Nền sản xuất châu Á trước nỗi lo 'robot hóa'

Tại các quốc gia châu Á, robot đang đặt ra nỗi lo thay thế việc làm hơn là có thể bổ sung và trợ giúp cho con người.

Để chuẩn bị cho tương lai của tự động hóa, châu Á cần hiểu về cách robot có thể hỗ trợ cho con người trong công việc. Ảnh: Reuters

Để chuẩn bị cho tương lai của tự động hóa, châu Á cần hiểu về cách robot có thể hỗ trợ cho con người trong công việc. Ảnh: Reuters

Foxconn, nhà sản xuất lắp ráp thiết bị điện tử lớn nhất thế giới đã lên kế hoạch tiến hành tự động hóa một số công việc trong các nhà máy bằng cách triển khai hơn một triệu robot. Dự kiến, việc này sẽ nâng số lượng công nhân bị thay thế bằng robot của Foxconn lên hơn 60.000 người kể từ năm 2016.

Tương tự, một số nhà máy hoạt động trong lĩnh vực dệt may, đan ở Bangladesh cũng đang bắt đầu triển khai việc tự động hóa trong sản xuất khi phân chia các công đoạn do con người và máy móc thành hai khu vực riêng biệt.

Có thể thấy, xu hướng robot thay thế lao động trong một số ngành công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ hơn, làm thay đổi quy trình sản xuất. Một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey dự đoán rằng robot sẽ đảm nhận từ 400 triệu đến 800 triệu việc làm vào năm 2030, ảnh hưởng đến 1/5 lực lượng lao động toàn cầu. Morgan Stanley cũng dự báo 20% sản lượng giày Nike và Adidas sẽ do các nhà máy tự động sản xuất vào năm 2023.

Theo các chuyên gia nhận định, việc robot hóa sẽ làm loại bỏ sản xuất với chi phí thấp, cho phép các công ty được hưởng lợi từ việc giảm chi phí vận chuyển và hàng tồn kho cũng nhưu giảm rủi ro trộm cắp tài sản trí tuệ. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp nhanh chóng bắt kịp các xu hướng của thị trường, một điều khá quan trọng trong ngành thời trang.

Chính vì vậy, các chính phủ và doanh nghiệp tại các quốc gia châu Á đang bắt đầu quan tâm hơn đến tiến trình robot hóa khi điều này bắt đầu định hình lại thị trường và lực lượng lao động của họ, nhất là trong bối cảnh lĩnh vực sản xuất vẫn đang chiếm ưu thế tại khu vực này.

Tuy nhiên, về cơ bản, robot thường bổ sung và hỗ trợ con người thay vì thay thế. Như chuyên gia Lilac Nachum tại Đại học New York phân tích, khi con người và robot cùng làm việc sẽ giúp công việc đạt hiệu quả lớn hơn. Đồng thời, việc đẩy nhanh tiến trình robot hóa sẽ giúp các nước đang phát triển cũng có thể được hưởng lợi từ nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp trong nước đối với các vật liệu được sản xuất bởi robot.

Khi tiến hành phân tích 12 nền kinh tế đang phát triển tại châu Á từ năm 2005 đến 2015 từ Ngân hàng châu Á (ADB) cũng cho thấy nhu cầu gia tăng đã bù đắp cho các công việc bị mất do tự động hóa.

Việc áp dụng các công nghệ mới, như các công cụ máy móc và hệ thống máy tính hiện đại trong các nhà máy và văn phòng đã kích thích năng suất và tăng trưởng kinh tế cao hơn. Theo ước tính, sự chuyển đổi sang robot đã tạo ra 134 triệu việc làm mới, so với 101 triệu việc làm đã bị mất.

Đáng chú ý, tại Nhật Bản, người dân xem robot như những người bạn và tin rằng họ có thể giúp đỡ con người. Theo Giáo sư Masatoshi Ishikawa, chuyên gia về robot tại đại học Tokyo, Nhật Bản phân tích, có hai loại robot bao gồm robot làm công việc của con người và robot giúp tăng cường hiệu suất của con người.

Ông nhận định, con người thường nghe quá nhiều về loại thứ nhất và quá ít về loại thứ hai. Vì những người máy không bao giờ mệt mỏi, những sáng tạo của robot có thể giúp con người thực hiện các công việc được cho là bẩn thỉu, buồn tẻ và nguy hiểm. Những quốc gia có tỷ lệ ứng dụng robot cao nhất lại thường có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất.

Mặt khác, robot giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động khi dân số tại nhiều quốc gia đang già đi nhanh chóng. Thậm chí, một số quốc gia châu Á thích sử dụng robot hơn nguồn nhập cư để bổ sung cho lực lượng lao động đang bị thu hẹp của họ.

Điều này ngụ ý rằng robot sẽ ngày càng di chuyển ra khỏi nhà máy và đi vào các nhà hàng, bệnh viện... để thực hiện những công việc khác nhau của con người. Khi đó, những việc làm mới sẽ tiếp tục xuất hiện và đòi hỏi lực lượng lao động cần có chuyên môn và kỹ năng cao.

Cụ thể, nhà máy sản xuất pin tự động hoàn toàn của công ty ô tô Tesla tại Berlin sẽ cung cấp 10.000 việc làm cho con người để giám sát lực lượng lao động robot. Amazon có 100.000 robot làm việc trong kho của mình nhưng sử dụng 250.000 lao động ở đó để thực hiện công việc điều hành vì robot không có ý thức chung để thực hiện tất cả các nhiệm vụ.

Chính vì vậy, không có lý do gì để các nhà máy sử dụng robot không nên tồn tại ở các quốc gia mới nổi. Việc ứng dụng robot vào nền công nghiệp sản xuất toàn cầu mở ra cơ hội phát triển mới. Công nghệ không phải là phép màu. Phần lớn phụ thuộc vào chính trị và văn hóa kinh doanh. Thay vì coi đó là thách thức, các quốc gia nên tìm cách để công nghệ và robot phục vụ cho mục đích của mình.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/nen-san-xuat-chau-a-truoc-noi-lo-robot-hoa-166259.html