Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao

Sau một thời gian rơi vào khủng hoảng, đầu năm 2023, nền kinh tế toàn cầu xuất hiện những tín hiệu tích cực. Trong đó, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được dự báo có tốc độ tăng trưởng cao. Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế tham dự Tọa đàm 'Cập nhật triển vọng kinh tế, tài chính thế giới năm 2023 và tác động đối với Việt Nam' do Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Standard Chartered tổ chức chiều 28-2 tại Hà Nội.

Tọa đàm có sự tham dự của đại diện các đại sứ quán nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương; các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bức tranh hai chiều của nền kinh tế thế giới

Bước vào năm 2023, thế giới đang chứng kiến những diễn biến hết sức phức tạp, nhanh chóng. Kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục tăng trưởng dưới 3%, thấp hơn năm 2022 và tiếp tục đối mặt với đa khủng hoảng, trong đó có những vấn đề như lạm phát, xung đột, cạnh tranh chiến lược gắn với đó là những vấn đề an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh... Xu hướng thắt chặt tiền tệ, gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại gắn với các tiêu chí về môi trường bền vững cũng đang được thúc đẩy...

 Các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài tham dự phiên thảo luận.

Các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài tham dự phiên thảo luận.

Theo ông Edward Lee, Kinh tế trưởng khu vực ASEAN và Nam Á của Ngân hàng Standard Chartered, năm 2023 đã khởi đầu tích cực hơn dự kiến: Nền kinh tế Mỹ dường như có thể chịu đựng khủng hoảng tốt hơn so với dự đoán; châu Âu vượt qua mùa đông giá lạnh trong bối cảnh khan hiếm nguồn năng lượng; nền kinh tế Trung Quốc đã mở cửa trở lại nhanh chóng hơn dự kiến sau khi điều chỉnh chính sách “không Covid”... Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu vẫn có khả năng tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 và đối mặt với một số rủi ro. Ông Lee dự đoán, nửa năm còn lại của năm 2023, triển vọng của nền kinh tế thế giới sẽ khả quan hơn khi mối lo ngại lạm phát dần được giải tỏa, các ngân hàng trung ương đi đến chu kỳ cuối của chính sách thắt lưng buộc bụng, căng thẳng về chuỗi cung ứng được giảm bớt, các nguồn lực phục vụ cho chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số được thúc đẩy...

Các mục tiêu mà Việt Nam đặt ra đang đi gần đến đích

Theo Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, tiếp nối đà hồi phục tăng trưởng 8,0% của năm 2022, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào cuối năm 2023. "Kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2023 vẫn đối mặt với một số rủi ro vĩ mô như lạm phát, nợ công, khôi phục lòng tin, song triển vọng phục hồi tích cực vào nửa cuối năm. Việt Nam sẽ tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn", ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered nhận xét. Theo ông Tim Leelahaphan, Ngân hàng Standard Chartered vẫn tin vào tiềm năng phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong trung hạn khi các mục tiêu mà Việt Nam đặt ra đang đi gần đến đích. Có thể kể đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất ở khu vực, mục tiêu trở thành nơi thu hút đầu tư nước ngoài hay trở thành nền kinh tế quốc gia mới nổi. “Việc tham gia vào danh sách các nước mới nổi sẽ giúp Việt Nam có thể thu hút hàng tỷ USD đầu tư”, chuyên gia kinh tế Tim Leelahaphan nhận định.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Minh Hằng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, năm 2023 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam. Đây là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ tạo nền tảng, sức bật cho cả giai đoạn 2021-2025 và hướng tới các mục tiêu đã đề ra vào năm 2030 và 2045. “Những dự báo và đánh giá của các tổ chức quốc tế cũng như của Ngân hàng Standard Chartered là cơ sở để lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 cũng như những động lực tăng trưởng trong những năm tiếp theo”, bà Hằng bày tỏ.

Mặc dù còn nhiều thách thức song bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam vẫn tin tưởng rằng, với triển vọng tươi sáng trong trung và dài hạn, Việt Nam là thị trường tăng trưởng trọng điểm của Standard Chartered. “Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển thịnh vượng và chúng tôi cam kết hỗ trợ sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam thông qua một chiến lược dài hạn mạnh mẽ và hợp lý”, bà Michele Wee khẳng định.

Cũng tại tọa đàm, các chuyên gia đã tập trung trao đổi về nhận diện những cơ hội, thách thức cho tăng trưởng và ổn định vĩ mô của Việt Nam trước bối cảnh lạm phát, Trung Quốc tái mở cửa, các cơ chế và sáng kiến mới, thuế tối thiểu toàn cầu... Các chuyên gia cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế xử lý một số vấn đề trong nước hiện nay về thị trường vốn, tiền tệ, bất động sản. Những trao đổi trên có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được đúng xu thế cập nhật của thế giới, từ đó có giải pháp phù hợp, phục hồi điều hành kinh tế-xã hội, cũng như trong xây dựng các kế hoạch sản xuất, phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp, địa phương.

Bài và ảnh: PHƯƠNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nen-kinh-te-viet-nam-tiep-tuc-co-toc-do-tang-truong-cao-720332