Nên làm gì với điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử cũ để bảo vệ môi trường?

Một trong những cách quan trọng và đơn giản nhất để giải quyết vấn đề này là sử dụng thiết bị của bạn càng lâu càng tốt.

Trong hai tháng qua, Apple, Google và Samsung đều đã trình làng mẫu smartphone mới nhất của mình cùng nhiều thiết bị khác để thu hút người tiêu dùng nâng cấp trước kỳ nghỉ lễ cuối năm. Tuy nhiên, việc này có thể làm tăng thêm một vấn đề khác: rác thải điện tử.

Tuổi thọ hạn chế của nhiều thiết bị công nghệ, ít tùy chọn sửa chữa thiết bị cũ… là những điều khiến vấn đề rác thải điện tử trên toàn cầu gia tăng mức độ nghiêm trọng trong nhiều năm qua. Dữ liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy thế giới đã tạo ra 53,6 triệu tấn rác thải điện tử vào năm 2019. Đáng chú ý hơn, chỉ 17,4% trong số đó được tái chế.

Ngày 14/10 vừa qua là Ngày Quốc tế về rác thải điện tử hàng năm. Đây là cơ hội để chúng ta phản ánh tác động của rác thải điện tử tới môi trường cũng như nghĩ ra nhiều chương trình, sáng kiến để tái chế chúng.

Hiệp hội quốc tế về xử lý và tái chế rác thải điện tử (WEE) - tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Brussels, cho biết trọng tâm năm nay là xử lý những phần nhỏ rác thải điện tử mà nhiều người có thể đã vô tình tích trữ như điện thoại di động, tai nghe, điều khiển từ xa hay chuột máy tính cũ.

Pascal Leroy - giám đốc của WEEE, cho biết trong một tuyên bố: "Mọi người có xu hướng không nhận ra rằng tất cả những vật tưởng chừng như không quan trọng này lại có rất nhiều giá trị. Ở cấp độ toàn cầu, chúng chiếm khối lượng không hề nhỏ bởi hầu như ai cũng sở hữu một trong số đó".

Vấn đề của rác thải điện tử không chỉ đơn thuần là dọn sạch không gian trong ngôi nhà của bạn. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cho biết không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có cơ sở hạ tầng để tái chế rác thải điện tử một cách an toàn. Tổ chức Y tế Thế giới cũng cảnh báo rằng những người làm công việc tìm kiếm những vật liệu có giá trị như đồng, bạc, paladi… trong rác thải điện tử có thể sẽ phải chịu một loạt các tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Ảnh: Internet.

Ảnh: Internet.

Dưới đây là một số việc bạn có thể thực hiện với điện thoại, máy tính xách tay, sạc pin hay các thiết bị khác của mình để giảm bớt gánh nặng rác thải điện tử:

Tìm dịch vụ xử lý rác thải điện tử

Một trong những cách đơn giản nhất để loại bỏ các thiết bị điện tử cũ là thông qua dịch vụ xử lý rác thải điện tử địa phương. Nhiều đơn vị đã hợp tác với nhau để cung cấp cho người tiêu dùng tùy chọn vứt bỏ thiết bị một cách có trách nhiệm với môi trường.

Tác động của việc tái chế chất thải điện tử có thể rất đáng kinh ngạc. EPA cho biết đối với mỗi 1 triệu điện thoại di động được tái chế, có thể thu được 15 tấn đồng, 350 kg bạc, 34 kg vàng và 15 kg paladi. Tuy nhiên, không phải tất cả các địa phương đều có cơ sở hạng tầng để tái chế rác thải điện tử và đó dường như vẫn là vấn đề lớn nhất ở thời điểm hiện tại.

Ảnh: Internet.

Kiểm tra với nhà bán lẻ

Nếu bạn không thể tìm thấy trung tâm tái chế gần nhà hay nơi làm việc, hãy nghĩ đến các nhà bán lẻ lớn. Hiện nay ở Mỹ, một số thương hiệu như Staples, Best Buy đã triển khai các chương trình cho phép khách hàng mang rác thải điện tử đến để tái chế. Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất, bao gồm cả Apple cũng đã cung cấp chương trình khuyến khích người dùng đổi sản phẩm cũ để nâng cấp sản phẩm mới với giá rẻ hơn.

Không vội "lên đời"

Những người ủng hộ môi trường nói rằng một trong những cách quan trọng nhất để giải quyết vấn đề rác thải điện tử chỉ đơn giản là sử dụng thiết bị của bạn càng lâu càng tốt.

Các nhà hoạch định chính sách gần đây đã ban hành những thay đổi nhằm thúc đẩy các công ty giúp khách hàng sửa chữa thiết bị điện tử tiêu dùng dễ dàng hơn. Chính vì vậy, việc tiếp tục sử dụng thiết bị cũ của mỗi người tiêu dùng sẽ góp phần tích cực vào việc hạn chế rác thải điện tử.

Đầu năm nay, Apple đã triển khai cửa hàng phục vụ tự sửa chữa. Cửa hàng này cung cấp cho khách hàng quyền tiếp cận hơn 200 bộ phận và công cụ riêng lẻ. Hình thức trên đã có mặt tại Mỹ và được dự kiến mở rộng sang nhiều quốc gia trên thế giới, bắt đầu từ châu Âu vào cuối năm nay.

Ảnh: Internet.

Theo Apple, những công cụ có sẵn trong cửa hàng giống như được sử dụng bởi mạng lưới cửa hàng sửa chữa của chính Apple. Hãng cũng cho thuê bộ công cụ với giá 49 USD để những vị khách không muốn mua dụng cụ sửa chữa vẫn dùng được công cụ chất lượng cao như khay sửa chữa, màn hình…

Apple cho biết tự phục vụ sửa chữa là một phần trong nỗ lực của hãng nhằm mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận sửa chữa của người tiêu dùng. Tuy nhiên, đối với phần lớn những khách hàng không có kinh nghiệm sửa chữa thiết bị điện tử, việc đến nhà cung cấp dịch vụ sửa chữa chuyên nghiệp với các kỹ thuật viên được chứng nhận và sử dụng các bộ phận chính hãng của Apple là cách an toàn cho thiết bị của họ.

Trong 3 năm qua, Apple đã mở rộng mạng lưới sửa chữa của mình, gồm hơn 3.000 nhà cung cấp dịch vụ sửa chữa độc lập và hơn 5.000 nhà cung cấp dịch vụ được ủy quyền trên toàn thế giới.

Nguồn: CNN, BI

Mộc Tiên

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nen-lam-gi-voi-dien-thoai-thong-minh-va-cac-thiet-bi-dien-tu-cu-de-bao-ve-moi-truong-20221017171609626.htm