Nén tâm nhang thương tiếc thầy Phan Ngọc

Vĩnh biệt thầy Phan Ngọc - học giả lỗi lạc cuối cùng của thế hệ lớn lên dưới thời thuộc Pháp đã rời cõi tạm ở tuổi đại thọ 96.

Tôi xin kể lại mấy câu chuyện sau để tưởng nhớ tới Cụ, người mà tôi có may mắn được làm quen từ những năm 80 thế kỷ trước và tôi vẫn thường gọi Cụ bằng “chú”. Trong giao tiếp tôi vẫn gọi Cụ là “chú” nhưng trong bài này, tôi sử dụng từ “Thầy” để tiện cho giao tiếp chung.

Lần tiếp xúc đầu tiên

Đó là vào khoảng năm 1981, tôi mới về khoa Tiếng Việt được một năm, đang tập sự dạy tiếng Việt, học tiếng Anh để chuẩn bị đi dạy ở Campuchia. Một buổi chiều, tôi đi bộ ra nhà thầy Nguyễn Tài Cẩn chơi, vì chỗ nhà tôi ở, khu 98 Bách Khoa (cạnh Bộ Giáo dục và Đào tạo bây giờ) không xa nhà thầy Cẩn ở khu Chợ Trời, chỉ khoảng 2 cây số.

Buổi chiều đó, khi tôi đang ngồi với thầy Cẩn ở hiên nhà thì thầy Phan Ngọc đến, cầm một cuốn sách. Thầy Cẩn giới thiệu thầy Phan Ngọc với tôi. Rồi sau đó hai người nói chuyện với nhau, còn tôi ngồi nghe.

Thầy Phan Ngọc đứng ngoài cùng bên phải, cùng với Nguyễn Thiện Nam, Nguyễn Sĩ Tuấn, Trần Nhật Chính, Trần Thị Chung Toàn, Nguyễn Thị Bạch Vân tại Phnompenh 1983.

Thầy Phan Ngọc đứng ngoài cùng bên phải, cùng với Nguyễn Thiện Nam, Nguyễn Sĩ Tuấn, Trần Nhật Chính, Trần Thị Chung Toàn, Nguyễn Thị Bạch Vân tại Phnompenh 1983.

Thực ra hồi sinh viên, chúng tôi cũng đã nhìn thấy Thầy vài lần khi Thầy đến làm việc ở phòng tư liệu khoa Ngữ Văn với vị trí của một nhân viên dịch thuật. Hôm đó thầy Phan Ngọc cầm quyển “Mẹo chữa lỗi chính tả cho học sinh” vừa in đến tặng thầy Cẩn. Thầy Ngọc kể: “Mấy hôm rồi tôi đi dịch cho đoàn Hà Lan về cái Làng Lụa Vạn Phúc”.

Tôi vẫn nhớ Thầy bảo: “Tiếng Anh thì cũng nhiều người biết, nhưng để dịch được cái ni là nhiều anh chịu chết”. Rồi Thầy vừa cười vừa nói, khoái chí: “Đừng có tưởng con ếch ngồi đáy giếng mà không biết gì, nó mà chịu khó nhìn thì nhìn xung quanh nó ra khối thứ”. Cho đến lúc đó, Thầy chưa ra khỏi biên giới Việt Nam bao giờ. Thầy bảo tôi: "Các ông phải học thôi, bò ra mà học".

Tối đó trở về căn phòng giấy dầu nhỏ nóng ở Bách Khoa, tôi lại vùi đầu vào những bài tiếng Anh đang học, tự nhiên thấy muốn chăm học hơn. Đó là điều mà bây giờ người ta hay nói là “được truyền cảm hứng”. Thực sự thường thì tôi cũng lười, thỉnh thoảng đến nhà thầy Cẩn xong, gặp được những người như thầy Phan Ngọc… thì về lại có hứng học hơn.

Lần gặp thứ hai

Đó là những tháng cuối năm 1983, tôi đang dạy tiếng Việt ở Campuchia, còn thầy thì cùng với anh Sĩ Tuấn, Văn khóa 22 Tổng hợp, thành viên của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, hai thầy trò sang công tác tại Campuchia. Thầy sang Campuchia để giúp bạn về phương pháp dịch và thống nhất các thuật ngữ khoa học.

Anh Sĩ Tuấn thường đưa Thầy tới đoàn chúng tôi chơi vì trong đoàn có 3-4 người là bạn học cùng lớp anh Sĩ Tuấn. Lúc đó nhiều người trong chúng tôi đã biết về Thầy rồi nên những buổi gặp gỡ, chuyện trò đó chúng tôi tiếp nhận được nhiều tri thức quý hiếm, dễ nhớ từ một người có trí tuệ uyên bác nhưng cách diễn giải lại cực kỳ dễ hiểu. Khi đó thì tôi phát hiện ra Thầy phát âm tiếng Anh hơi theo giọng Nghệ, tôi vẫn nhớ giọng một câu Thầy nói đại khái là: “We were deferent when we were young, we are the same when we are getting old” (Chúng ta chỉ khác nhau khi còn trẻ chứ về già thì như nhau cả). Lúc nào Thầy khoái chí lên là Thầy vỗ đùi đánh đét rồi cười rất sảng khoái, giọng lên cao thanh thanh như giọng chim.

Tôi vẫn nhớ mãi chuyện này, Thầy phàn nàn: “Ôi các ông ơi, cái tiếng Khmer nó khó quá, tôi biết 14 thứ tiếng châu Âu, có tiếng tôi chỉ học trong một tháng thôi, lý do là gì các ông có biết không? Là vì tôi biết tiếng La tinh, từ tiếng La tinh thì suy ra được hết, cho nên bao nhiêu thứ tiếng châu Âu, nó giống nhau hết cả ấy mà nếu mà ông biết tiếng La tinh. Còn đằng này, cái tiếng, cái chữ Khmer này nó khó quá, nó kiểu gì ấy, học không được.” Lúc đó tự nhiên, tôi lại nói: “Ơ chú ạ, tiếng Khmer học nói không khó đâu chú ạ, chỉ có chữ là hơi khó thôi”. Tôi nói như thế với Thầy là vì lúc đó dù mới ở Campuchia hơn một năm nhưng do hoàn cảnh đưa đẩy, tôi đã bất đắc dĩ có thành tích làm “phiên dịch mù chữ” cho một cuộc hội đàm giữa hai đoàn đại biểu liên bộ của Campuchia và Việt Nam rồi. (Mỗi bên có 4 thứ trưởng của 4 bộ và đoàn đại biểu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội bàn về việc giúp Campuchia thành lập trường Đại học Kinh tế, trong khi tôi làm phiên dịch mà tôi chỉ biết nói chứ không biết chữ).

Rồi tôi nói chuyện với Thầy về chuyện tiếng ta với tiếng Khmer giống nhau về trật tự nên cứ ghép từ vào là ra thôi nếu chỉ cần học nói. Chúng tôi còn cùng Thầy đi chơi và tham quan Phnompenh đôi lần cho nên có mấy cái ảnh chụp chung với Thầy ở Đồi Bà Pênh. Những buổi tiếp xúc, nói chuyện như thế, thực sự như những giờ học quý giá và được truyền cảm hứng thật mạnh mẽ.

Có một cô giáo trẻ tên là Trần Thị Chung Toàn, lần đầu được ngồi nghe Thầy nói chuyện, sau khi Thầy về rồi thì nói, ơ em thấy bác này sao mà rất uyên bác nha, cái gì cũng biết.” Lúc đó thầy Nguyễn Anh Quế trong đoàn cười nói: “Trước núi Thái Sơn mà không biết”.

Nhà ngôn ngữ học Phan Ngọc.

Lần gặp thứ ba

Đó là vào hè năm 1984, tôi từ Campuchia trở về Hà Nội nghỉ hè. Khi ở Phnompenh, tôi có mua một quyển từ điển Khmer-Nga bìa đỏ do học giả Long Xiem, một nhà ngữ học người Campuchia có vợ là người Nga, định cư ở Nga biên soạn và xuất bản tại Nga, nhưng có bán ở Campuchia. Tôi mua quyển sách đó với ý định là mang về tặng thầy Phan Ngọc vì tôi nghĩ có liên quan đến công việc của Thầy.

Khi về Hà Nội rồi, một hôm tôi và người em họ đến thăm Thầy ở Bùi Thị Xuân, chúng tôi đến lúc khoảng 2 rưỡi, và Thầy trò chuyện với chúng tôi đến gần tối mịt mà không dứt ra được. Tôi mang theo thuốc lá 3 số và quyển từ điển Khmer-Nga để tặng thầy. Thầy nói rất nhiều chuyện, kể cả chuyện kinh tế, chính trị, làm sao để dân đỡ đói...

Chuyện ấn tượng nhất buổi chiều đó là Thầy bảo với tôi, Thầy đã tìm ra 2.000 từ Khmer và Việt cùng gốc với nhau. Thầy bảo: “Ông thấy không? Trước cứ bảo “đai” trong “đất đai” là trống nghĩa, mất nghĩa, vô nghĩa. Thế mà nó nằm ở đây ông thấy không? Tiếng Khmer ông biết quá còn gì, từ “đêêi” (đất) trong tiếng Khmer chính là “đai” đó. Rồi từ "đỏ au", ai cũng nói ""au" không có nghĩa, thế mà đây, "crohom ch'au" là "đỏ rực, đỏ au", rồi "ch'ân ch'au" là "chín rục, chín nẫu", thế là "au" có nghĩa rồi. Cái này mới hay, từ “chọ hỏ” trong “ngồi chọ hỏ” trong tiếng Nghệ nhà mình, ông thấy không? kiểu “ngồi xổm” tiếng Bắc, mà không biết sao ta gọi là “chọ hỏ” thì đây rồi ông ơi, “ch’hô” trong tiếng Khmer là “đứng”, tức “ngồi chọ hỏ” là “ngồi đứng”.

Thầy lại cười khoái chí, vỗ đùi và nói: “Tôi thích nói chuyện này với ông là vì ông biết tiếng Khmer, lại biết tiếng Nghệ chứ quân dừ nói bọn anh không thích nghe.” Tôi cũng vỡ nhẽ, và hỏi Thầy: “Làm sao mà chú biết được 2.000 từ cùng gốc, trong khi mới năm ngoái ở Phnompenh, chú còn bảo tiếng Khmer khó học quá ạ?”. Thầy nói: “Có gì đâu ông ơi, tôi mở 2 cuốn từ điển Hoàng Học ra, tôi dò từ đầu đến cuối, từ nào có phát âm tương tự thì cái anh trong nghề như mình là phát hiện ra ngay. Mà ông không biết chứ để tôi lấy ông xem, đây là tài liệu tôi biên soạn nha, tài liệu học tiếng Khmer cho người Việt nha”.

Tôi vẫn nhớ, không hiểu sao, tập bản thảo đó có rất nhiều trang viết bằng bút bi màu đỏ. Tôi choáng váng, vì mới năm ngoái mình còn nói với Thầy là “tiếng Khmer không khó đâu chú ạ” khi Thầy kêu “nó khó quá”, thế mà chưa đầy năm sau thì Thầy đã soạn cả tài liệu dạy chữ Khmer rồi. Lúc đó Thầy còn nói: “Mà tôi còn làm bao việc khác nữa chứ, gì chứ sức lao động trí óc thì cái lão già này dám đấu với cả cái nước Nam này”. Thầy lại cười và lại vỗ đùi.

Lần thứ 4, mời Thầy về nói chuyện

Tháng 8 năm 1985 tôi về Hà Nội và ở Hà Nội 1 năm rưỡi, dạy tại Khoa tiếng Việt, năm 1986 tôi được tham gia viết sách tiếng Việt cho người nước ngoài do thầy Bùi Phụng chủ biên, mục đích chính là để chuyển sang Campuchia vì nhu cầu cấp thiết về tiếng Việt bên Campuchia thời đó. Tôi cũng phải làm một việc gọi là “bí thư chi đoàn” cán bộ khoa Tiếng Việt.

Chi đoàn khoảng gần 20 giáo viên, và cả nhân viên nữa. Chúng tôi bèn nghĩ ra hoạt động ý nghĩa nhất là tổ chức lớp học tiếng Anh và sinh hoạt khoa học như là tổ chức một hội thảo khoa học của Chi đoàn, và tổ chức sinh hoạt khoa học là mời các chuyên gia về nói chuyện. Hồi đó thầy Phan Ngọc vừa xuất bản cuốn “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều”, thế là Chi đoàn khoa Tiếng Việt tổ chức buổi mời thầy Phan Ngọc đến nói chuyện.

Tôi đến nhà nhờ Thầy và Thầy đồng ý. Buổi nói chuyện, tuy là do Chi đoàn tổ chức nhưng rất nhiều giảng viên lớn tuổi cũng tham dự. Thầy nói một mạch, cuốn hút vô cùng. Tôi cũng tặng Thầy tập Tiếng Việt chuyên ngành: “Tiếng Việt cho sinh viên Y Khoa” mà tôi soạn ở Campuchia, in roneo, phần từ mới có tiếng Việt, tiếng Khme (một thầy Campuchia giúp), tiếng Việt và tiếng Pháp (GS Đoàn Ngưỡng, Hiệu trưởng ĐHY Thái Bình, làm chuyên gia tại ĐH Y - Dược - Nha Phnompenh dịch giúp), nội dung là “giải phẫu và sinh lý người, mô học”. Tôi vẫn nhớ Thầy động viên tôi: "Khá lắm”.

Năm kia, một hôm tôi nhận được điện thoại của anh Lương Ngọc Vinh ở Phòng Hợp tác Phát triển của Trường Nhân văn bảo là, tình cờ anh ấy vào hiệu sách cũ cạnh trường, thấy có cuốn từ điển Khmer-Nga màu đỏ, mà có dòng chữ của tôi “Kính tặng chú Phan Ngọc” và chữ ký của tôi. Được biết là khi đó Thầy đã yếu lắm, cô Tuyến vợ Thầy gọi các học trò đến lấy sách bao nhiêu cũng được, vì phải chuyển nhà. Anh chủ Hiệu sách cũ này cũng kiếm được một ít sách cũ từ nhà Thầy do nhà không mang đi hết. Thế là hôm sau nhân vào trường, tôi cũng qua hiệu sách lục tìm xem có còn cuốn in roneo tập bài giảng tôi soạn năm 1985 “Tiếng Việt cho sinh viên Y khoa” nữa không vì tôi không còn bản nào nữa cả nhưng tiếc là không tìm ra.

Bài viết này, như nén tâm nhang gửi tới Thầy, học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực của Khoa học Xã hội Nhân văn, người biết nhiều ngoại ngữ nhất Việt Nam (có lẽ chỉ sau Trương Vĩnh Ký), người đã truyền cảm hứng học ngoại ngữ mạnh mẽ nhất cho tôi.

Nguyễn Thiện Nam (Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nen-tam-nhang-thuong-tiec-thay-phan-ngoc-ar566490.html