ Nepal phát hành bản đồ mới thể hiện phần lãnh thổ tranh chấp nằm trong biên giới Nepal vào tháng trước, theo South China Morning Post.

Động thái này đã bị Ấn Độ chỉ trích mạnh mẽ và làm mối quan giữa hai nước láng giềng Nam Á căng thẳng hơn.

Chủ tịch Hạ viện Nepal Agni Kharel cho biết 258 thành viên có mặt đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất này. Để được thông qua, đề xuất cần được hai phần ba trong số 275 nhà lập pháp chấp thuận.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết hôm 13/6 rằng Ấn Độ đã nói rõ về vấn đề này.

“Việc mở rộng lãnh thổ này không dựa trên lịch sử hay bằng chứng thực tế nào và không thể biện hộ”, ông Srivastava nói. “Động thái này vi phạm cuộc đàm phán để giải quyết vấn đề ranh giới”.

 Bộ trưởng Ngoại giao Nepal Pradeep Gyawali. Ảnh: AP.

Bộ trưởng Ngoại giao Nepal Pradeep Gyawali. Ảnh: AP.

Cuộc tranh cãi mới nhất giữa các quốc gia xảy ra sau khi Ấn Độ vào tháng trước khánh thành một con đường trên dãy Himalaya được xây dựng ở khu vực tranh chấp nằm ở ngã ba chiến lược với Tây Tạng và Trung Quốc.

Con đường dài 80 km do Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh khánh thành cắt qua đèo Lipu Lekh. Đây được coi là một trong những tuyến thương mại ngắn nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Nepal đã quyết liệt tranh cãi về việc khánh thành con đường và xem đây một ví dụ rõ ràng về sự bắt nạt của Ấn Độ.

Nepal từ lâu đã tuyên bố chủ quyền với các khu vực Limpiyadhura, Kalapani và Lipu Lekh theo hiệp ước Sugauli năm 1816 với Raj (Ấn Độ) thuộc Anh, mặc dù các khu vực này vẫn được quân đội Ấn Độ kiểm soát kể từ khi Ấn Độ tham gia một cuộc chiến tranh với Trung Quốc năm 1962.

Người dân thắp nến trên bản đồ mới của Nepal được vẽ trên một con đường ở thủ đô Kathmandu. Ảnh: AP.

Nepal và Ấn Độ đã đồng ý đàm phán về tranh chấp nhưng Kathmandu nói rằng New Delhi sẽ không chịu ấn định ngày.

“Chúng tôi đã bày tỏ hết lần này đến lần khác rằng Nepal muốn ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết vấn đề này”, Bộ trưởng Ngoại giao Nepal Pradeep Gyawali nói rằng Nepal đã yêu cầu nói chuyện vào tháng 11 và tháng 12 năm ngoái. Vào tháng 5, Nepal đã tiếp tục yêu cầu đối thoại.

Như Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nepal-them-khu-vuc-dang-tranh-chap-voi-an-do-vao-ban-do-post1095613.html