Nên quy định rõ việc thực hiện hợp đồng lao động đối với giúp việc gia đình

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về lao động là người giúp việc gia đình theo Khoản 2 Điều 161 của Bộ luật Lao động.

Theo đó, đề xuất người lao động và người sử dụng lao động phải giao kết và thực hiện hợp đồng lao động theo quy định, trong đó, hình thức hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản. Dự thảo nêu rõ, người sử dụng lao động phải cung cấp rõ các thông tin về số lượng thành viên trong hộ gia đình, điều kiện ăn, ở của người lao động tại gia đình người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động giúp việc gia đình, trong đó người sử dụng lao động phải bảo đảm cho người lao động được nghỉ hằng tuần, tính bình quân một tháng ít nhất 4 ngày; nghỉ ít nhất 6 giờ liên tục trong 24 giờ liên tục.

Xã hội phát triển, nhu cầu giúp việc gia đình ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng lao động giữa người giúp việc với gia đình chưa thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ đã gây ra nhiều vấn đề khi phát sinh mâu thuẫn. Với môi trường làm việc đặc thù, khép kín trong không gian gia đình riêng, người giúp việc thường có nguy cơ bị lạm dụng sức lao động, gặp phải những rủi ro như bạo lực, ngược đãi, quấy rối tình dục. Họ có thể bị chủ sử dụng lao động không thực hiện đúng thỏa thuận về công việc, thời gian, tiền lương, tiền thưởng hay các quyền lợi như quyền được chi trả một phần bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội không được bảo đảm… Trong khi đó, phía gia đình sử dụng giúp việc cũng gặp phải không ít phiền toái, như: Người giúp việc gia đình thích thì làm không thích thì nghỉ; yêu cầu tăng lương không phù hợp. Thậm chí, một số ít còn có hành vi ăn cắp rồi bỏ trốn, bắt cóc trẻ em để tống tiền…

Vì thế, nếu dự thảo Nghị định quy định về lao động là người giúp việc gia đình theo Khoản 2 Điều 161 của Bộ luật Lao động được hoàn thiện, thực thi sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. Trong đó, người giúp việc sẽ được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, được bảo đảm chế độ nghỉ ngơi, thời gian làm việc bình đẳng như lao động ở các ngành nghề khác. Còn người sử dụng sẽ yên tâm hơn, tránh được những vấn đề nêu trên. Khi có tranh chấp sẽ có căn cứ pháp lý để cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng.

LINH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/nen-quy-dinh-ro-viec-thuc-hien-hop-dong-lao-dong-doi-voi-giup-viec-gia-dinh-619781