NEOM - Tham vọng 'Thung lũng Silicon' giữa sa mạc

Từ một con sư tử vẽ bằng tay cho tới những người máy biết nói và các thiết bị biết bay, Saudi Arabia đã khiến giới đầu tư kinh ngạc với những kế hoạch cho 'hàng tỉ dự án' công nghệ cao.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vương quốc Saudi Arabia đã tiết lộ các kế hoạch xây dựng NEOM, siêu dự án được mô tả là một phiên bản của Thung lũng Silicon của khu vực, thêm vào đó là một thành phố giải trí tại Riyadh có thể cạnh tranh với Walt Disney và dự án Biển Đỏ, một điểm đến để nghỉ dưỡng nằm trên một rạn san hô lớn giữa biển.

Tham vọng...

Những bản thiết kế cho các dự án này đã được trình bày trước 3.500 đại diện các đối tác trong tuần lễ Sáng kiến Đầu tư Tương lai (FII) - được mệnh danh là “Diễn đàn Davos trên Sa mạc” - nhằm lên kế hoạch đưa đảo quốc này trở thành một điểm đến thương mại sầm uất.

Các dự án trị giá hàng trăm tỷ USD này là sáng kiến của Thái tử Mohammed bin Salman, một người tự xưng là nhân vật tạo ra sự thay đổi một cách phóng khoáng, cũng là kiến trúc sư trưởng của chương trình cải cách “Tầm nhìn 2030” có ảnh hưởng sâu rộng.

Để mô tả cho sự thay đổi mà ông dự báo, tại hội nghị FII, ông đã một tay cầm một chiến điện thoại Nokia đời cũ và một tay cầm một chiếc Iphone thời thượng để thể hiện một sự biến đổi ngoạn mục trong kỷ nguyên bị ám ảnh bởi những thiết bị điện tử. Ông đang tìm kiếm sự ủng hộ từ giới trẻ của vương quốc này, song cũng phải đối mặt với một thách thức thực sự trong việc thuyết phục dân chúng rằng những cải cách của mình sẽ tạo ra công ăn việc làm trong bối cảnh tình trạng thất nghiệp đang rất nhức nhối.

Sáng kiến NEOM trị giá 500 tỷ USD, với sự kết hợp các từ viết tắt của tiếng Anh và tiếng Arập có nghĩa là “tương lai mới”, sẽ là một trung tâm công nghệ số và công nghệ sinh học trải rộng hơn 26.500km2 tại một khu vực giáp ranh Jordan và Ai Cập.

Trong một đoạn phim quảng cáo long lanh phác họa những nét đặc trưng của dự án này, những phụ nữ đang chạy bộ trong các bộ đồ thể thao và làm việc cùng với những người đàn ông trong các phòng thí nghiệm, một hình ảnh đối lập với phong cách ăn mặc nổi tiếng của đất nước này. Theo đoạn phim, ngành dịch vụ của đất nước này sẽ do người máy đảm nhiệm. Và trong một động thái nhằm thể hiện tham vọng của mình, Saudi Arabia hồi tuần qua đã trao tư cách công dân cho một người máy có tên Sophia.

...và rủi ro?

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi bật ra quanh khả năng Saudi Arabia thực hiện những dự án này, với một phần số vốn đầu tư là lấy từ nguồn quỹ dồi dào không giới hạn của họ, trong bối cảnh Riyadh đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế của mình khi mà tình trạng sụt giảm giá dầu vẫn kéo dài.

Nhận xét về NEOM, hãng phân tích Eurasia Group cho biết: “Sáng kiến này thực sự quá tham vọng, với những rủi ro vô cùng lớn trong khâu thực hiện, và sẽ không giúp đối phó hiệu quả với những thách thức việc làm. Việc Saudi Arabia liên tiếp đưa ra những sáng kiến và các dự án đầu tư mới… đang thể hiện một hình ảnh năng động. Tuy nhiên, chính phủ sẽ không có khả năng thực hiện hàng loạt chương trình tham vọng như vậy”.

Những dự án với quy mô và tham vọng chưa từng có này có thể đặt ra những áp lực về vốn trong bối cảnh chính phủ phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách khá lớn và tăng trưởng trong khu vực kinh tế phi dầu mỏ của vương quốc này gần như là không chuyển động. Chuyên gia Alan Lowe thuộc Nhóm Thương mại Mỹ tại Riyadh nói với AFP: “Quả cầu thủy tinh của tôi đang khá mờ mịt. Từ trước tới nay chúng ta chưa từng chứng kiến những điều tương tự, và hãy chờ xem các dự án này liệu sẽ đi đến đâu”.

Theo một báo cáo của hãng nghiên cứu Capital Economics, cách thức thực thi các dự án quy mô lớn của vương quốc này khá “nghèo nàn”. Báo cáo đưa ra một ví dụ về thành phố Kinh tế của Vua Abdullah ở gần Jeddah, từng được cho là đối thủ cạnh tranh với Dubai để trở thành trung tâm thương mại, song dự án đó đã trải qua rất nhiều lần trì hoãn.

Trong khi đó, những người khởi xướng các dự án này lại cho rằng thời điểm hiện nay đã khác bởi các dự án được trực tiếp giám sát bởi vị thái tử có chủ trương cải cách, người đã tích lũy được quyền lực phi thường và được dự báo sẽ kế vị ngai vàng. Thái tử cho biết văn bản khung về pháp lý của NEOM sẽ do lĩnh vực tư nhân thiết kế nhằm thu hút đầu tư, một sự thay đổi lớn so với các dự án trước đây vốn gặp nhiều trở ngại bởi tình trạng quan liêu ở đất nước này.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Saudi Arabia cho biết: “Saudi Arabia đang rơi vào tình trạng con gà và quả trứng. Cái gì có trước? Theo chúng tôi đó là con gà” - có nghĩa là phải tạo ra môi trường pháp lý hợp lý để thu hút đầu tư trước. Quỹ Đầu tư Công (PIF) của Saudi Arabia, với mục tiêu tăng gấp đôi lượng tài sản của đất nước lên gần 400 tỷ USD từ nay đến năm 2020, sẽ là nhà đầu tư hàng đầu cho các dự án này. Một số bên thụ hưởng của PIF trong lĩnh vực tư, chẳng hạn như tỷ phú nổi tiếng Richard Branson, cũng đã hứa sẽ đầu tư, song một số khác vẫn chưa đưa ra những cam kết cụ thể.

Tham vọng đằng sau các dự án này - vốn thu hút sự chú ý của những người tham gia với một hình ảnh con sư tử được vẽ bằng tay và những bàn tán xôn xao bên lề hội nghị - được dư luận cho là nhằm quảng bá kinh tế cho vương quốc này.

Brian Ackerman, chuyên viên quy hoạch và cũng là một nhà thiết kế tham dự FII nhận định: “Lần đầu tiên Saudi Arabia không chỉ đặt tầm nhìn ở trong nước mà ra cả bên ngoài. Đó không phải là những ngọn núi, những đại dương, những xe hơi không người lái và những người máy có sức thuyết phục, mà đó là tầm nhìn. Giới lãnh đạo đã nói: “Hãy tiến lên bước lên con tàu đó”. Và đây chính là bước đi đầu tiên”...

Phương Anh (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//hi-tech/neom-tham-vong-thung-lung-silicon-giua-sa-mac-363663.html