Nên trợ giá xe buýt mỗi năm hàng ngàn tỷ?

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên đặt vấn đề thay vì sử dụng ngân sách trợ giá cho loại hình vận tải này, nên để xe buýt được tăng giá vé nhằm giảm áp lực cho ngân sách.

Ảnh minh họa

92/112 tuyến phải… trợ giá!

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, tính đến tháng 6/2018, Hà Nội có 112 tuyến buýt, trong đó 92 tuyến buýt có trợ giá; 20 tuyến buýt không trợ giá (9 tuyến nội đô,10 tuyến buýt kế cận, 1 tuyến city tour). Năm ngoái, Hà Nội chi khoảng 1.000 tỷ đồng để trợ giá cho loại hình vận tải này. Riêng 6 tháng đầu năm nay, số tiền trợ giá này là 500 tỷ đồng. Dự kiến, cả năm 2018, con số này sẽ “vọt” lên trên 1.000 tỷ đồng.

Ở phía Nam – tại TP HCM, trong năm nay, TP dự kiến bố trí kinh phí trợ giá xe buýt là 1.000 tỷ đồng. Với lí do chi phí vận hành xe buýt tăng, mới đây, Sở GTVT TP HCM kiến nghị UBND TP xem xét bổ sung dự toán chi ngân sách năm 2018 cho trợ giá xe buýt thêm khoảng 330 tỷ đồng. Đáng nói, ngày 9/8 vừa qua, hai tuyến buýt số 40 và 149 của TP này đã tạm ngừng hoạt động do ít khách, trong đó có một tuyến cũng được trợ giá.

Trao đổi với PLVN, ông Trần Quang Lâm - Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, đề xuất tăng trợ giá 330 tỷ trợ giá đã được TP chấp thuận về mặt nguyên tắc, tuy nhiên đến nay chưa có quyết định chính thức. Theo Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, những đề xuất có cơ sở sẽ được TP bổ sung, như về nguyên liệu, biến động giá; chi phí liên quan đến đầu tư xe mới. “Trước đây xe 1 tỷ đồng giờ lên 1,5 tỷ - 2 tỷ đồng chẳng hạn, thì tiền trợ giá được tăng theo”, ông Lâm nói.

Cũng theo vị này, ngoài việc xin trợ giá từ ngân sách, tăng giá vé cũng là nội dung được nghiên cứu. Nhưng, việc tiếp tục tăng giá vé hay không sẽ được tính toán và thực hiện trong năm 2019. “Tính chung toàn hệ thống thì trợ giá không quá 40% chi phí; còn lại là doanh thu từ bán vé”, lời ông Lâm.

Nên xem lại mức trợ giá?

Liên quan đến việc mỗi năm ngân sách nhà nước bỏ ra hàng nghìn tỷ để trợ giá như trên, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay, nên điều chỉnh giá vé xe buýt cao hơn để hạn chế sử dụng tiền ngân sách. Theo ông Liên, hiện đang khuyến khích phát triển giao thông công cộng, căn cứ vào thu nhập người dân, đặc biệt là tầng lớp hay sử dụng xe buýt là học sinh, sinh viên, người lao động thì chính sách trợ giá cho xe buýt là đúng, nhưng nên có sự điều chỉnh mức trợ giá cho hợp lí.

Vị này phân tích, thu nhập người dân cũng đang được cải thiện, chỉ cần tăng một chút giá vé đã có thể giảm chi phí cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. “Trợ giá xe buýt thì cũng là tiền người dân bỏ ra, tăng giá lên một chút cũng là tiền dân”, ông Liên nói và đề nghị cần nghiên cứu lại mức trợ giá xe buýt hợp lý.

Ông Liên tỏ vẻ lo lắng trước xu hướng năm sau mức trợ giá cao hơn năm trước do số tuyến xe buýt được tăng lên. Nếu cứ đà tăng như vậy sẽ là một áp lực cho ngân sách, đồng thời có thể xảy ra tiêu cực. Nỗi lo này là có cơ sở khi vài năm trước tại TP HCM, một giám đốc công ty xe buýt đã lập khống hồ sơ quyết toán tiền trợ giá xe buýt, ký giả giấy tờ để “bỏ túi” 460 triệu đồng.

Minh Hữu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tieng-noi-da-chieu/nen-tro-gia-xe-buyt-moi-nam-hang-ngan-ty-407379.html