Nền tảng cho một 'Ấn Độ mới'

Chính sách quốc gia về giáo dục của Ấn Độ được xây dựng vào năm 1986 và được sửa đổi vào năm 1992. Kể từ đó, nhiều thay đổi đã diễn ra đòi hỏi phải sửa đổi chính sách. Vì vậy, chính sách giáo dục mới ra đời năm 2020 là chính sách giáo dục đầu tiên của thế kỷ XXI nhằm thay thế chính sách 34 tuổi nói trên. Thủ tướng Ấn Độ từng kỳ vọng, động thái này sẽ đặt nền móng cho một 'Ấn Độ mới'.

Phấn đấu trở thành siêu cường tri thức toàn cầu

Được xây dựng dựa trên các trụ cột cơ bản là "Tiếp cận, Công bằng, Chất lượng, Khả năng chi trả và Trách nhiệm", chính sách giáo dục mới phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và nhằm mục đích biến Ấn Độ thành xã hội tri thức mạnh mẽ và siêu cường tri thức toàn cầu bằng cách làm cho cả giáo dục phổ thông và đại học trở nên toàn diện, linh hoạt, đa ngành hơn, phù hợp với nhu cầu của thế kỷ XXI và phát huy khả năng độc đáo của mỗi học sinh.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Chính sách giáo dục mới của Ấn Độ năm 2020 có nhiều đặc điểm đáng chú ý. Trước hết là bảo đảm tiếp cận phổ cập giáo dục phổ thông ở tất cả các cấp từ mầm non đến trung học. Chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng, các trung tâm giáo dục đổi mới để đưa học sinh bỏ học trở lại trường học, theo dõi học sinh và trình độ học tập của các em, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều con đường học tập liên quan đến cả phương thức giáo dục chính quy và không chính quy…

Điểm nổi bật tiếp theo liên quan đến chăm sóc và giáo dục mầm mon với cấu trúc sư phạm và chương trình giảng dạy mới. Theo đó, cấu trúc chương trình giảng dạy ở trường 10+2 (tức là 10 năm giáo dục cơ bản, 2 năm giáo dục phổ thông) được thay thế bằng cấu trúc giảng dạy 5 + 3 + 3 + 4 tương ứng với các độ tuổi 3 - 8, 8 - 11, 11 - 14 và 14 - 18. Điều này sẽ đưa nhóm tuổi từ 3 - 6 tuổi được học theo chương trình giảng dạy ở trường, vốn đã được công nhận trên toàn cầu là giai đoạn quan trọng cho sự phát triển khả năng trí tuệ của trẻ. Hệ thống mới sẽ có 12 năm học cộng với 3 năm mầm non…

Đạt được khả năng đọc hiểu và tính toán cơ bản cũng là nội dung quan trọng trong chính sách giáo dục mới của đất nước đông dân nhì thế giới. Nhận thức rõ nền tảng về đọc hiểu và khả năng tính toán cơ bản là điều kiện tiên quyết cần thiết, cấp bách để học tập, chính sách giáo dục mới của Ấn Độ kêu gọi Bộ Giáo dục nước này thành lập Sứ mệnh quốc gia về đọc hiểu cơ bản và toán học. Các bang trong nước sẽ chuẩn bị kế hoạch thực hiện để đạt được khả năng phổ cập đọc và viết ở tất cả các trường tiểu học cho tất cả học sinh lớp 3 vào năm 2025.

Điểm đáng chú ý tiếp theo là cải cách chương trình giảng dạy và phương pháp sư phạm ở trường học. Chương trình này sẽ hướng tới sự phát triển toàn diện của người học bằng cách trang bị cho họ những kỹ năng quan trọng của thế kỷ XXI, giảm nội dung chương trình học để nâng cao khả năng học tập thiết yếu, tư duy phản biện và tập trung hơn vào học tập trải nghiệm. Học sinh sẽ được linh hoạt hơn và có thể lựa chọn các môn học. Sẽ không có sự ngăn cách cứng nhắc giữa nghệ thuật và khoa học, giữa các hoạt động trong giờ và ngoại khóa, giữa các luồng hướng nghiệp và học thuật. Giáo dục hướng nghiệp sẽ bắt đầu trong các trường học từ lớp 6, và sẽ bao gồm cả thực tập.

Tạo cơ hội được giáo dục toàn diện và bình đẳng

Đặc biệt, chính sách giáo dục mới của Ấn Độ nhấn mạnh tiếng mẹ đẻ/ngôn ngữ địa phương/ngôn ngữ khu vực như là phương tiện giảng dạy ít nhất cho đến lớp 5, nhưng tốt nhất là cho đến lớp 8 trở lên. Tiếng Phạn sẽ được đưa ra ở tất cả các cấp học và giáo dục đại học như một lựa chọn cho học sinh. Các ngôn ngữ và văn học cổ điển khác của Ấn Độ cũng có sẵn dưới dạng tùy chọn. Không có ngôn ngữ nào được áp đặt cho bất kỳ học sinh nào… Ngôn ngữ ký hiệu Ấn Độ (ISL) được tiêu chuẩn hóa trên toàn quốc, và các tài liệu chương trình giảng dạy của quốc gia, các bang được phát triển bằng ngôn ngữ này để học sinh khiếm thính sử dụng.

Chính sách giáo dục mới còn tiến hành cải cách cách thức đánh giá học sinh như chuyển từ đánh giá tổng kết sang đánh giá thường xuyên và đánh giá hình thức, dựa trên năng lực nhiều hơn, thúc đẩy học tập và phát triển, đồng thời kiểm tra các kỹ năng bậc cao, chẳng hạn như khả năng phân tích, tư duy phản biện... Tất cả học sinh sẽ tham gia các kỳ thi cấp trường ở các lớp 3, 5 và 8 do cơ quan có thẩm quyền thích hợp tiến hành. Các kỳ thi hội đồng cho lớp 10 và 12 vẫn tiếp tục, nhưng được thiết kế lại với mục đích phát triển toàn diện. Trung tâm Đánh giá quốc gia mới, PARAKH (Đánh giá hiệu suất, Xem xét và Phân tích kiến thức để phát triển toàn diện) được thành lập với vai trò là cơ quan thiết lập tiêu chuẩn.

Chính sách giáo dục mới ra đời năm 2020 đặc biệt chú trọng vào việc bảo đảm rằng không trẻ em nào mất cơ hội để học hỏi và vươn lên vì hoàn cảnh xuất thân. Đặc biệt, chính sách chú trọng đến các nhóm thiệt thòi về kinh tế và xã hội, liên quan đến bản sắc, khuyết tật về giới, văn hóa xã hội hay địa lý. Điều này bao gồm việc thành lập Quỹ Hòa nhập giới và các khu giáo dục đặc biệt cho các vùng và nhóm khó khăn. Trẻ em khuyết tật sẽ được tạo điều kiện để tham gia vào quá trình đi học bình thường từ giai đoạn cơ bản đến giáo dục đại học…

Chính sách giáo dục của Ấn Độ cũng chú trọng đến công tác tuyển dụng giáo viên và lộ trình nghề nghiệp của họ. Giáo viên sẽ được tuyển dụng thông qua các quy trình rõ ràng, minh bạch. Việc thăng chức sẽ dựa trên thành tích, với cơ chế đánh giá hiệu suất định kỳ từ nhiều nguồn và các lộ trình tiến bộ có sẵn để trở thành nhà quản lý giáo dục hoặc nhà đào tạo giáo viên. Tiêu chuẩn nghề nghiệp quốc gia cho giáo viên do Hội đồng giáo viên quốc gia phát triển vào năm 2022.

Ngoài ra, thiết lập tiêu chuẩn và công nhận cho giáo dục trường học là điểm đáng chú ý trong chính sách giáo dục mới. Chính sách này vạch ra các hệ thống rõ ràng, riêng biệt để hoạch định chính sách, quy định, hoạt động và các vấn đề học thuật. Một trong những nội dung được chú ý là các bang sẽ thành lập Cơ quan Tiêu chuẩn trường học cấp bang độc lập…

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nen-tang-cho-mot-an-do-moi-wqpf2jl4gf-82407