Nẻo về cỏ may

Một chiều tình cờ ngang qua cánh đồng cũ, cảnh vật tựa như cơn gió dĩ vãng trôi mau. Không còn bóng người xưa, thẹn thùng cầm nhánh cỏ may đặt vào tay ta cùng má hồng bẽn lẽn.

Chỉ có mùa lúa mới đã bắt đầu óng ánh, như rót mật vào tiết trời cuối thu man mác buồn. Gió mùa, lạnh se sắt gót chân trần nứt nẻ, thi thoảng bật ra những rãnh máu nhỏ li ti. Cỏ may đã lúng liếng khắp hai bên vệ đường, trên khắp các bờ ruộng, cỏ may mang nỗi buồn quắt quay, men theo nỗi nhớ của những kẻ tha hương, trở về ngồi dưới hiên nhà đìu hiu. Thèm nghe tiếng cha rít điếu thuốc lào khói bay bảng lảng, trầm ngâm nghe tiếng mùa thở qua nụ hoa trắng ngần, bung biêng khờ dại nơi hàng rào chi chít những mầm gai chầm chậm trôi vào quên lãng.

Đường quê đã trải lớp bê tông thẳng thớm, gượng gạo. Bờ mương nhỏ ấy, nơi ta và đám bạn thuở nọ mang giậm ra đạp chân thùm thụp bắt vài con cá rô ron, cá riếc nhỏ… với những khoảng uốn cong mềm mại giờ xây thẳng tắp bằng những bờ gạch nhớp nháp vữa vôi. Nhìn soi thấu vào lòng mương, chỉ thấy dòng nước vô hồn chảy xiết, thiếu vắng những đàn cá bơi lượn như trò tiêu khiển của đám trẻ quê những ngày xưa yêu dấu.

Minh họa: MẠNH TIẾN.

Mộ cha vẫn nằm ở đó, lất phất cỏ may giữa cánh đồng gió hun hút. Cha thương đám con sớm mồ côi mẹ, giờ thiếu một người che chở nắng mưa, dù những lằn roi của cha vẫn hằn sâu vào thớ thịt non nớt. Lần đầu tiên kể từ khi chào đời ta nhìn cha khóc, nước mắt đục ngầu như vết mưa xối chằng chịt nơi mái nhà những mùa lũ quét qua. Dáng cha còng, nằm trên giường bệnh thi thoảng gặp cơn đau như vết cứa khiến cha nhói buốt xô lệch về một bên. Góc giường, chỗ đó cha nằm, gió mùa vẫn tìm cách len lỏi qua kẽ cửa, nơi duy nhất cha có thể nhìn ra thế giới ngoài kia rộng lớn bằng sự hồi tưởng. Chân tay đôi khi bủn rủn, muốn tự cầm chiếc thìa ăn cơm mà cũng khốn khó trăm bề.

Rồi cha cũng kết thúc mọi đớn đau trong một chiều đầu đông se buốt. Gió mùa về khiến hàng cây trút lá khẳng khiu, trơ dáng đứng liêu xiêu giữa quầng mây u ám. Gió đuổi chiếc lá khô men theo từng bước chân rệu rã ngậm ngùi tiễn người quá cố về với đất quê. Sỏi đá vẫn trắng ngần, ngoi lên trong lớp bùn đất nhão ướt sau trận mưa phùn đêm qua không chút vấy bẩn. Đất bám vào chân, tựa những hoài tiếc còn mãi vấn vương về một nhịp đời gãy khúc.

Rất nhiều những buổi chiều cuối thu đi qua, ta vẫn giữ thói quen trở về xóm cũ, men theo lối đi đã trải đầy lớp bê tông đông cứng vô hồn. Lá bắt đầu trút nhiều hơn, gió bắt đầu mang hơi lạnh rơm rớm phủ vào làn da se sắt. Mộ cha vẫn đìu hiu đơn độc ở đó, cỏ mọc um tùm, chen chúc lẫn nhau để giành phần tươi tốt. Chỉ có những nhánh cỏ may gầy guộc vẫn trầm ngâm trong làn gió phơ phất, mang những nỗi buồn gửi vào gió để ươm mầm những sự sống mới, lặng lẽ tím rồi lặng lẽ bạc phơ trong những chiều thu phai nhạt.

Chiều tan tầm, ngụp lặn trong dòng xe đông đúc nơi con phố quen. Bắt gặp cơn gió đi hoang mang theo cái lạnh buôn buốt, chợt nhớ mùa đông sắp về. Gấp nhanh vài bộ quần áo cất trong chiếc tủ ám mùi gỗ xoan thơm thơm, nồng nồng, ta tưởng tượng mình đang thong dong bước đi trên những nẻo đường, thả hồn vào những nhung nhớ thuở xưa, đi hái những nhánh cỏ may kết thành chùm hoa không hương sắc. Nụ cười trên vành môi chợt tắt, vì cỏ may còn đây, nhưng người xưa thì xa khuất.

Tản văn của SONG NINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/neo-ve-co-may-555157