Nên xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng để báo cáo Quốc hội. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không nên bỏ loại thuế này mà chỉ nên xem xét giảm thuế để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Bỏ thuế để ổn định vĩ mô?!

Trong văn bản trả lời Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, VCCI cho rằng, việc giảm các nghĩa vụ thuế của mặt hàng xăng dầu nhằm đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Trong đó, việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường có thể thực hiện được ngay trong tháng 7, do đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Không nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Nguồn: ITN

Không nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Nguồn: ITN

"Nếu lựa chọn cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế giá trị gia tăng thì phải đợi kỳ họp Quốc hội gần nhất vào cuối năm 2022, như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay", VCCI nhận định.

Về lâu dài, VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới. Đề xuất này đang nhận được sự quan tâm của xã hội. Vậy có nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng?

Tránh giảm đồng loạt thuế để hạ giá xăng

Việc giảm thuế để hạ giá xăng dầu sẽ tạo điều kiện giảm giá đầu vào cho sản xuất, hạ nhiệt lạm phát. Song, Chính phủ cần hết sức cân nhắc việc tiếp tục giảm thuế để hài hòa lợi ích các bên. Cần tránh việc giảm thuế để giảm giá xăng đồng loạt bởi nếu không cẩn thận sẽ không khuyến khích việc sử dụng tiết kiệm. Nhiều người sử dụng xe công suất lớn, tiêu tốn nhiều xăng và họ rất giàu, đâu cần Nhà nước hỗ trợ! Do vậy, Nhà nước cần tính toán để bảo đảm hỗ trợ đúng, trúng đối tượng, nhất là với người nghèo.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

Chỉ nên giảm, không nên bỏ

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu là cách mà hầu hết các nước đang làm. Có nhiều lý do, song tựu chung là việc áp thuế này nhằm khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. “Thực tế, đang có sự nhầm lẫn giữa thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và cho rằng nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, đây là hai loại thuế hoàn toàn khác nhau”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia này, ở các nước, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu khá cao. Tại Việt Nam, không áp thuế này với dầu, chỉ áp với xăng và hiện trong nhóm thấp nhất của biểu thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), trong khi nhiều mặt hàng như bia, rượu, thuốc lá chịu mức thuế suất 65 - 75%. Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam có ưu đãi rất lớn với mặt hàng xăng dầu, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá.

Từ những phân tích trên, giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính cho rằng, không nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng vì mục đích của nó cũng như theo xu hướng chung toàn cầu. Có chăng chỉ xem xét miễn giảm trong khoảng thời gian nhất định, ví dụ trong 3 hoặc 6 tháng. Bởi trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, nếu lên 10% thì lạm phát tăng 0,345% nên khi giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cùng với các sắc thuế khác chắc chắn sẽ giúp cho giá xăng giảm, qua đó kiểm soát được lạm phát, cân đối vĩ mô. Tuy nhiên, giảm ra sao, mức nào cần được Chính phủ nghiên cứu thấu đáo để hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia lưu ý không nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt. Lý do bởi xăng được coi là một loại hàng hóa đặc biệt dù không xa xỉ, vì nó tiêu hao, mất đi trong tiêu dùng, có thể gây ô nhiễm môi trường và là loại toàn tài nguyên không tái tạo. “Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ điều tiết hành vi tiêu dùng, tiết kiệm năng lượng”, ông Lực nói.

Mặt khác, việc áp thuế này phù hợp với cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải ra môi trường cũng như thông lệ quốc tế, bao gồm các nước trong khu vực. “Chúng ta không nên tạm bỏ hay bỏ hẳn mà chỉ nên tạm giảm như một số sắc thuế khác. Bởi nếu bỏ hẳn sẽ tạo tiền lệ và sau này khôi phục sẽ khó khăn”, TS. Cấn Văn Lực lưu ý.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/nen-xem-xet-giam-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-xang-i292556/