Nền tảng thông minh cho phát triển kinh tế

Những nền tảng thông minh từ chính sách… đến doanh nghiệp và sản phẩm sẽ tạo guồng máy bền bỉ để nền kinh tế không dừng ở mức tăng trưởng 7,02% năm 2019, mà còn tiến xa hơn trong thập niên tới.

Để kiến tạo guồng máy bền bỉ cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số, cần phải có hợp lực từ những nền tảng thông minh từ khâu làm chính sách, quản lý nhà nước, đến phát triển doanh nghiệp và các sản phẩm hợp yêu cầu.

Để kiến tạo guồng máy bền bỉ cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số, cần phải có hợp lực từ những nền tảng thông minh từ khâu làm chính sách, quản lý nhà nước, đến phát triển doanh nghiệp và các sản phẩm hợp yêu cầu.

Bài học từ sự thiếu đồng bộ

Câu chuyện phát triển kinh tế vượt trội của Singapore khiến doanh nhân Nguyễn Thanh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần CEKS Tư vấn đầu tư thương mại không khỏi suy ngẫm trong những ngày học tập tại quốc đảo này.

Đam mê với trò đua ô tô mô hình, khi học tại Singapore, Tuấn từng được cậu bé Ấn Độ 7 tuổi “dạy đời” trò này. “Xe tôi chạy bằng động cơ điện và thường xuyên bị ‘treo máy’, ngay cả khi thay tụ điện và tản nhiệt thì động cơ vẫn không ổn và khi vào góc cua, xe tôi vẫn bị văng ra, còn các xe khác cua rất ngọt”, ông Tuấn nói.

Sau này, ông Tuấn nhận ra lý do chủ yếu nằm ở động cơ. Hai xe chạy tốc độ cao và thấp ở khúc đầu và khúc cuối như nhau, nhưng biến tần động cơ ở đoạn giữa kém, khiến khi giảm/tăng tốc độ đột ngột, xe bị rồ lên.

“Động cơ của anh giá 20 USD, trong khi động cơ anh cần là loại 60 USD và em (cậu bé Ấn Độ) bán cho anh động cơ tương tự với giá chỉ 40 USD”, ông Tuấn kể lại.

Độ biến thiên quá lớn giống như kẽ hở luật pháp hiện nay khiến nhiều cán bộ thực hiện cấp phép như đất đai, quy hoạch… dễ “hành” và dễ sai phạm, vô hình trung tạo lực cản cho phát triển kinh tế.

Hợp lực từ những nền tảng thông minh

Để kiến tạo guồng máy bền bỉ cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số, cần phải có hợp lực từ những nền tảng thông minh từ khâu làm chính sách, quản lý nhà nước, đến phát triển doanh nghiệp và các sản phẩm hợp yêu cầu.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, để doanh nghiệp lớn lên và dấn thân, ngoài chuyện cắt giảm các điều kiện kinh doanh và đơn giản hóa thủ tục hành chính, thì việc Việt Nam tham gia sân chơi hội nhập sâu rộng cần có sự cổ vũ, liên kết, hợp tác giữa các doanh nhân, các doanh nghiệp với nhau để tạo các mối lợi ích lớn hơn.

Để có sự cổ vũ đó, Nhà nước phải ra được những điều luật, văn bản pháp luật và rộng hơn là các thiết chế để hình thành được các nguồn lực lớn như đất đai, vốn theo hướng cởi mở hơn để khu vực tư nhân tiếp cận… “Doanh nghiệp kỳ vọng trong câu chuyện làm và thực thi luật, cần có những đại diện thông minh liên quan đóng góp ý kiến, để luật khi đi vào thực tiễn có thể đem lại lợi ích thực sự cho doanh nghiệp, trở thành mảnh đất màu mỡ để doanh nghiệp lớn lên”, ông Tuấn nói.

Doanh nghiệp thông minh cần được xây dựng trên nền tảng chuyển đổi số với sự “thông minh” dựa vào dữ liệu để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Chính sách giống như nước sốt, để nước sốt ngon, nó phải được “ninh” từ lợi ích, ý kiến của những thành phần liên quan. “Để doanh nghiệp ăn hamburger với các lớp chính sách đều nhau, không thể để chỗ cứng chỗ mềm, mà phải đồng bộ”, ông Tuấn nói.

Theo bà Josephin Galla, Giám đốc điều hành Công ty Phần mềm SAP Vietnam, yếu tố quan trọng giúp Việt Nam phát huy các tiềm năng kinh tế và tận dụng tốt các cơ hội từ chuyển đổi số hay cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là việc xây dựng các doanh nghiệp thông minh.

Doanh nghiệp thông minh cần được xây dựng trên nền tảng chuyển đổi số với sự “thông minh” dựa vào dữ liệu để nâng cao hiệu quả hoạt động. Internet vạn vật (IoT) và các nền tảng đám mây có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam kết nối hệ thống sản xuất hiệu quả hơn, giúp cắt giảm chi phí sản xuất, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh ở khu vực cũng như toàn cầu.

Cách mạng công nghiệp 4.0 kéo theo sự chuyển đổi mô hình từ các quy trình sản xuất tự động sang mô hình sản xuất lấy khách hàng làm trung tâm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và trải nghiệm của khách hàng.

Theo bà Galla, Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp cần lưu ý áp dụng công thức chuyển đổi số gồm các yếu tố 3P (gồm People - con người, Platform - nền tảng và Policy - chính sách) mà doanh nghiệp trên thế giới đang áp dụng để đảm bảo lợi thế cạnh tranh.

Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện khung chính sách (Luật An ninh mạng, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4), theo bà Galla, để khuyến khích các ngành tham gia chuyển đổi số, thì yếu tố then chốt nữa cần cải thiện là hạ tầng. Bên cạnh đó, rất cần cái bắt tay chặt giữa chính quyền, các cơ sở đào tạo và ngành, lĩnh vực để phát triển nguồn lực cho yêu cầu thực tiễn.

Ông Nguyễn Vi Khải, nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học cho rằng, có thể thấy rõ cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Cuộc cách mạng này có những tác động mạnh mẽ tới nhiều ngành, lĩnh vực như sản xuất - tự động hóa, giao thông, tài chính - ngân hàng, giáo dục, y tế, nông nghiệp... Làn sóng công nghệ mới này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm dịch vụ, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, giảm chi phí sản xuất - vận hành, đồng thời đáp ứng chính xác hơn nhu cầu của khách hàng.

Xu hướng phát triển của cách mạng 4.0 là không thể đảo ngược, đặt doanh nghiệp, doanh nhân vào những suy ngẫm nếu không nhanh sẽ lỡ nhịp, tụt hậu. Trong xu thế đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn, doanh nghiệp Việt Nam cần tính chuyện áp dụng công nghệ 4.0 để tạo sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Lê Quân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nen-tang-thong-minh-cho-phat-trien-kinh-te-d115321.html