Nền tảng thành phố thông minh đã bắt đầu hình thành

Xây dựng thành phố thông minh (TPTM) là xu hướng được các đô thị trên thế giới áp dụng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Không nằm ngoài xu hướng đó, Hà Nội đã nghiên cứu, học hỏi, phát triển các thành tố thông minh trong các lĩnh vực chính quyền điện tử, giao thông, môi trường, y tế, giáo dục... Tới nay, nền tảng của TP Hà Nội thông minh đã bắt đầu được hình thành.

Lấy người dân làm trung tâm phục vụ

Trước đây, anh Lê Văn Hưng ở quận Cầu Giấy thường phải đi làm từ rất sớm để chắc chắn có một chỗ đỗ tại điểm trông giữ xe trên phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm. Nhưng từ khi có dịch vụ thanh toán trông giữ xe qua ứng dụng điện thoại di động (hay còn gọi Iparking), anh Hưng không còn phải lo lắng về việc gửi xe. Về nguyên lý hoạt động, Iparking sẽ cung cấp danh sách điểm đỗ và số chỗ còn trống tại điểm đỗ cho khách hàng qua phần mềm cùng tên.

Trong lộ trình xây dựng TPTM, lĩnh vực giao thông được Hà Nội ưu tiên phát triển. Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ: Những hợp phần đầu tiên của giao thông thông minh đã được hình thành. Thành phố đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị với 500 camera trên các tuyến giao thông trọng điểm để giám sát, điều hành; triển khai ứng dụng quản lý hành trình hơn 100 tuyến xe buýt, với 1.600 xe; thí điểm dịch vụ Iparking trên nhiều tuyến phố; ứng dụng timbuyt.vn để tìm xe buýt bằng điện thoại thông minh...

Hoạt động giám sát tình hình giao thông tại Trung tâm Điều hành xe buýt, Tổng công ty Vận tải Hà Nội.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, để xây dựng TPTM, Hà Nội tập trung phát triển chính quyền điện tử làm nòng cốt, trên cơ sở lựa chọn những lĩnh vực thiết yếu nhất cần cải thiện, như: Môi trường, y tế, giáo dục, giao thông, an ninh an toàn, du lịch, quản lý đô thị... Theo đó, Hà Nội xác định việc ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin (CNTT) trong các lĩnh vực là giải pháp quan trọng và cấp thiết. “Khi xây dựng TPTM sẽ giảm chi phí quản lý của bộ máy chính quyền, giảm chi phí cho hệ thống doanh nghiệp, là cơ sở để cải cách thủ tục hành chính... Tất cả nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp cho người dân, lấy người dân làm trung tâm để phục vụ, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Dồi dào tiềm năng để xây dựng thành phố thông minh

Được giao nhiệm vụ là đơn vị tham gia xây dựng khung TPTM, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, từ năm 2016 đến nay, hạ tầng kỹ thuật CNTT của thành phố được triển khai đồng bộ, hiện đại theo hướng thuê dịch vụ CNTT. Thành phố mạnh dạn ngừng sử dụng 170 chương trình phần mềm và máy chủ riêng lẻ của các quận, huyện, các phần mềm sử dụng quỹ viễn thông công ích để xây dựng hệ thống mạng WAN tập trung từ thành phố đến 584/584 xã, phường, thị trấn; bảo đảm cơ sở hạ tầng CNTT đến cấp xã để triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng chuyên ngành.

TP Hà Nội cũng đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân. Đây là kết quả quan trọng để Hà Nội triển khai diện rộng xây dựng và cập nhật các cơ sở dữ liệu cốt lõi, tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử. Hiện nay, thành phố cũng đã triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp các dịch vụ công mức 3, 4 trên một nền tảng thống nhất, đồng bộ tại 30/30 quận, huyện; 584/584 xã, phường. Hiện có 391 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đạt gần 20,4% tổng số thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước thuộc thành phố. Tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng của một số dịch vụ công trực tuyến đạt kết quả cao, như lĩnh vực tư pháp khối quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, đạt hơn 90%; đăng ký kinh doanh hơn 75%; thuế hơn 97%; hải quan là 100%; bảo hiểm xã hội hơn 80%... Bà Phan Lan Tú cũng cho biết: Nhiều đơn vị đã xây dựng mô hình sáng tạo giúp người dân tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến. Điển hình như huyện Chương Mỹ đã thành lập nhiều điểm truy cập internet công cộng hướng dẫn người dân; thành lập câu lạc bộ tin học cho người cao tuổi, cựu chiến binh; hoặc sổ điện tử tại quận Bắc Từ Liêm...

Theo lộ trình, trong năm 2017 và 2018, Hà Nội tập trung triển khai xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành tập trung của thành phố, bao gồm các chức năng: Điều hành giao thông; phân tích dữ liệu kinh tế-xã hội phục vụ quản lý, điều hành của thành phố; giám sát bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; hỗ trợ khắc phục sự cố, hỗ trợ kỹ thuật CNTT; tiếp nhận phản ánh và cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp; tích hợp, điều hành các tổng đài xử lý sự cố khẩn cấp...

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Hà Nội đang là thành phố có tốc độ phát triển mạnh, có nhiều thuận lợi để xây dựng TPTM. Hà Nội xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT; có tỷ lệ người sử dụng internet lớn... Song, có thể nhận thấy, xây dựng TPTM tại Hà Nội còn nhiều thách thức. Đó là, thách thức do quy mô lớn, dân số đông; điều kiện phát triển hạ tầng chưa đồng bộ; thách thức về xây dựng và liên thông các cơ sở dữ liệu, cũng như vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh thông tin…

Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, sau khi xây dựng một lộ trình, đường hướng cụ thể để xây dựng TPTM, điều cần làm tiếp theo là xây dựng một hệ sinh thái để thực hiện các chính sách đó. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của Hà Nội rất cần có sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng. Trong quá trình triển khai, thành phố luôn chú trọng thu hút các nguồn lực đầu tư từ xã hội, đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm và tri thức thông qua việc ký kết văn bản ghi nhớ với nhiều tập đoàn trong và ngoài nước.

Trong tương lai không xa, Hà Nội chắc chắn sẽ là một trong những địa phương đi đầu cả nước về xây dựng TPTM.

Bài và ảnh: VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nen-tang-thanh-pho-thong-minh-da-bat-dau-hinh-thanh-524359