NỀN NẾP LỄ HỘI

Hôm qua, cùng với nhiều làng quê khắp miền quê nội, quê vợ tôi đều mở hội. Không thể về dịp này tôi mong ngóng, hỏi han và hồi hộp chờ những tin tốt từ quê. Bởi bên quê nội-làng Ném Thượng, nay thuộc phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh những năm trước đã mang nhiều tiếng xấu vì tục chém lợn phản cảm giữa sân đình đông người.

Đã vậy cái thú cỗ bàn tràn rượu làm cả chủ lẫn khách say khướt, ồn ào, to tiếng và phóng xe bạt mạng… Bên quê vợ-huyện Hoài Đức, TP Hà Nội thì hội Chùa Hương nức tiếng thơm xưa năm nào cũng có lắm chuyện. Hoặc hàng họ, đò giang chặt chém, tranh giành khách hoặc thịt rừng bán công khai, rồi mất vệ sinh, rồi khi nạn chùa miếu giả giải quyết được thì những chuyện “buôn thần bán thánh”, phát lộc lộn xộn lại xuất hiện…

Đua ghe ngo-nét đẹp truyền thống trong Lễ hội Óc Om Bóc của đồng bào Khơ-me tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: HỒNG HIẾU)

Đáng mừng là mấy năm qua sau những lời chê trách và góp ý của khách hội gần xa, chính quyền từ cấp thành phố đến xã phường, làng thôn cùng các cơ quan chức năng, các đoàn thể đã vào cuộc chấn chỉnh. Năm nào cũng tổ chức họp dân, thông báo, bàn bạc cùng dân để cùng thông hiểu, đồng thuận. Thực sự mọi việc không dễ dàng gì, thậm chí rất căng thẳng, đôi ba bốn bên kéo dài nhiều ngày, nhiều cuộc, nhiều mùa hội. Có chuyện giữ lấy tục lệ tổ tiên nhưng đặc biệt là lợi ích của nhiều nhóm người dân sở tại.

Hội to, lễ độc đáo thì khách đông, làng, địa phương, đình chùa đền miếu được tiếng, “con gà tức nhau tiếng gáy” mà cái tâm tính làng xưa là vậy. Nhưng thời thị trường, người ta không chỉ cầu, chỉ lo lấy “cái tiếng” mà còn phải có được “cái miếng”. Hàng quán gì, trò gì, dịch vụ gì cho những ai, chuyện chia chác, giành phần lợi, phần hơn. Nhiều người dân quan niệm rằng mùa lễ hội là mùa làm ăn lớn nhất trong năm.

Lễ hội bị biến tướng trở thành vụ lợi vì thế. Thế rồi bàn mãi,“nói phải củ cải cũng nghe”, cái tốt lành của ông bà phải giữ nhưng cái mới phát sinh xấu xí, lợi ít hại nhiều thì phải dẹp, phải thu gọn, hạn chế. Việc rước “ông ỉn” đi qua làng, qua cánh đồng, vòng lên núi rồi về đình ở Ném Thượng vẫn diễn ra ấm áp, vui vầy. Tục chém lợn được diễn ra đúng nghi thức cổ truyền trong sân nhỏ bên đình và được che kín không để khách chứng kiến, không còn cảnh lấy tiền quệt vào tiết lợn xấu xa, tệ hại như mấy năm trước… Xuân này Ném Thượng ăn nên làm ra gấp nhiều lần những năm trước bởi làng xã đã thành khu, thành phường. Đặc biệt hơn, nhiều gia đình có đất dựng nhà cho công nhân các khu công nghiệp thuê nên kinh tế khá hẳn, thế nên hội to hơn và cái nết quý khách của vùng Kinh Bắc xưa lại càng có điều kiện thể hiện. Công nhân, lao động, thuê trọ, khách quen hay không qua nhà cũng mời vào cùng mâm.

Bên Mỹ Đức, hội Chùa Hương cũng mở ra mỗi năm một quy củ, trật tự hơn. Không còn cảnh những chiếc đò máy khuấy động, bớt hẳn chuyện xô bồ, tranh khách… Có lẽ ít đâu như ở hội này, cán bộ phải vất vả, đau đầu kiên trì vận động, thuyết phục và nghiêm ngắn trong quản lý trước, trong và sau mỗi mùa lễ hội. Nhưng vất vả, đau đầu mà được việc. Nền nếp cũ mới được củng cố, tạo dựng từ những việc tỉ mỉ nhỏ nhất, từ vận động, tạo điều kiện và thực hiện sự công bằng cho mỗi gia đình người dân.

Không chỉ những lễ hội quê mình, mấy năm nay qua lại nhiều nơi tôi được thấy mùa lễ hội mỗi năm lại thêm nhiều điều mới và đẹp. Quan họ Bắc Ninh hát trên thuyền phục vụ khách không lấy tiền. Rước và hát Xoan, các trò vui truyền thống và hiện đại, các công trình văn hóa, tín ngưỡng mới… làm lễ hội Đền Hùng tươi vui, đàng hoàng hẳn lên. Ở miệt An Giang, Bảy Núi khu vực lễ bà Chúa Xứ và đền thờ Thoại Ngọc Hầu khang trang thoáng đãng quanh năm đón khách… Nhà nước và nhân dân cùng làm, cán bộ cùng già làng, nhà tu hành, trí thức và người dân địa phương cùng thống nhất lễ hội đã và sẽ giữ được hồn cốt thiêng lành mà ngày mỗi tươi vui.

NGUYỄN MẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nen-nep-le-hoi-531989