Nếp sống văn hóa trong sinh hoạt tộc họ

Gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" do Trung ương MTTQ Việt Nam phát động từ năm 2016, thời gian qua, các tộc họ trên địa bàn H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã góp phần làm lành mạnh môi trường xã hội, văn hóa ứng xử trong từng hộ gia đình với quan hệ xóm giềng và trở thành một trong những nội dung thi đua ở cơ sở. Tuy hình thức tổ chức, hoạt động của mỗi tộc họ khác nhau nhưng đều là sự tập hợp con cháu cam kết thực hiện những quy ước về truyền thống gia tộc, phẩm chất đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư.

Các thế hệ tộc Nguyễn làng Yến Nê (xã Hòa Tiến) cùng lưu giữ nghề đan đát truyền thống.

Các thế hệ tộc Nguyễn làng Yến Nê (xã Hòa Tiến) cùng lưu giữ nghề đan đát truyền thống.

Theo thống kê, vùng nông thôn Hòa Vang có gần 600 dòng tộc, trong đó hơn nửa tộc họ đã hình thành Hội đồng gia tộc và có Tộc ước hưởng ứng thực hiện xây dựng "Tộc họ văn hóa" gắn với chương trình "Thành phố 4 an"... Sinh hoạt tộc họ đã động viên con cháu, gia đình thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội; nêu gương tốt trong việc nâng cao dân trí, phục vụ dân sinh, phát huy dân chủ, giúp nhau vượt khó để xây dựng cuộc sống tốt đẹp ở cộng đồng dân cư. Chính các tộc họ đã tác động tích cực đến việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng hiệu quả các mô hình phòng chống tội phạm, khuyến học khuyến tài, giữ gìn bình yên thôn xóm.

Nhiều tộc họ có những phương thức hoạt động tích cực với các mô hình thiết thực như: "Tộc họ không có người vi phạm pháp luật", "Tộc họ không có trẻ em bỏ học", "Tộc họ khuyến học", "Tộc họ tiên tiến, thôn xóm bình yên, gia đình hạnh phúc"... Điển hình, tộc Đỗ thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn) tiếp tục duy trì biện pháp giáo dục con cháu theo hương ước của tộc họ, như con cháu sai trái trước hết nội bộ tự giải quyết, sau mới nhờ đến đoàn thể, địa phương xử lý; tộc Đinh làng Quá Giáng (xã Hòa Phước), tộc Lâm thôn Cẩm Toại (xã Hòa Phong) vận động con cháu đóng góp Quỹ khuyến học - khuyến tài, không để con cháu trong độ tuổi đến lớp bỏ học...

Trong xây dựng nông thôn mới, vai trò tộc họ văn hóa đã phát huy hiệu quả, từ việc vận động con cháu tích cực tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa, hiến đất mở đường, gìn giữ vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, tham gia đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương. Ngoài ra, dòng tộc còn giữ vai trò quan trọng trong việc giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình; đồng thời thực hiện hiệu quả chức năng hòa giải, tăng cường mối gắn kết trong gia tộc với cộng đồng...

Theo ông Đinh Viết Thành - Trưởng tộc Đinh làng Quá Giáng (xã Hòa Phước), văn hóa truyền thống trong sinh hoạt tộc họ có xu hướng phục hồi, nhiều giá trị cũ đang sống lại. Những giá trị tốt đẹp của văn hóa dòng tộc cần được bảo tồn và phát huy. Một khi hoạt động của tộc họ văn hóa đi vào nền nếp sẽ góp phần chấn chỉnh những cái "xấu" trong cộng đồng. Tộc họ văn hóa là một mô hình hay, tôn vinh những giá trị tốt đẹp, bảo tồn được những nếp sinh hoạt truyền thống của người dân. Bộ mặt nông thôn sẽ toàn diện hơn nếu chúng ta biết gìn giữ và phát huy vai trò của tộc họ.

Có thể khẳng định rằng, tộc họ văn hóa ở H. Hòa Vang thời gian qua đã tạo nên thế chân kiềng: "Gia đình - Tộc họ - Chính quyền" vững chắc và góp phần không nhỏ trong việc thay đổi những thói quen, nếp nghĩ, cách làm cũ trong cộng đồng để cùng hướng đến xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cái tình, cái nghĩa của người dân thôn quê gìn giữ bao đời, nay nhờ chủ trương của Đảng và chính quyền các cấp, nên người dân cùng với các tộc họ không những thông suốt mà còn tích cực tự giác thực hiện; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo ra một diện mạo nông thôn mới đầy tính nhân văn và sâu sắc.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_239091_nep-song-van-hoa-trong-sinh-hoat-toc-ho.aspx