Nên xóa bỏ độc quyền xuất khẩu gạo của Hiệp hội Lương thực

Theo nhận định, điểm yếu kém nhất của ngành lúa gạo Việt Nam là sự trì trệ, lạc hậu từ Hiệp hội xuất khẩu gạo và các doanh nghiệp Nhà nước.

Sáng 30-3, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Liên minh nông nghiệp đã tổ chức hội thảo “Đánh giá vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đối với ngành lúa gạo và đề xuất các biện pháp cải tổ Hiệp hội” .

Theo VEPR, lịch sử thành lập cho thấy, việc ra đời VFA ngay từ đầu đã không phản ánh đúng nguyên tắc căn bản là dựa trên sự tự nguyện vì mục đích hoạt động của các thành viên, mà dựa trên ý chí của một bộ phận các cơ quan quản lý Nhà nước, với kỳ vọng trở thành “cánh tay nối dài” của Chính phủ để quản lý ngành lúa gạo.

VFA được cho là đã lỗi thời, gây cản trở đến ngành xuất khẩu gạo và cần phải được thay đổi

VFA được cho là đã lỗi thời, gây cản trở đến ngành xuất khẩu gạo và cần phải được thay đổi

VFA là Hiệp hội thành lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện nhưng vị trí Chủ tịch Hiệp hội vẫn do Bộ Công thương phê chuẩn và thường do lãnh đạo Vinafood I và Vinafood II thay nhau đảm nhận. Nhiều mâu thuẫn bùng phát xuất phát từ sự thiếu minh bạch và tự nguyện trong bầu cử lãnh đạo. Bộ máy quản lý đầy đủ các vị trí nhưng hoạt động kém hiệu quả và minh bạch.

Nhóm nghiên cứu của VEPR đã thẳng thắn chỉ ra, VFA chỉ là hiệp hội của doanh nghiệp xuất khẩu và chỉ đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp lớn, thay vì bảo vệ đông đảo doanh nghiệp tư nhân. Một trong những rào cản lớn nhất đối với việc gia nhập VFA hiện nay là điều kiện “phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định của Chính phủ”.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR, dù VFA có tên đầy đủ là Hiệp hội lương thực Việt Nam, nhưng không những không bao phủ tới nông dân, thương nhân trung gian, mà còn không đại diện cho quảng đại cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành gạo.

Nhóm nghiên cứu của VEPR cũng chỉ ra, VFA đang không làm tròn vai trò vảo vệ hội viên, bị chỉ trích rất mạnh mẽ khi trực tiếp tham gia vào quá trình thực thi Nghị định 109, được cho là làm cản trở sự phát triển của hội viên.

“Thực tế VFA đang thực thi vai trò bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp Nhà nước, thay vì đông đảo doanh nghiệp tư nhân, thể hiện rõ qua triển khai hợp đồng tập trung. Các quyết định phân bổ của VFA dựa trên cách tiếp cận từ phía quản lý, không dựa trên sự đồng thuận và tự nguyện của hội viên từ trước”, ông Thành nhận đinh.

Theo nhóm nghiên cứu của VEPR, VFA không còn là sân chơi riêng của các doanh nghiệp nhà nước. Sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân và sự thay đổi căn bản về thị trường đòi hỏi VFA cần có sự thay đổi sâu rộng về cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ.

Từ những phân tích nêu trên, nhóm nghiên cứu của khuyến nghị trong ngắn hạn, Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 109, qua đó xóa bỏ đặc quyền của VFA đang được trao theo Nghị định 109.

Trong dài hạn, Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của hội, hiệp hội. Theo ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác (Bộ NN&PTNT), trong thời đại kinh tế thị trường thì những vấn đề của ngành lúa gạo bộc lộ ngày càng khốc liệt, giá thành sản xuất cao, năng lực cạnh tranh còn nhiều vấn đề.

Trong quá khứ VFA cũng có nhiều thành tích, dẫn dắt ngành lúa gạo đi ra nước ngoài trong lúc các thành phần khác còn hạn chế. Tuy nhiên, vai trò này đã thay đổi. Nhà nước đang muốn giảm dần các vai trò của các tổng công ty nhà nước, mặt khác các doanh nghiệp tư nhân đã vươn lên năng động, đi đầu trong ngành lúa gạo.

Tuyết Nhung

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/nen-xoa-bo-doc-quyen-xuat-khau-gao-cua-hiep-hoi-luong-thuc/762404.antd