Nên 'mềm hóa' quy định giờ làm việc ở Việt Nam

TGVN. Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đề xuất giờ làm việc của các cơ quan hành chính trên toàn quốc bắt đầu từ 8h30, nghỉ trưa 60 phút và kết thúc lúc 17h30 đang gây nhiều tranh cãi.

Không ít ý kiến cho rằng, áp dụng giờ làm việc như dự thảo “khác nào đánh đố”, “gây xáo trộn lớn”. Đổi giờ làm việc như vậy có nâng cao năng suất lao động? Có nên quy định “cứng” thời gian làm việc?

Ở các nước do thời tiết lạnh giá hoặc quá nóng, họ sẽ điều chỉnh thời gian làm việc cho phù hợp. Còn ở nước ta, giờ làm việc của công chức, người lao động liên quan đến con cái học hành, ùn tắc giao thông... Do vậy, việc thay đổi giờ làm trong các cơ quan hành chính rất có thể sẽ kéo theo nhiều xáo trộn sinh hoạt.

Nếu các công ty nước ngoài làm việc vào 8h sáng trong khi công chức làm việc 8h30 rõ ràng không ổn.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từng chia sẻ, làm luật mà không rõ vấn đề thì khác gì việc chọc cái ti vi không hỏng ra để sửa, “chữa bò lành thành bò què” rất dễ xảy ra.

Đúng vậy, vấn đề nằm ở chỗ, việc điều chỉnh giờ làm việc từ 8h30 đến 17h30 nhằm giải quyết vấn đề gì? Ở nhiều nước, do có hệ thống an sinh xã hội tốt nên khi áp dụng thống nhất giờ làm việc rất thuận lợi. Ở nước ta với các thành phố, khu công nghiệp tập trung, quy định giờ làm việc theo dự thảo sẽ thuận lợi và ngược lại.

Bởi vậy, giờ làm việc nên quy định theo hướng mở, linh hoạt, sao cho phù hợp. Đồng thời, khung giờ làm việc cũng phải dựa vào thời tiết, tập quán của mỗi vùng miền. Thực tế, giờ giấc không quan trọng bằng cách quản lý tại đơn vị sao cho đạt hiệu quả lao động tốt nhất.

Cũng theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, thế giới đang bước vào một thời kỳ phát triển mới khi chính phủ điện tử, chính phủ trí tuệ nhân tạo đang và sẽ làm việc 24/24 giờ mỗi ngày, 365/365 ngày mỗi năm. Quy định thời gian làm việc linh hoạt để đón đầu thời đại đang đến là quan trọng, thay vì quy định một giờ cụ thể cho bao nhiêu triệu con người.

Hiện nay, nhiều quốc gia cho người lao động tự chọn giờ làm việc, miễn sao họ làm đủ 8 tiếng, đảm bảo năng suất lao động. Tại Nhật Bản, người lao động bắt đầu làm việc lúc 8h sáng và kết thúc vào 5h chiều, đã bao gồm 1h nghỉ trưa. Nhiều công ty Nhật khuyến khích nhân viên chợp mắt trong giờ làm việc.

Ở Canada, các công sở, trường học thường bắt đầu làm việc lúc 9h, nhưng đó không phải quy định gắn chặt với từng cơ quan. Trong khi đó, từ tháng 7/2018, người lao động Hàn Quốc sẽ làm việc tối đa 52 giờ/tuần nhằm đảm bảo cân bằng cuộc sống và công việc. Người Đức làm trung bình khoảng 35 giờ/tuần, nghỉ 24 ngày mỗi năm và chính phủ Đức từng cân nhắc cấm email công việc sau 6 giờ tối.

Nhìn ra khu vực, phần lớn cán bộ nhà nước ở các quốc gia Đông Nam Á đều làm việc 8 giờ/ngày, 40-44 giờ/tuần với thời gian nghỉ trưa 60 phút. Luật lao động của Thái Lan và Singapore yêu cầu các cơ quan tự bố trí thời gian nghỉ trưa nhưng không được ít hơn 60 phút…

Có thể nói, cách làm “thả nổi” thời gian, giao quyền quyết định cho tổ chức được áp dụng rộng trên thế giới. Việt Nam đang hội nhập toàn diện với thế giới, nhưng phải dựa trên thực tiễn, điều kiện phù hợp với từng địa phương, vùng miền cũng như phù hợp với thói quen và văn hóa của người Việt Nam.

Việc quy định giờ giấc đi làm ở mỗi quốc gia đều khác nhau và rất khó để so sánh xem mô hình nào lý tưởng hơn với nước ta. Điều chỉnh thời gian cần cân nhắc nhiều yếu tố bởi mục tiêu cốt yếu của việc giữ nguyên hay thay đổi giờ làm vẫn là hiệu quả công việc.

Trong khi đó, sáng tạo và linh hoạt ưu tiên công việc mới là chìa khóa để tăng năng suất lao động. Thiết nghĩ, lúc này chúng ta cần những nghiên cứu, đánh giá hết sức thận trọng, chính xác và những quy định “mềm” về giờ làm việc sao cho hiệu quả nhất.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nen-mem-hoa-quy-dinh-gio-lam-viec-o-viet-nam-94711.html