Nên xã hội hóa công tác giám định tư pháp?

'Nên nghiên cứu, mở rộng cho các tổ chức ngoài công lập được tham gia giám định tư pháp để vừa tăng tính cạnh tranh vừa giúp người dân được nhiều lựa chọn hơn, cũng giống như xã hội hóa dịch vụ công chứng.'

Đó là ý kiến của ông Lê Việt Trường – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội khóa XIII khi góp ý vào dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Chiều 25/10, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp. Hội thảo đã có sự tham dự của đơn vị soạn thảo cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu luật pháp. Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa chủ trì buổi Hội thảo.

Bà Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Bà Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo. Trong dự án sửa đổi lần này, đơn vị soạn thảo tập trung vào một số nội dung liên quan đến đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế. Dự thảo sửa đổi tập trung vào các vấn đề thời hạn giám định, các quy định mang tính phân cấp, phân quyền, bổ sung quyền, trách nhiệm của giám định tư pháp; Chi phí giám định, xác định rõ chức năng, trách nhiệm của các bộ, ngành.

Ông Lê Việt Trường – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội khóa XIII đánh giá, công tác giám định tư pháp vô cùng quan trọng trong hoạt động tố tụng. Kết quả giám định chính xác, khoa học, khách quan thì có ý nghĩa rất lớn đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử. Vì thế, vai trò của Luật Giám định tư pháp cũng vô cùng quan trọng.

Ông Lê Việt Trường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội khóa XIII phát biểu tại Hội thảo.

Tuy nhiên, có thể do thời gian chuẩn bị gấp gáp nên nội dung dự thảo sửa đổi lần này còn nhiều chông chênh, nội dung dự kiến sửa đổi còn hẹp, chưa đồng bộ. Giữa mục tiêu đặt ra và nội dung sửa đổi chưa thực sự ăn nhập với nhau, có cảm giác còn khiên cưỡng.

Bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam bày tỏ sự băn khoăn khi dự thảo sửa đổi Luật Giám định tư pháp lần này chưa cụ thể hóa, đi sâu vào vấn đề giám định đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại tình dục.

Từ thực tiễn các vụ xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian qua, bà Ninh Thị Hồng cho rằng, trẻ em bị xâm hại mà đưa đi giám định trễ thì có thể mất dấu vết, chứng cứ gây khó khăn cho việc điều tra, truy bắt đối tượng. Mặt khác, khi bị xâm hại, tinh thần của trẻ bị tổn thương khủng khiếp nhưng dường như chưa có quy định cụ thể về giám định tinh thần cho trẻ.

Bà Ninh Thị Hồng cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc giao thẩm quyền cấp thẻ giám định viên cho UBND cấp tỉnh và dự thảo cũng chưa đề cập đến việc thu thẻ giám định viên nếu người giám định có sai phạm.

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam bày tỏ băn khoăn khi luật chưa quy định cụ thể việc giám định tinh thần cho trẻ em bị xâm hại.

Cùng quan điểm về việc xã hội hóa giám định tư pháp của ông Lê Việt Trường, bà Nguyễn Thị Hà, nguyên thẩm phán TAND thành phố Hà Nội lập luận, công chứng có thể xã hội hóa sao giám định tư pháp lại không thể xã hội hóa được?

Bà Hà phân tích thêm, cần phân cấp, phân quyền rõ ràng công tác giám định tư pháp để các cơ quan tố tụng thuận lợi hơn trong hoạt động của mình. Mặt khác, đó cũng là cách hạn chế việc người yêu cầu giám định đưa ra những yêu sách về nơi giám định, gây áp lực cho các cơ quan tố tụng.

Đại diện Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, không nên lập Viện giám định tư pháp thuộc Viện KSND tối cao, bởi trong thời điểm này là chưa phù hợp, gây lãng phí.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thì đề nghị đơn vị soạn thảo cần lưu ý về việc nộp tạm ứng chi phí giám định, không nên đánh đồng các đối tượng giám định tư pháp. Bởi thực tế, nhiều nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục, họ đã rất khổ và nghèo nay lại quy định phải nộp tạm ứng chi phí giám định, như vậy vô tình gây khó khăn cho họ.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu, chuyên gia cũng tranh luận sôi nổi về thời hạn quyết định giám định hay không trong 7 ngày là ngắn hay dài. Có ý kiến cho rằng, thời hạn 7 ngày là dài, gây khó khăn cho việc điều tra, có thể bỏ lọt tội phạm nhưng cũng có ý kiến cho rằng thời hạn đó là ngắn đối với những vụ việc phức tạp, như các vụ liên quan đến ma túy.

Đại diện Bộ Tư pháp – cơ quan soạn thảo lý giải, việc xã hội hóa là hướng đi phù hợp tuy nhiên hiện nay nhu cầu giám định chưa thực sự lớn nên chưa thực sự cần thiết. Về những thắc mắc của đại biểu xung quanh việc giám định đối với trẻ em bị xâm hại, đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng, vướng ở khâu quyết định đưa đi giám định hay không, còn thời gian, cách thức giám định đã được quy định rất chi tiết, cụ thể.

Kết luận Hội thảo, Phó chủ tịch Bùi Thị Hòa nhấn mạnh, Hội LHPN Việt Nam sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, thể hiện quan điểm của mình với cơ quan soạn thảo. “Mong muốn của chúng tôi là làm sao sửa đổi lần này sẽ giải quyết được những vấn đề đặt ra và khi áp dụng vào thực tế những khó khăn sẽ được giải quyết. Làm sao để những sửa đổi giúp luật có tính thuyết phục hơn nữa”, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh.

Hà Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/luat-doi/nen-xa-hoi-hoa-cong-tac-giam-dinh-tu-phap-post66116.html