Nếp hạt cau Lộc Thịnh - đặc sản vùng đất Tây Đô

Văn hóa và Đời sống - Nhắc đến vùng đất cố đô xưa, người ta thường nhắc đến chè lam, kẹo lạc Phủ Quảng hay sâm báo - Đại Việt đệ nhất danh sâm... nhưng ít ai biết được rằng tự bao đời nay người dân xã Vĩnh Thịnh vẫn kiên trì, bền bỉ gieo trồng, sản xuất giống lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh dẻo thơm, thấm đượm hồn cốt quê hương.

Ông Mai Đình Phương, Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Vĩnh Thịnh trao đổi kinh nghiệm lựa chọn giống lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh (bên phải ảnh) với người dân trên địa bàn xã.

Vĩnh Thịnh là một xã miền núi của huyện Vĩnh Lộc, cây trồng chính là cây lúa nước, ngoài ra cũng trồng lúa trên ruộng cao, gọi là lúa lốc. Do nằm lọt thỏm giữa hai ngọn núi nên địa hình ở đây tương đối phức tạp, ruộng đồng xen lẫn đồi núi, có ruộng bậc thang, có đồng chiêm trũng, độ dốc thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam nhưng ba bề bốn bên đều là núi đất, núi đá. Mặc dù vậy, người dân xã Vĩnh Thịnh rất giàu kinh nghiệm trong sản xuất, nhất là khâu chọn giống lúa phù hợp với điều kiện canh tác. Từ xưa, người dân Vĩnh Thịnh đã trồng những loại lúa vừa phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, chịu được hạn, chịu được nước sâu mà chất lượng lại thơm ngon. Vụ chiêm có các giống lúa: chiêm Bắc, chiêm Nam; vụ mùa có các giống lúa: mùa Đỏ, mùa Trắng, gié Đỏ, gié Trắng... và thơm ngon có tiếng là các giống lúa: Dự, Chảu, các loại lúa nếp như: nếp cái, nếp con, nếp hạt cau...

Chẳng ai có thể nói rõ giống lúa nếp hạt cau xuất hiện trên mảnh đất Vĩnh Thịnh tự bao giờ. Chỉ biết rằng, từ lâu, loại gạo này trở thành đặc sản, được người dân nơi đây ví như “hạt ngọc của trời”. Lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh khi chín, vỏ lúa ngả sang màu vàng sẫm, xen tựa như màu hạt cau khô; hạt gạo tròn, trắng đục, có hương thơm đặc trưng. Các món ăn chế biến từ hạt gạo nếp hạt cau Lộc Thịnh có độ dẻo thơm, ngọt thanh rất hấp dẫn, là sản vật không thể thiếu ở những mâm cơm, lễ vật mà biết bao thế hệ cháu con Vĩnh Thịnh thành kính dâng lên tổ tiên, các vị thánh, thần linh thiêng trong các dịp lễ trọng.

Không chỉ có hương vị dẻo thơm, giống lúa nếp này có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống lúa thông thường như: chống chịu hạn, phèn, chua và sâu bệnh tốt; thích ứng được với điều kiện canh tác ở xã Vĩnh Thịnh... Tuy thời gian sinh trưởng và phát triển dài (khoảng 170 ngày, trong khi các giống lúa thường có thời gian sinh trưởng và phát triển khoảng 130 ngày), chỉ trồng được 1 vụ/năm nhưng lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh lại cho năng suất, chất lượng cao. Mặc dù phụ thuộc vào yếu tố thị trường nhưng giá bán lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh thường cao hơn gấp 1,5 - 2 lần so với giá lúa thông thường.

Tuy nhiên, trước đây, do hạn chế về điều kiện, tập quán canh tác và không kết nối được thị trường nên lúa nếp hạt cau được trồng với diện tích nhỏ, lẻ; phần lớn các hộ dân tự chọn lọc giống theo trực quan, cảm tính để sản xuất qua các năm nên năng suất, chất lượng không đồng đều. Ông Lê Viết Cương – Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thịnh cho biết: “Xuất phát từ thực tiễn ấy cùng với sự trăn trở, tìm tòi làm sao để phát triển tiềm năng, lợi thế nông nghiệp của địa phương, từ năm 2017 đến nay, nhằm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, được sự chỉ đạo, quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành trong huyện, Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Thịnh đã từng bước thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, vận động người dân trong xã dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất nhằm mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích canh tác lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh theo hướng tập trung, quy mô lớn”. Bên cạnh đó, đảng ủy, chính quyền địa phương có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người dân đẩy mạnh sản xuất thông qua các việc làm thiết thực, hiệu quả: Xây dựng, kiên cố hóa kênh mương, giao thông nội đồng... giúp bà con thuận lợi hơn trong quá trình canh tác. Với mục đích tạo nên sự đồng bộ trong sản xuất, đồng thời mong muốn tạo ra sản phẩm sạch, thơm ngon, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay, xã Vĩnh Thịnh đã quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất lúa nếp hạt cau. Đặc biệt, năm 2018, xuất phát từ chủ trương, định hướng của huyện, xã Vĩnh Thịnh mạnh dạn xây dựng mô hình trồng lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để sản phẩm nếp hạt cau Lộc Thịnh phát triển như ngày hôm nay không thể không kể đến vai trò, đóng góp của HTX nông nghiệp và dịch vụ xã Vĩnh Thịnh. Ngay khi Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Thịnh có chủ trương tập trung đẩy mạnh sản xuất, phát triển sản xuất lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh, năm 2017, HTX đã tổ chức đi tham quan, học tập các mô hình sản xuất lúa nếp hạt cau hiệu quả ở nhiều địa phương trong cả nước. Sau đó, HTX tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, từ khâu lựa chọn, làm giống, chăm sóc cây lúa trong quá trình sinh trưởng, phát triển cho đến khi thu hoạch, mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất... HTX phối hợp với phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông huyện trực tiếp “cầm tay chỉ việc”; đồng thời mở các lớp tập huấn cho bà con nâng cao kiến thức về kỹ thuật, kỹ năng sản xuất, quản lý trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhất là việc không lạm dụng phân bón, thuốc hóa học mà thay thế bằng các sản phẩm có nguồn gốc sinh học... Các hoạt động thiết thực ấy đã góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương nói chung, sản xuất lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh nói riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới giá trị bền vững. Song song với đó, HTX phát huy tối đa vai trò “bà đỡ”, cầu nối giữa doanh nghiệp và người nông dân, hăng hái, chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường; từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất, mẫu mã, quy cách sản phẩm... Ông Mai Đình Phương - Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ xã Vĩnh Thịnh chia sẻ: “Nhằm nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm nếp hạt cau Lộc Thịnh, thời gian tới, xã chủ trương đầu tư xây dựng lò sấy tại địa phương”.

Nhờ những nỗ lực, cố gắng ấy, hiện nay, hương thơm gạo nếp hạt cau Lộc Thịnh đã lan tỏa rộng khắp các vùng, miền trong và ngoài tỉnh, là sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Diện tích sản xuất, năng suất, chất lượng không ngừng được nâng lên, quy trình sản xuất khoa học, bài bản nên bà con rất tin tưởng, hưởng ứng. Hiện nay, trên địa bàn toàn xã, tổng diện tích sản xuất lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh đạt hơn 200 ha, trong đó có 50 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng đạt 4,5 - 5 tấn/ha. Với giá bán dao động từ 1,7 - 1,9 triệu đồng/tạ (đối với lúa khô), lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh thực sự đã mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Anh Trần Công Tạo (thôn 11, xã Vĩnh Thịnh) hào hứng chia sẻ: “Gia đình chúng tôi đã có truyền thống nhiều đời trồng lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh nhưng chưa có bao giờ, bà con phấn khởi, hy vọng vào hiệu quả kinh tế mà giống lúa bản địa này mang lại như bây giờ. Sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó, thương lái đến tận ruộng thu mua, giá thành cao nên gần như vào vụ mùa, cả xã đều canh tác giống lúa này”. Được biết, trước đây, gia đình anh Tạo thuộc diện khó khăn. Kể từ khi gia đình mạnh dạn đổi điền, dồn thửa, tập trung đầu tư, mở rộng diện tích sản xuất lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh, thu nhập được tăng lên, cuộc sống của gia đình được cải thiện hơn rất nhiều. Năm 2020, với diện tích khoảng gần 1 ha đất canh tác giống lúa này, gia đình anh Tạo thu được khoảng 35 - 40 triệu đồng/vụ.

Gạo nếp hạt cau Lộc Thịnh không chỉ hấp dẫn, lôi cuốn trong bữa cơm gia đình ấm áp, chan chứa yêu thương hay được thành tâm bày biện nghiêm cẩn trên mâm cơm cúng gia tiên, giờ đây, gạo nếp hạt cau Lộc Thịnh tự tin góp mặt tại các đại lý, cửa hàng kinh doanh đặc sản vùng miền, gạo sạch hay các cuộc triển lãm, giới thiệu. Năm 2020, sản phẩm gạo nếp hạt cau Lộc Thịnh được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 4 sao... Từ sản phẩm của đồng đất thôn quê, dân dã, mộc mạc, nếp hạt cau Lộc Thịnh được nhắc đến như một trong những nhân tố góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con Nhân dân; giúp địa phương thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn; hình thành vùng sản xuất tập trung, từng bước khẳng định, mở rộng thương hiệu sản phẩm truyền thống của quê hương...

Thảo Linh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/san-pham-thuong-hieu-xu-thanh/nep-hat-cau-loc-thinh-dac-san-vung-dat-tay-do/19301.htm