Nền tảng viễn thông: vũ khí mới cho khởi nghiệp

ICTNews - Bên cạnh các hình thức phổ biến như SMS marketing, cổng thanh toán,… có rất nhiều cách cho khởi nghiệp công nghệ gia tăng nguồn lực nhờ áp dụng nền tảng viễn thông vào sản phẩm dịch vụ, thông qua hợp tác với nhà mạng di động.

“Cộng hưởng” lợi ích giữa telco và startup.

Sự tăng trưởng của thị trường công nghệ thông tin của Việt Nam đang đem lại cơ hội để các startup, doanh nghiệp công nghệ có thể triển khai những dịch vụ mới đến với hàng triệu người dùng và gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, xã hội. Tuy nhiên, thực tế là phần lớn người dùng điện thoại tại Việt Nam vẫn sử dụng feature phone. Theo số liệu tổng kết của Bộ TT&TT, đến cuối năm 2014 Việt Nam có 138,6 triệu thuê bao di động. Nhưng chỉ có 22 triệu người dùng smartphone, theo số liệu của công ty Appota.

Thêm vào đó, Viettel ICT cho biết hiện có 110% thuê bao di động đang dùng để nghe gọi nhưng chỉ mới có 10% sử dụng di động băng rộng, trung bình một người sử dụng 2GB dữ liệu. Như vậy, nhu cầu viễn thông đã bão hòa nhưng nhu cầu nội dung lại dưới mức trung bình. Đồng nghĩa, một tập lớn khách hàng feature phone mặc dù có nhu cầu nhưng lại bị hạn chế tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin. Một phân khúc khách hàng rất lớn mà startup công nghệ vẫn còn bỏ ngỏ.

Bài toán đặt ra là làm thế nào để hàng triệu thuê bao feature phone có thể sử dụng được những dịch vụ công nghệ hiện đại hay nói cách khác, làm sao để startup có thể triển khai dịch vụ của mình đến hàng triệu thuê bao đó. Câu trả lời nằm trong sự hợp tác giữa nhà mạng và startup.

Tất nhiên cũng có thể lật ngược câu hỏi, tại sao nhà mạng không tận dụng toàn bộ hạ tầng, tài nguyên của mình để tự triển khai dịch vụ thay vì phải hợp tác với startup? Theo một đại diện của Viettel ICT cho biết: “Mục tiêu của Viettel là đem lại giá trị CNTT tốt nhất chứ không chỉ đơn thuần là nghe gọi, do vậy việc hợp tác với các startup sẽ mang lại cho Viettel sự chuyên môn hóa trong từng sản phẩm khi triển khai tới khách hàng.”

Với mô hình hợp tác này, phía nhà mạng sẽ có trong tay những sản phẩm có thể vận hành ngay mà không mất nguồn lực để phát triển, sản phẩm khi đến tay khách hàng là những sản phẩm có chất lượng tốt sẽ mang lại giá trị cho khách hàng, giúp nhà mạng giữ chân được những khách hàng của mình. Mặt khác, phía nhà mạng cũng sẽ nhận được lợi nhuận nhờ việc chia sẻ doanh thu với các startup cung cấp dịch vụ dựa trên nền tảng của mình.

Về phía startup, lợi ích lớn nhất thu về chính là việc ngay lập tức tiếp cận được với một tập khách hàng tiềm năng khổng lồ của nhà mạng, tận dụng được nguồn tài nguyên lớn như hạ tầng công nghệ, dữ liệu người dùng, tổng đài chăm sóc khách hàng, sức mạnh thương hiệu v.v.. So với việc không hợp tác, startup có thể sẽ phải bỏ ra một lượng chi phí rất lớn mới có được điều này. Ví dụ, Dichung.vn mặc dù theo mô hình chia sẻ nhưng vẫn tận dụng lợi thế về tổng đài khi phần lớn khách hàng vẫn quen với việc sử dụng điện thoại để gọi điện đặt xe. Ngoài ra, hệ thống định vị địa điểm khách hàng qua thuê bao điện thoại hoạt động rất tốt trong trường hợp khách không sử dụng điện thoại có GPS hoặc 3G. Anh Nguyễn Thành Nam, founder Dichung.vn cho biết: “Hợp tác với nhà mạng đã giúp Dichung có thể mở rộng dịch vụ của mình đến các tỉnh vùng sâu vùng xa như Côn Đảo, Điện Biên và tiếp cận chính xác với những khách hàng có nhu cầu du lịch, di chuyển. Mặc dù mới hợp tác được hơn 1 quý nhưng đã nhìn thấy rất nhiều cơ hội và sự cộng hưởng lợi ích giữa 2 bên.”

Anh Nguyễn Thành Nam, founder Dichung.vn

Nhà mạng sẽ giúp startup bằng những giải pháp cụ thể nào?

Đại diện phía Viettel ICT, một doanh nghiệp đi đầu trong việc áp dụng nền tảng viễn thông vào CNTT cho biết: “Viettel mong muốn tìm cộng đồng gồm những startup công nghệ chất lượng và mobile hóa cộng đồng đó.” Như vậy, với lợi thế về công nghệ và hạ tầng viễn thông, nhà mạng có thể đem đến những giải pháp có thể giải quyết phần lớn những khó khăn mà các startup công nghệ đang gặp phải khi vận hành sản phẩm dịch vụ của mình:

1. Công nghệ dựa trên mobile: Đây là một loạt những giải pháp để startup có thể triển khai được sản phẩm của mình đến với hầu hết khách hàng sử dụng di động như giao diện USSD (tin nhắn phi cấu trúc) giúp tương tác nhiều lần với khách hàng, công nghệ nhận biết số điện thoại MSISDN giúp nhận biết thông tin khách hàng, công nghệ định vị khách hàng dựa vào trạm thu phát sóng, phương thức đa giao diện (cross Media) v.v… Ưu điểm của các công nghệ này là có thể sử dụng trên mọi dòng máy mà không cần kết nối internet hay GPS.

2. Thu phí dịch vụ: Nhà mạng có thể giúp startup thu phí hàng triệu khách hàng một cách nhanh chóng trong bối cảnh thanh toán trực tuyến và thanh toán di động tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

3. Kênh marketing, bán hàng : Nắm trong tay số lượng lớn thuê bao di động cũng đồng nghĩa nhà mạng đang sở hữu kênh marketing vô cùng hiệu quả, có thể giúp startup thực hiện các chiến dịch marketing nhắm đúng đối tượng dựa trên cơ sở dữ liệu của người dùng hoặc hỗ trợ bán hàng thông qua đội ngũ telesale.

4. Sức mạnh thương hiệu và dịch vụ chăm sóc khách hàng : làm việc với bên thứ 3 như sẽ dễ dàng hơn rất nhiều cho startup khi hợp tác với telco vốn là những cái tên mà ai cũng biết tại Việt Nam. Ngoài ra có thể tận dụng hệ thống tổng đài của nhà mạng để thực hiện khâu chăm sóc, trả lời thắc mắc của khách hàng. Tiết kiệm rất nhiều nhân lực và thời gian cho startup so với việc tự xây dựng hệ thống “call center.”

Anh Vũ Trần Chí Tâm, founder Taske – ứng dụng gọi giúp việc nhà, chia sẻ “Mong muốn lớn nhất khi hợp tác với nhà mạng là tăng tập khách hàng và có thể giúp những cá nhân cung cấp dịch vụ không dùng smartphone nhận được công việc thông qua tin nhắn điện thoại.”

Anh Vũ Trần Chí Tâm - Founder ứng dụng Taske

Rõ ràng, với sự khởi đầu hạn chế về nguồn lực, việc hợp tác với các nhà mạng để áp dụng nền tảng viễn thông có thể sẽ là một hướng đi mà các CEO khởi nghiệp nên cân nhắc. Hơn hết, mô hình hợp tác này sẽ đem đến cho khởi nghiệp những cơ hội rất lớn để triển khai sản phẩm dịch vụ của mình đến hàng triệu khách hàng thuộc nhiều tỉnh thành và nhiều tầng lớp khác nhau.

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/khoi-nghiep/nen-tang-vien-thong-vu-khi-moi-cho-khoi-nghiep-123962.ict