Nẻo về chợ quê

Chuẩn bị đến ngày giỗ ông, tối hôm trước mẹ bảo chị em tôi đi chợ Tía mua sắm trước đồ lễ với ít hàng khô. Mới sớm chưa tỏ mặt người, chị cả đã giục: 'Cậu ba dậy chưa nhỉ, đèo chị đi chợ nào'. Chỉ nghe có vậy, tôi đã vùng dậy sắm sửa đàng hoàng, dắt xe ra ngoài sân. Chị xách làn ngồi sau. Chiếc xe nổ máy giòn giã chỉ một loáng đã tới chợ.

Đúng phiên, chợ họp đông hơn mọi ngày. Cũng lâu lắm rồi tôi chưa đi chợ, vì thế khi được hòa mình vào không khí nhộn nhịp nơi chợ quê bỗng nhiên trong lòng chộn rộn niềm vui. Chợ quê bao năm vẫn lều quán liêu xiêu, đường rải đá lổn nhổn. Hàng hóa trong chợ chủ yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con trong xã. Các mặt hàng nông sản sau vụ mùa đều được mang ra chợ bán. Nào gạo nếp, đậu xanh, bí ngô, khoai sọ... Nào miến dong, bánh đa, cà pháo, đậu phụ... Tôi vẫn nhớ ngày theo mẹ đi chợ. Khi ấy, chẳng có xe cộ gì, mẹ cho tôi vào đôi quang gánh. Một bên thúng rượu nếp với một bên là cậu bé con. Chiếc đòn gánh kẽo kẹt trên vai mẹ gánh cả cuộc sống gia đình. Đây rồi, chỗ ngồi quen thuộc của mẹ ở ngay dưới gốc thị già. Mẹ ngồi bán rượu nếp với bỗng chua. Sớm mai ngái ngủ, mẹ mở thúng hàng ra mùi rượu nếp thơm nồng sực nức cả mũi tôi. Cái vị ngòn ngọt cay cay ấy đã bao lần ăn rồi mà tôi vẫn thấy nhớ, thấy thèm. Đã có lần, tôi giấu mẹ ăn vụng quá tay nên say lử đử, hai má đỏ lựng lên. Buổi chợ ấy, mẹ phải quẩy hàng về sớm pha nước chanh với bôi vôi bàn chân cho tôi mau tỉnh.

“Chị ơi vào quán cô Bẩy ăn bát bún đậu đi nhé!”-Tôi mời khéo chị. Đã gần 30 năm cô ngồi bán ở đây rồi. Cô Bẩy đon đả bày đĩa bún trắng phau ăn cùng với đậu phụ rán vàng ruộm chấm trong bát mắm tôm tím sẫm. Vài sợi rau chuối thái rối, rau húng, tía tô, thêm lát ớt đỏ tươi. Thế là đủ vị cho một bát bún thơm ngon mà bất cứ người nào ở quê cũng có thể mua được. Bữa sáng chỉ vài nghìn đồng mà vẫn ấm lòng. Chẳng thế mà quán của cô lúc nào cũng đông khách, lỡ đi chợ muộn hết hàng rồi khách còn đứng tiếc ngẩn ngơ.

Chị thì mải mua đồ, còn tôi thì mải ngắm. Bỗng vô tình tôi đưa mắt thấy gương mặt quen quen nghiêng nghiêng bên vành nón lá. Bước đến trước mặt, tôi hỏi nhỏ: “Có phải Giang đấy không?”. “Ơ... cậu cũng đi chợ phiên à?”. Câu trả lời ngập ngừng không giấu được vẻ thẹn thùng của người phụ nữ thôn quê. Giang là bạn học cùng với tôi từ nhỏ đến hết lớp 9. Tôi lên trung học phổ thông trường huyện, còn Giang thì vẫn học ở quê. Rồi mỗi người một đường hướng riêng, cũng từ đó ít liên lạc với nhau. Giang tâm sự, học hết trung học phổ thông, mình ở nhà phụ giúp bố mẹ làm đậu phụ chạy chợ. Khi lập gia đình, mình lại ra chợ kiếm kế mưu sinh với gánh bánh quê. Cậu thử chút bánh tẻ quê mình nhé! Cầm chiếc bánh từ tay bạn mà tôi thấy bùi ngùi thương cảm cho cô bạn nhà nghèo học giỏi. Nhìn cháu bé gái có đôi mắt hồn nhiên trong veo như nước giếng làng ngồi cùng mẹ bên quán chợ liêu xiêu làm tôi thấy thương bạn nhiều hơn.

Mải mê đi khắp quán hàng trời đã đứng bóng, chị giục tôi đi nhanh kẻo về muộn. Tôi phụ chị xách đầy một làn mà chẳng hết bao nhiêu tiền. Tôi xuýt xoa mãi, sao chợ quê mình đồ rẻ thế, không như thành phố cái gì cũng đắt đỏ, tiêu pha tốn kém. Chị nhìn tôi tủm tỉm: “Thế thì cậu năng về quê đi chợ sắm đồ mà mang lên thành phố. Chợ quê đơn sơ bình dị nhưng đã nuôi lớn bao lớp người đấy cậu ơi!”. Chị em tôi lục tục ra về khi trời đã quá trưa...

Tản văn của THƯ NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/neo-ve-cho-que-648072